Ảnh minh hoạ |
Đây là một trong những nội dung trong báo cáo tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri được Ban Dân nguyện gửi tới Quốc hội.
Cũng liên quan tới vấn đề tài sản của cán bộ, công chức, cử tri TP Hà Nội, TP.HCM phản ánh công tác kê khai tài sản của cán bộ lãnh đạo còn hình thức, chưa chặt chẽ. Bảng kê khai phải được tổ trưởng tổ dân phố, UBND xã xác nhận sau đó công khai cho nhân dân địa phương biết để giám sát chặt chẽ việc kê khai tài sản của cán bộ. Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện hiệu quả công tác này, tránh việc cán bộ lãnh đạo có tài sản nhiều bất thường, lối sống xa hoa, lãng phí…
Trả lời kiến nghị của các cử tri, Thanh tra Chính phủ cho biết, Nghị định 78 năm 2013 về minh bạch tài sản, thu nhập có quy định người trong diện phải kê khai trung thực, đầy đủ, rõ ràng, đúng thời hạn các thông tin về số lượng, giá trị tài sản, thu nhập và những biến động về tài sản, thu nhập phải kê khai theo quy định. Đồng thời có trách nhiệm giải trình trung thực, đầy đủ, kịp thời về các nội dung liên quan đến việc kê khai tài sản, thu nhập; nguồn gốc tài sản tăng thêm khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền…
Tuy nhiên, theo Thanh tra Chính phủ, dù đã có căn cứ pháp lý để tịch thu tài sản tham nhũng, cho dù tài sản đó đứng tên vợ, con của đối tượng tham nhũng hay đứng tên người khác, nhưng pháp luật hiện chưa có quy định về việc tịch thu tài sản mà người có tài sản không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của tài sản đó.
Thanh tra Chính phủ đánh giá, việc kê khai tài sản, thu nhập trong những năm qua đã có nhiều bước tiến tích cực. Tuy nhiên, việc kê khai tài sản nhìn chung còn hình thức do việc kê khai chỉ dựa vào ý thức tự giác, hầu hết không kiểm tra, xác nhận; Việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập ở nơi công tác, trong chi bộ, trong cấp ủy nhiều nơi chưa thực hiện nghiêm túc; việc xác minh để bảo đảm tính trung thực của việc kê khai còn ít; chưa có cơ chế xử lý tài sản không kê khai hoặc tài sản tăng thêm mà không giải trình được nguồn gốc…
Đáng lưu ý, việc công bố công khai tài sản thu nhập thông qua các website hoặc các phương tiện truyền thông khác, và việc công khai bản kê khai tài sản ở nơi cư trú để nhân dân địa phương biết hiện pháp luật chưa quy định nên chưa có cơ sở để thực hiện.
Thanh tra Chính phủ ghi nhận ý kiến cử tri và nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình sửa đổi toàn diện Luật PCTN, trong đó mở rộng diện tài sản, thu nhập phải kê khai, hình thức công khai bản kê khai; quy định việc cơ quan có thẩm quyền tiến hành xác minh tài sản, thu nhập một cách chủ động; trình tự, thủ tục tiến hành xác minh và kết quả xác minh tài sản, thu nhập.
Cùng với đó là quy định các biện pháp kiểm soát thu nhập, gồm: xây dựng cơ sở dữ liệu về tài sản, thu nhập trên cơ sở kết nối với cơ sở dữ liệu về thuế và kiểm soát giao dịch của Ngân hàng Nhà nước; thực hiện việc giải trình về nguồn gốc thu nhập đối với những giao dịch, khoản chi tiêu có giá trị lớn; tiếp tục bổ sung chế tài xử lý đối với người kê khai tài sản không trung thực, không chứng minh được nguồn gốc tài sản kê khai.
Hiện Chính phủ đang trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật PCTN, trong đó có minh bạch tài sản để tăng cường kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn như mở rộng diện tài sản, thu nhập phải kê khai, hình thức công khai bản kê khai; quy định việc cơ quan có thẩm quyền chủ động tiến hành xác minh tài sản, thu nhập và những trường hợp bắt buộc phải tiến hành xác minh trước khi bầu, bổ nhiệm; trình tự, thủ tục tiến hành xác minh và kết quả xác minh tài sản, thu nhập; quy định trách nhiệm giải trình đối với những giao dịch, khoản chi tiêu có giá trị lớn…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận