Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ thúc đẩy gói ngân sách trị giá hơn 1 nghìn tỉ USD để tái thiết hạ tầng được Quốc hội thông qua |
Đắc cử và trở thành một trong những ông chủ Nhà Trắng gây tranh cãi nhất trong lịch sử, ông Donald Trump đang khiến nhiều người lo ngại sẽ có sự thay đổi lớn về cả đối nội và đối ngoại của Mỹ, bởi ông đã từng tuyên bố sẽ lật lại nhiều chính sách của người tiền nhiệm.
Muốn chi 1 nghìn tỉ USD cho hạ tầng
Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ thúc đẩy Quốc hội thông qua gói ngân sách trị giá hơn 1 nghìn tỉ USD để tái thiết hạ tầng nhằm tăng năng suất và tạo thêm việc làm, Reuters đưa tin ngày 16/11. Trong đó, giao thông chiếm tỉ trọng lớn, gồm: Đường bộ, đường sắt, sân bay, cảng hàng hải/đường thủy nội địa...
Ông Trump tuyên bố: “Chúng ta sẽ tái thiết lại các thành phố, xây dựng đường cao tốc, cầu, hầm, sân bay, trường học và bệnh viện. Chúng ta sẽ nâng cấp chất lượng hạ tầng, đồng thời tạo hàng triệu công ăn việc làm trong quá trình đó”. Các cố vấn chính sách của ông Trump như: Wilbur Ross và Peter Navarro đều khẳng định, cải thiện hạ tầng sẽ tạo nguồn công việc dồi dào, giải quyết vấn đề thất nghiệp đối với những người không được đào tạo chính quy tại Mỹ. Thực tế, trong nghiên cứu gần đây do Viện Nghiên cứu Brookings thực hiện cho thấy, chỉ 12% công nhân được tuyển dụng trong các vị trí hạ tầng có bằng cử nhân trở lên.
Tuy nhiên, điều gì xảy ra khi lượng công việc mới được tạo ra ồ ạt trong khi tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất trong lịch sử? Hiện nay, có khoảng 5,5 triệu công việc còn trống trên khắp đất nước. Đằng sau con số đó là thực tế, nhiều ngành công nghiệp đang đối mặt với tình hình thiếu hụt lao động lành nghề, chứ không phải lao động phổ thông. Reuters nhận định, nước Mỹ đang có nhu cầu cao cải thiện hạ tầng; Đồng thời, với Quốc hội do Đảng Cộng hòa kiểm soát, ông Trump hoàn toàn có thể ban hành luật để tạo hành lang phát triển hạ tầng. Tuy nhiên, có đủ lượng công nhân lành nghề để hoàn thành các dự án hạ tầng hay không là trở ngại lớn nhất.
Kế hoạch cải thiện hạ tầng còn đối mặt với trở ngại vì chi phí cao. Hiệp hội Kỹ thuật xây dựng Mỹ ước tính chi phí sửa chữa, tái thiết hạ tầng trong một thập kỷ tới trị giá khoảng 3,3 tỉ USD, gấp ba lần mức ông Trump đưa ra. Nhưng nếu không tái thiết, Chính phủ sẽ còn mất nhiều hơn. Phân tích của Hiệp hội Kỹ thuật xây dựng Mỹ chỉ ra, đến năm 2025, hạ tầng yếu kém ảnh hưởng tới kinh doanh, đẩy chi phí vận tải lên cao dẫn đến thiệt hại khoảng 4 nghìn tỉ USD và mất 2,5 triệu việc làm.
Tổng thống có thể tự do làm những việc mình tuyên bố?
Tuy nhiên, nói là một chuyện, còn thực hiện được hay không lại là chuyện khác. Bởi, ông Trump vẫn không thể tự mình thực hiện, mà cần phải làm đúng những gì hiến pháp quy định đối với một tổng thống. GS.TS. Terry F. Buss, Giám đốc điều hành Đại học Carnegie Mellon, chuyên gia nghiên cứu quản trị cho biết: “Nước Mỹ có những thiết chế để kiểm soát quyền lực. Rất khó để một Tổng thống có thể tự do làm những việc mình lớn tiếng tuyên bố, bởi hệ thống chính trị Mỹ đã thiết kế những cơ chế để ngăn ngừa việc đó”.
Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Donand Trump từng tuyên bố sẽ lật ngược lại nhiều chính sách của chính quyền Tổng thống Barrack Obama; Trong đó, đáng chú ý có việc chấm dứt thỏa thuận hạt nhân Iran, bác bỏ Hiệp định Thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP), xây bức tường biên giới với Mexico, trục xuất người nhập cư trái phép và dỡ bỏ cấm vận với Nga, hủy bỏ chính sách y tế Obamacare. Thế nhưng, hai ngày trước, ông Trump bộc lộ sự e dè khi nói rằng, sẽ giữ lại một phần Obamacare. Theo Wall Street Journal, ông Trump muốn giữ lại hai điều khoản trong Obamacare: Cấm các hãng bảo hiểm từ chối khách hàng là những người đã mắc bệnh từ trước; Và cha mẹ được giữ con đã đến tuổi trưởng thành trong hợp đồng bảo hiểm. Điều này cho thấy, ông Trump đã có sự nhượng bộ nhất định.
Tổng thống Mỹ không có quyền lực tuyệt đối, vẫn còn Quốc hội và Tòa án Tối cao kiềm chế. Điều này ghi rõ trong Hiến pháp 1787. Các nhà lập quốc cách đây gần 230 năm xây dựng cơ chế kiềm chế, đối trọng giữa lập pháp, hành pháp, tư pháp; theo đó, không cho phép một nhánh nào được nắm toàn bộ quyền lực.
Bởi vậy, sẽ không có chuyện ông Trump “một tay che cả bầu trời”, cho dù Đảng Cộng hòa đang nắm quyền kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện. Đó là chưa kể nhiều chính sách khác trong chương trình 100 ngày của Trump có thể sẽ bị kiện lên Tòa án Tối cao xem xét tính hợp hiến. Dù muốn xây bức tường ngăn với Mexico, muốn trục xuất người nhập cư trái phép, muốn hủy thỏa thuận hạt nhân với Iran hay muốn dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nga, ông Trump phải được Quốc hội chấp thuận.
Đảng Cộng hòa nắm đa số ở cả Thượng viện và Hạ viện. Điều này cũng không đồng nghĩa với việc những chính sách của ông
sẽ dễ dàng được thông qua. Nhìn vào Tổng thống Obama, mặc dù là người của Đảng Dân chủ, nhưng lại gặp phải sự phản đối quyết liệt từ chính phe Dân chủ trong Quốc hội đối với TPP. Nỗ lực hết mức, ông Obama cũng chỉ đạt được quyền đàm phán nhanh, đi tới ký kết TPP, mà không thể thuyết phục Quốc hội phê chuẩn.
Ngoài ra, các nghị sĩ ít chịu ràng buộc với đường lối của đảng hơn. Xuất hiện càng nhiều những nghị sỹ không còn cảm thấy phải thận trọng với những vấn đề thuộc mối quan tâm của đảng. Đó là chưa kể, trong suốt quá trình tranh cử, dư luận đã chứng kiến sự bất đồng nội bộ khi ông Trump vấp phải sự phản đối, thậm chí là chỉ trích của không ít thành viên thuộc chính đảng của mình. Do đó, việc thực hiện những chính sách như mình đã tuyên bố đối với ông Trump không phải là điều dễ dàng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận