Xã hội

Không cử cán bộ yếu kém tiếp dân, giải quyết hồ sơ

30/08/2017, 06:32

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chủ trì Hội thảo lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Nghị định về cơ chế...

4

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại hội thảo

Với vai trò là Trưởng ban soạn thảo Nghị định, ông nhấn mạnh, với chủ trương chuyển từ Chính phủ quản lý sang Chính phủ phục vụ, quan điểm chỉ đạo trong xây dựng nghị định là lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.

Đề cập đến mục tiêu triển khai tốt hơn cơ chế một cửa, một cửa liên thông, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, cần khắc phục 5 tồn tại lớn. Thứ nhất, việc triển khai cơ chế này ở nhiều địa phương còn lúng túng, thủ công, thiếu thống nhất, mang nặng tính hình thức. Thứ hai, việc lựa chọn cán bộ ở bộ phận lại chưa tương xứng. Thứ ba, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính ở địa phương còn thấp, khiến dân phải đi lại nhiều lần. Thứ tư là việc ứng dụng công nghệ thông tin còn rất thấp. Cuối cùng, cần nâng cơ sở pháp lý thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông lên thành nghị định.

"Yếu tố quan trọng là con người, nếu còn cử cán bộ yếu kém tiếp dân, giải quyết hồ sơ thì sẽ chẳng giải quyết được việc gì, bởi bản thân họ không am hiểu quy trình, thủ tục, họ yêu cầu dân bổ sung hết hồ sơ này đến hồ sơ khác sẽ khiến thời gian giải quyết kéo dài rất lâu. Cùng với đó, các bộ phận một cửa phải kết nối với văn phòng lãnh đạo tỉnh để lãnh đạo đó nắm được trong ngày có bao nhiêu hồ sơ được tiếp nhận, bao nhiêu hồ sơ được giải quyết. Ngay như VPCP, tôi đi công tác vẫn xử lý được, hồ sơ của cán bộ nào, của Vụ nào tôi truy cập vào của từng người, anh nào tham mưu không chuẩn, tôi yêu cầu mang hồ sơ giấy đến tận nơi cho tôi xem”.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng

“Tất cả những việc này để đảm bảo liên kết chặt chẽ giữa cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử và giám sát thủ tục hành chính, mục tiêu nhằm hoàn thiện thể chế, xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động và phục vụ. Như Thủ tướng nhiều lần đã nói, không thể “ngứa ở đầu mà đi gãi chân”. Nếu “ngứa đầu mà gãi chân” thì dân sẽ đánh giá điểm rất xấu, mà điểm xấu liên tục thì các cơ quan công quyền, người dân trong và ngoài nước sẽ đánh giá được chất lượng làm việc của Bộ này tốt hay không tốt”, Bộ trưởng Dũng nói.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, VPCP mỗi tháng xử lý khoảng hơn 14 nghìn văn bản của các Bộ, ngành, địa phương gửi đến, nên cơ quan này rất ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong việc sàng lọc, xử lý, lập hồ sơ. Các văn bản sẽ được nhập dữ liệu rồi chuyển đến các vụ chuyên môn, các đơn vị của văn phòng, rồi phân tới chuyên viên, với quy định rõ giải quyết trong bao nhiêu ngày. Hồ sơ chậm trả lời các đơn vị cũng được lưu thể hiện hết trên hệ thống. “VPCP đã thực hiện nhiều đợt kiểm tra việc thực thi công vụ của cán bộ công chức, anh cứ báo cáo làm tốt nhưng cũng có những hồ sơ thấy Bộ, ngành, địa phương chuyển lên mà chuyên viên “để quên”. Nếu mắc 2 lần như vậy sẽ điều chuyển công tác”, ông Dũng nêu rõ và cho rằng, các địa phương cũng cần áp dụng cơ chế này.

Tại hội nghị, ông Lê Đức Dục, Phó giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh nêu thực tế khó khăn, vướng mắc trong liên thông thủ tục hành chính, ví dụ khi liên thông với cơ quan công an thì bên đó thường viện lý do “bí mật” nên không hợp tác. Về vấn đề này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu quan điểm không có gì phải bí mật. Ông cũng cho rằng Nghị định này nên quy định giao thẩm quyền cho Chủ tịch tỉnh, bên cạnh đó, cũng phải có cơ chế yêu cầu các Bộ trưởng thực hiện. “Lâu nay cứ nói không đủ thẩm quyền giải quyết nên trả hồ sơ về, nhưng thế là không được. Nghị định của Chính phủ sẽ quy định rõ hạn xử lý hồ sơ, nếu quá hạn mà không trả lời thì sẽ bị xử lý”, Bộ trưởng Dũng cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.