Ông Vũ Quốc Hùng |
Tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XI đang diễn ra, ngoài việc cho ý kiến vào một số đề án, báo cáo quan trọng, Hội nghị cũng sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với các Ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư; cho ý kiến về việc tiếp tục xây dựng Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, giới thiệu nguồn bổ sung quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Quốc Hùng cho biết, ông rất kỳ vọng với việc quy hoạch cán bộ lần này sẽ chấm dứt được tình trạng “đốt đuốc” tìm cán bộ tại Đại hội lần thứ XII của Đảng.
Công tâm, khách quan khi bỏ phiếu
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, việc lấy phiếu tín nhiệm nhằm giúp những người được lấy phiếu tín nhiệm tự nhìn nhận lại mình để điều chỉnh, tự giác tu dưỡng, rèn luyện; đồng thời giúp Bộ Chính trị có thêm thông tin để đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ. Ông kỳ vọng như thế nào về chủ trương này?
Thực ra, chủ trương lấy phiếu tín nhiệm đã được đặt ra từ rất lâu. Trước hết, cần phải khẳng định đây là chủ trương tốt và đúng đắn. Ban Chấp hành T.Ư Đảng đã ra chủ trương lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội cũng đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm hai lần, sau đó đến các địa phương, các bộ, ban ngành cũng thực hiện theo và bây giờ là lần đầu tiên mà đích thân Ban Chấp hành T.Ư Đảng thực hiện chủ trương lấy phiếu tín nhiệm của mình. Bởi vậy, tôi rất kỳ vọng T.Ư sẽ nêu một tấm gương sáng trong việc thực hiện chủ trương này.
Tôi mong muốn các Ủy viên T.Ư Đảng sẽ thực hiện đúng như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu khai mạc: “Phải đảm bảo việc lấy phiếu thật sự dân chủ, khách quan, công tâm, xây dựng, tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, không để các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá...”. Để thực hiện được điều đó, các Ủy viên T.Ư Đảng phải có một thái độ trung thực, khách quan, luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, không vì cảm tình, vì bất cứ một sức ép nào mà làm sai lệch đi việc nhìn nhận và đánh giá cán bộ qua lá phiếu của mình.
Tại Hội nghị lần này, T.Ư cũng sẽ cho ý kiến về việc tiếp tục xây dựng Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, giới thiệu nguồn bổ sung quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư... Theo ông, những tiêu chuẩn nào cần phải được đặt ra trong việc lựa chọn cán bộ cấp cao?
Tôi rất mừng khi có chủ trương quy hoạch đội ngũ cán bộ. Khi còn công tác và trực tiếp tham dự các Hội nghị T.Ư Đảng, chúng tôi vẫn hay nói với nhau: “Chúng ta phải “đốt đuốc” đi tìm cán bộ”. Có những lần, Đại hội Đảng đã đến phút 89 rồi nhưng vẫn còn lúng túng trong việc lựa chọn cán bộ, thậm chí vẫn còn chưa rõ ai sẽ được giới thiệu là Tổng Bí thư... Bởi thế, chủ trương công khai quy hoạch cán bộ lần này thể hiện trách nhiệm của các đồng chí lãnh đạo hiện nay đối với tương lai. Việc chọn lãnh đạo, người gánh vác công việc của đất nước là một việc vô cùng hệ trọng.
Với việc lựa chọn cán bộ thì T.Ư đã có tiêu chuẩn cụ thể, nhưng tôi cho rằng, tiêu chuẩn cốt lõi và cần thiết nhất là phải chọn ra được những người hiền tài, đó là những người thực sự yêu nước, thương dân, không bao giờ tơ hào đến lợi ích cá nhân. Ngoài cái tâm như thế, người cán bộ cũng phải có cái “tầm” nhất định, tức là phải đáp ứng được về trình độ, năng lực, kỹ năng, nếu không thì họ cũng chỉ là “những người tốt hô khẩu hiệu” mà thôi. Phải nhấn mạnh rằng, chúng ta cần những người dám nghĩ, dám làm, dám quyết định, dám chịu trách nhiệm.
Chọn cán bộ, phải tìm bản chất bên trong
Cán bộ cấp chiến lược là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ. Thời ông còn công tác, việc quy hoạch cán bộ cấp chiến lược được tiến hành như thế nào? So với thời điểm hiện nay, công tác cán bộ cần phải rút ra kinh nghiệm gì và phải thêm những yếu tố gì?
Thời tôi còn công tác, việc quy hoạch cán bộ mới chỉ được đưa ra chứ không thành một kế hoạch, một chủ trương để toàn Đảng thực hiện, cho nên mới có việc khi đến thềm Đại hội rồi mà còn lúng túng trong việc chọn cán bộ. Còn với việc quy hoạch cán bộ cấp chiến lược như hiện nay thì tôi tin đã chấm dứt thời “đốt đuốc” đi tìm cán bộ. Những Đại hội Đảng lần trước đều đã khẳng định, nguyên nhân của sự yếu kém, sự trì trệ chính là công tác cán bộ. Bởi vậy mà hiện nay, khi chúng ta nhận ra chúng ta đã có sự hẫng hụt quá nhiều, thì chủ trương công khai quy hoạch cán bộ mới chính thức được đưa ra thực hiện.
Giới thiệu bổ sung quy hoạch Bộ Chính trị Ngày làm việc thứ hai Hội nghị lần thứ 10, sáng 6/1, Ban Chấp hành T.Ư Đảng tiến hành bỏ phiếu giới thiệu bổ sung quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhiệm kỳ 2016-2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo. Sau đó, T.Ư làm việc tại tổ, thảo luận về Báo cáo Tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới; Báo cáo Tổng kết việc thi hành Điều lệ Đảng khóa XI. Buổi chiều, Trung ương tiếp tục làm việc tại tổ, thảo luận về dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII của Đảng. TTXVN |
Theo tôi, đối với cán bộ, phải tìm hiểu bản chất bên trong chứ không nên chỉ nhìn vào danh hiệu và hình thức bên ngoài, phải nhìn thực chất để tìm ra các cán bộ nguồn, các cán bộ cao cấp, là những người có tâm có tầm, những người thực sự tử tế. Bên cạnh đó phải thật sự công tâm, khách quan trong việc chọn những cán bộ để đưa vào quy hoạch. Đừng để các lợi ích khác chi phối, phải xóa bỏ hẳn quan điểm “thứ nhất tiền tệ, thứ nhì hậu duệ, thứ ba quan hệ, thứ tư trí tuệ” hay bất cứ những biểu hiện không hay mà dư luận phản ánh.
Để công tác cán bộ cấp chiến lược không rơi vào thế bị động, cần phải thực hiện những gì và đảm bảo những yêu cầu gì, thưa ông?
Tôi cho rằng đích thân Bộ Chính trị và Ban Chấp hành T.Ư Đảng phải kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương này. Bên cạnh đó phải hỏi dân để dân giúp phát hiện, đánh giá, nhận định, đề xuất về cán bộ, còn hỏi dân như thế nào thì bằng rất nhiều cách, lấy phiếu tín nhiệm cũng là một trong những cách đó. Tất cả mọi người nên tham gia việc này với tinh thần hết sức xây dựng, không nên làm phức tạp thêm vấn đề. Trước các ý kiến trái chiều thì bình tĩnh cùng nhau bàn bạc, không nên có hành xử không phù hợp, làm rạn nứt khối đại đoàn kết toàn dân.
Cảm ơn ông!
Hoài Thu (Thực hiện)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận