Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 15 về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), theo nghị quyết, Chính phủ cơ bản thống nhất nội dung dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) do Bộ Tư pháp trình tại tờ trình số 10 ngày 17/1/2025.
Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Trong đó lưu ý tăng cường phân cấp, phân quyền, nhất là cho địa phương, xóa bỏ cơ chế "xin - cho", không bao biện, làm thay; quy trình phải đơn giản, ngắn gọn, giảm thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đồng thời, cần tăng cường trách nhiệm giải trình, đề xuất của các cơ quan, tổ chức trình dự án luật trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua; tăng cường xem xét, thông qua luật trong một kỳ họp.
Kiên quyết phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật.
Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, Chính phủ cơ bản thống nhất với tên gọi của dự thảo Nghị quyết và 3 chính sách do Bộ Tư pháp trình tại tờ trình ngày 12/1/2025.
Chính sách 1 là xử lý những vấn đề chung, có tính nguyên tắc nhằm bảo đảm hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Chính sách 2 là xử lý các vấn đề liên quan đến thẩm quyền nội dung của một số chủ thể, tạo cơ sở pháp lý cho các chủ thể này được quyền quy định khác luật của Quốc hội, Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và trình tự, thủ tục giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan, đơn vị và thẩm quyền quy định các nội dung trên.
Chính sách 3 là xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm xử lý đối với các vấn đề khác phát sinh sau khi các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhưng chưa dự liệu được hết trong Nghị quyết nhằm không làm gián đoạn hoạt động bình thường của bộ máy nhà nước, người dân, doanh nghiệp và việc tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Trên cơ sở thể chế hóa ba nội dung chính sách, Chính phủ cơ bản thống nhất dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước do Bộ Tư pháp trình ngày 13/1/2025.
Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết, bảo đảm cơ sở pháp lý cho bộ máy nhà nước đi vào hoạt động thông suốt, không bị gián đoạn sau khi thực hiện sắp xếp, thực hiện đúng ý kiến kết luận của Bộ Chính trị và các yêu cầu, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi Nghị quyết này.
Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm về nội dung tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội.
Chủ động báo cáo, giải trình trong quá trình thẩm tra, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật, dự thảo Nghị quyết; báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và dự thảo Nghị quyết theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận