Chuyện dọc đường

Không để “cát cứ” trong phòng chống dịch

11/10/2021, 06:00

Dù Bộ GTVT đã ban hành hướng dẫn tạm thời song hầu hết các địa phương đều rất dè dặt, thận trọng quá mức trong mở lại vận tải khách liên tỉnh.

Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, gần đây, lãnh đạo Chính phủ đã nêu ra quan điểm rất phù hợp với tình hình khi chuyển sang trạng thái “thích ứng an toàn”.

Tuy nhiên trong khuôn khổ tư duy của nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương vẫn chưa thay đổi kịp để thích ứng.

img

Hà Nội đã đồng ý mở lại chuyến bay đi, đến TP.HCM, Đà Nẵng (Trong ảnh: Khách làm thủ tục đi TP.HCM tại sân bay Nội Bài ngày 10/10)

Có thể thấy rõ, trước thời điểm ngày 10/10, nhiều địa phương đồng tình với việc mở lại đường bay nội địa, nhưng không ít địa phương “lắc đầu”.

Ngay cả với vận tải đường sắt hiện nay cũng vậy, thậm chí nhiều ý kiến cho rằng, phải áp điều kiện đối với khách đi tàu cũng phải giống như đi máy bay.

Hay câu chuyện mở lại vận tải khách liên tỉnh, dù Bộ GTVT đã ban hành hướng dẫn tạm thời, song 10 ngày qua, hầu hết các địa phương đều rất dè dặt, thận trọng quá mức.

Kể cả đối với một số địa phương đã kiểm soát tốt dịch bệnh, xe buýt, taxi thậm chí chưa được cho hoạt động….

Những điều này ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động vận tải nói riêng, tới nền kinh tế nói chung.

Nguyên nhân chủ yếu vì lãnh đạo các địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để dịch bệnh bùng phát. Vậy nên, có thể họ muốn cố gắng giữ cho địa bàn của mình không bị lây lan dịch bệnh, âu cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, nhiều địa phương đã không đánh giá hết tác động của những biện pháp mà họ đề ra và không quan tâm đầy đủ đến việc cân đối giữa lợi ích của địa phương với lợi ích của quốc gia.

Việc phân cấp, phân quyền cho địa phương bảo đảm được sự chủ động, linh hoạt của các cấp chính quyền. Nhờ đó, các giải pháp được đề ra cũng phù hợp hơn với tình hình thực tế từng nơi.

Tuy nhiên, phân cấp, phân quyền thì phải tương ứng với năng lực. Nếu phân cấp, phân quyền mạnh mà năng lực yếu, thì hệ lụy sẽ rất lớn.

Ngoài ra, nếu phân cấp, phân quyền cho địa phương nhiều sẽ có thể dẫn đến tình trạng “phân mảng và cát cứ”. Điều này làm cho việc chuyển đổi chiến lược sang mô hình thích ứng an toàn với Covid-19 trên cả nước trở nên khó khăn.

Lý do vì thích ứng trước hết là thích ứng về mặt kinh tế. Trong khi, kinh tế của đất nước là một thể thống nhất, nếu bị phân mảng, cát cứ thì rất khó vận hành.

Tôi cho rằng, chúng ta cần sớm làm rõ khuôn khổ của khái niệm “chung sống an toàn với Covid-19”. Trên cơ sở đó, cần ban hành khung cho mô hình bình thường mới bao gồm cả phòng, chống dịch, mở cửa kinh tế và khôi phục mọi mặt đời sống xã hội.

Các địa phương chỉ được cụ thể hóa trong phạm vi khung chung mà Chính phủ đã ban hành. Mọi biện pháp hay sự “sáng tạo” của các địa phương đều không được phép vượt ra khỏi bộ khung quy định chung đó.

Để đảm bảo an toàn về dịch bệnh, các địa phương có thể áp đặt quy định, phương tiện vận chuyển hàng hóa chỉ được dừng đậu tại những điểm cố định trên các tuyến đường.

Các điểm này có điều kiện phòng, chống dịch cao và được bố trí hợp lý để các tài xế có thể nghỉ ngơi trước khi tiếp tục di chuyển.

Đối với việc đi lại của người dân, nên áp dụng mô hình thẻ xanh. Những người đã tiêm đủ hai liều vaccine, F0 khỏi bệnh được cấp thẻ xanh.

Khi họ di chuyển đến địa phương có tỷ lệ tiêm chủng cao, chỉ cần trình thẻ xanh là đủ. Khi họ đi vào địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp thì ngoài thẻ xanh, có thể cần thêm xác nhận xét nghiệm âm tính.

Tuy nhiên, các giải pháp này chỉ mang tính tạm thời, trong thời điểm chúng ta chưa đạt được miễn dịch cộng đồng ở phạm vi cả nước.

Khi cả nước đã đạt tỷ lệ tiêm chủng cao, tạo miễn dịch cộng đồng thì các giải pháp trên cần được bãi bỏ, bởi làm phát sinh chi phí, mà ít mang lại lợi ích cho phát triển kinh tế - xã hội.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng
Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.