5 vấn đề vướng mắc liên quan đến quy hoạch khoáng sản bô xít
Sáng nay (12/8), tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp.
Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, có 5 vấn đề vướng mắc liên quan đến quy hoạch khoáng sản bô xít trong thực tiễn.
Một là chồng lấn giữa quy hoạch khoáng sản và các quy hoạch khác ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội nằm trong khu vực quy hoạch bô xít. Hai là việc sử dụng đất kết hợp đa mục đích.
Ba là việc đóng cửa mỏ từng phần, bàn giao nhanh diện tích đã khai thác hết trữ lượng cho địa phương đưa vào sử dụng.
Bốn là vấn đề cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, vật liệu san lấp trên diện tích quy hoạch bô xít.
Năm là thu hồi khoáng sản trong quá trình thi công công trình, dự án nằm trong khu vực quy hoạch thăm dò, khai thác bô xít.
Sau khi rà soát, chỉnh lý, dự thảo luật đã có một số quy định để giải quyết các vướng mắc thứ hai, thứ ba và thứ năm. Với vướng mắc thứ nhất, dự thảo luật đang đề xuất 2 phương án để tháo gỡ, điều chỉnh quy hoạch khoáng sản.
Phương án 1 là điều chỉnh thực hiện theo pháp luật về quy hoạch. Phương án 2 là quy định các trường hợp không phải điều chỉnh quy hoạch và các trường hợp phải điều chỉnh quy hoạch theo hình thức rút gọn. Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đồng ý theo phương án 2.
Cần phân biệt rõ từ quy hoạch, thăm dò, khai thác
Góp ý thêm về quy định liên quan đến cấp phép, thăm dò và khai thác khoáng sản, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị nên tách hai khái niệm thăm dò và khai thác vì đơn giản hóa thủ tục hành chính là tốt, vừa rồi đã góp phần giải tỏa tìm nguồn vật liệu san lấp cho các công trình quan trọng quốc gia. Tuy nhiên, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lo ngại về tình trạng lạm dụng việc này.
"Thủ tục mình làm rất nhanh nhưng không cẩn thận lại để xảy ra tình trạng lạm dụng, lợi dụng, dùng cho công trình của quốc gia thì ít mà bán ra ngoài thì nhiều, rồi phá đường, phá hạ tầng, phá môi trường", Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cảnh báo và đề nghị cần có kiểm soát và phân tích thêm nội dung này, quy định về khai thác cần chặt chẽ hơn, phải theo quy hoạch và có thời hạn, phù hợp quy mô của mỏ khai thác đã thăm dò.
"Trước đây, tôi làm lãnh đạo tỉnh, họ bảo mỏ 2 năm xin cấp phép 2 năm, nhưng tôi chỉ cấp phép 6 tháng. Mỏ bé tí, khai thác cát 2 năm thì đào cả dòng sông à? Phải theo quy hoạch và trữ lượng, thậm chí chỉ được cấp 1 tháng thôi", Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chia sẻ và nhấn mạnh quan điểm cần kiểm soát khối lượng, sản lượng khai thác và sử dụng, chỉ được phục vụ cho các công trình quốc gia, không đồng ý đào khoáng sản để bán ra ngoài.
Nêu thực tế vừa qua xảy ra một số vụ án hình sự liên quan khai thác khoáng sản, như vụ đất hiếm đã khởi tố hình sự, đang tiến hành điều tra, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh khai thác khoáng sản, vật liệu san lấp là vấn đề rất quan trọng. Do đó, cần phân biệt rõ từ quy hoạch, thăm dò, khai thác.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc đánh giá tác động của chính sách là rất cần thiết, bắt buộc, vì vậy, cần thực hiện nghiêm túc quy định của Đảng về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
"Trong xây dựng pháp luật phải hết sức thận trọng, kỹ lưỡng, nghiêm túc. Cơ quan chủ trì soạn thảo và thẩm tra dự án luật phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước Thường vụ Quốc hội và Quốc hội trong soạn thảo và thẩm tra", Chủ tịch Quốc hội nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận