Hạ tầng

Không để lọt nhà thầu yếu thi công cao tốc Bắc - Nam

05/10/2020, 06:00

Công tác đấu thầu tiến hành chặt chẽ, đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch để lựa chọn những nhà thầu tốt nhất.

img
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45 hôm 30/9/2020

Ông Dương Viết Roãn - Giám đốc Ban QLDA Thăng Long khẳng định như vậy khi trao đổi với Báo Giao thông về công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu tại hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây sử dụng vốn đầu tư công.

Sàng lọc kỹ lưỡng, nhà thầu yếu không có “cửa”

Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, các đơn vị khi thi công dự án cao tốc Bắc - Nam không được làm dối, làm ẩu, bán thầu ăn chênh lệch, lành ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Vậy, công tác đấu thầu tại hai dự án thành phần đoạn Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây đang được thực hiện thế nào để chọn được những thầu tốt nhất, thưa ông?

Xác định dự án cao tốc Bắc - Nam là công trình quan trọng quốc gia, nên ngay từ khi bắt đầu triển khai 3 dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư đầu tư công (Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây), Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng hồ sơ mời thầu với các tiêu chí rất chặt chẽ, bài bản, đầy đủ và rõ ràng dựa trên các quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định 63/2014, Nghị định 100/2018, Thông tư 03/2015 của Bộ KH&ĐT và các quy định có liên quan.

Theo đó, trong hồ sơ mời thầu của cả 3 dự án được Bộ GTVT phê duyệt đều đưa ra các yêu cầu tối thiểu mà các nhà thầu phải đáp ứng về năng lực, kinh nghiệm, máy móc, thiết bị, tài chính,… khi tham gia đấu thầu để đảm bảo lựa chọn được những nhà thầu tốt nhất cho các dự án.

Đối với hai dự án thành phần đoạn Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây do Ban QLDA Thăng Long thực hiện, hồ sơ mời thầu được phát hành công khai, minh bạch. Số lượng đơn vị tham gia mua hồ sơ mời thầu tại các dự án này có thể nói là lớn nhất từ trước đến nay khi tổ chức đấu thầu các dự án giao thông lớn. Trong đó, dự án Mai Sơn - QL45 có 5 gói thầu xây lắp đã bán ra 140 bộ hồ sơ mời thầu cho 60 đơn vị. Tương tự, tại dự án Phan Thiết - Dầu Giây (4 gói thầu xây lắp) có 78 bộ hồ sơ được bán ra cho 35 đơn vị tham gia mua.

Các gói thầu của hai dự án cao tốc Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây được đấu thầu rộng rãi trong nước theo phương thức 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ (hồ sơ đề xuất kỹ thuật và hồ sơ đề xuất tài chính). Để thực hiện công tác chấm thầu, chúng tôi thành lập hai tổ chuyên gia đấu thầu cho hai dự án cao tốc Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây. Mỗi tổ gồm 7 thành viên, tất cả đều có chứng chỉ hành nghề về đấu thầu.

Chúng tôi có phòng riêng cho tổ chuyên gia và thông tin được bảo mật rất chặt chẽ. Trong phòng chấm thầu được lắp đặt camera theo dõi, người không thuộc tổ chấm thầu không được vào. Đặc biệt, trong phòng không có kết nối internet, mọi thành viên đều không được mang điện thoại vào để liên lạc với bên ngoài.

Trong quá trình chấm thầu, tất cả thông tin đều đánh giá dựa trên hồ sơ dự thầu của nhà thầu. Nếu xuất hiện bất cứ tình huống đầu thầu nào phát sinh, chúng tôi đều phải xin ý kiến của Bộ GTVT hoặc tham vấn Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) để đảm bảo tính pháp lý cao nhất.

Đặc biệt, trong quá trình tuyển chọn nhà thầu tại 2 dự án Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây, chúng tôi đã nhận được sự quan tâm, theo dõi sát sao của các cơ quan chức năng, cơ quan truyền thông và sự giám sát chéo lẫn nhau của chính các nhà thầu tham dự. Tôi cho rằng, đây là điều rất thuận lợi giúp cho cuộc đấu thầu diễn ra công bằng, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật.

Trong hồ sơ mời thầu của các dự án có đưa ra quy định về tiêu chí kinh nghiệm của các nhà thầu trong việc thực hiện các hợp đồng tương tự. Cụ thể quy định này như thế nào, thưa ông?

Tiêu chí thực hiện hợp đồng tương tự được xây dựng tuân thủ theo quy định tại Thông tư 03/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong đó yêu cầu nhà thầu trong vòng 5 năm gần nhất phải hoàn thành phần lớn khối lượng hoặc hoàn thành tổng bộ hợp đồng của một công trình có cấp và quy mô cấp công trình giống công trình đang mời hoặc đã hoàn thành 2 công trình có cấp thấp hơn một cấp.

Cụ thể, đối với dự án Dầu Giây - Phan Thiết theo quyết định phê duyệt dự án đầu tư của Bộ GTVT là công trình cấp đặc biệt nên trong hồ sơ mời thầu của dự án đã quy định rõ tiêu chí về hợp đồng tương tự đối với nhà thầu. Cụ thể: Từ ngày 1/1/2015 đến thời điểm đóng thầu, nhà thầu với tư cách nhà thầu chính (độc lập hoặc thành viên liên danh) phải hoàn thành tối thiểu 1 hợp đồng thi công xây dựng công trình đường bộ cấp đặc biệt hoặc hai công trình cấp 1.

Trong khi đó, đối với hồ sơ mời thầu dự án cao tốc Mai Sơn - QL45, do đây là dự án được phê duyệt đầu tư là công trình cấp 1 nên tiêu chí về việc đã thực hiện hợp đồng công trình tương tự của nhà thầu được quy định khác với dự án Phan Thiết - Dầu Giây. Cụ thể: Từ ngày 1/1/2015 đến thời điểm đóng thầu, nhà thầu với tư cách nhà thầu chính (độc lập hoặc thành viên liên danh) phải hoàn thành tối thiểu 1 hợp đồng thi công xây dựng công trình đường bộ cấp 1 hoặc hai công trình đường bộ cấp 2.

Điểm đáng lưu ý là trong các quy định hiện hành về đấu thầu và trong hồ sơ mời thầu không quy định thời điểm nhà thầu bắt đầu thực hiện hợp đồng mà chỉ yêu cầu thời gian hoàn thành hợp đồng. Do vậy, các hợp đồng hoàn thành nằm trong khoảng thời gian từ 1/1/2015 đến nay có quy mô, cấp độ tương tự theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu sẽ được xem xét đánh giá.

img
Ông Dương Viết Roãn - Giám đốc Ban QLDA Thăng Long

Gặp tình huống phát sinh, xin hướng dẫn cơ quan thẩm quyền

Vừa qua, dư luận xuất hiện ý kiến cho rằng, có một nhà thầu dùng hợp đồng thực hiện tại dự án cao tốc Láng - Hòa Lạc (nay là Đại lộ Thăng Long), công trình đã thông xe từ năm 2010 và lấy đó làm kinh nghiệm thực hiện các hợp đồng tương tự khi dự thầu tại dự án Phan Thiết - Dầu Giây. Ông có thể nói rõ về việc này?

Đại lộ Thăng Long là dự án có quy mô rất lớn, bao gồm rất nhiều hạng mục với tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 6.120 tỷ đồng. Theo yêu cầu của TP.Hà Nội, dự án tổ chức thông xe 2 đường dải cao tốc và 2 dải đường gom (29,3km) vào năm cuối 2010.

Tuy nhiên, thời điểm đó, dự án mới chỉ đủ điều kiện bàn giao, đưa vào sử dụng đoạn Km1+800 - Km2+990 (hai đường cao tốc, gồm cả nút giao Trung Hòa và hầm chui Trung tâm Hội nghị Quốc gia), đoạn Km 1+800 - Km 3+760 (hai đường gom). Tổng giá trị sản lượng thực hiện của nhà thầu đến thời điểm bấy giờ chỉ đạt khoảng 3.346 tỷ đồng.

Sau khi công trình thông xe, nhà thầu tiếp tục phải triển khai rất nhiều hạng mục khác như: Thảm bê tông nhựa tạo nhám trên đường cao tốc, cầu dẫn, đường dẫn, tường chắn, cầu vượt các nút giao, hệ thống thoát nước,… với giá trị sản lượng còn lại ước tính khoảng hơn 2.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng và bố trí vốn của dự án gặp rất nhiều vướng mắc. Do đó, việc triển khai thi công vô cùng gian nan và phải đến 30/6/2016, toàn bộ các hạng mục của dự án mới hoàn thành thi công theo đúng tiến độ yêu cầu của Bộ GTVT và hợp đồng đã ký kết.

Trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu 2 dự án Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây, để củng cố thêm cơ sở đánh giá kinh nghiệm của nhà thầu, ngày 18/9/2020, chúng tôi đã có văn bản xin ý kiến hướng dẫn của Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT).

Đến ngày 21/9/2020, Cục Quản lý đấu thầu đã có văn bản cho ý kiến về việc đánh giá kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự. Theo văn bản này, do vướng mắc trong công tác GPMB và bố trí vốn nên quá trình triển khai dự án phải gia hạn tiến độ đến tháng 6/2016 và đây không phải lỗi của nhà thầu.

Cục Quản lý đấu thầu cũng nêu rõ, nếu việc gia hạn tiến độ thực hiện hợp đồng được cấp có thẩm quyền chấp thuận, hai bên đã tiến hành ký phụ lục hợp đồng, trong đó có quy định thời điểm gia hạn thực hiện hợp đồng vào ngày 30/6/2016 và thực tế nhà thầu hoàn thành hợp đồng vào thời điểm đó thì hợp đồng thi công công trình của nhà thầu được xem xét, đánh giá.

Trên cơ sở hướng dẫn của Cục Quản lý đấu thầu, sau khi rà soát quá trình thực hiện hợp đồng dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc, tổ chuyên gia đấu thầu của Ban QLDA Thăng Long đã thống nhất đánh giá hợp đồng thi công công trình dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc của nhà thầu dự thầu đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu của các gói thầu thuộc dự án Phan Thiết - Dầu Giây.

Hai dự án Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây, mỗi dự án đều đã khởi công xây dựng một gói thầu. Khi nào các gói thầu còn lại của hai dự án sẽ hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu để triển khai thi công đồng bộ, thưa ông?

Cho đến thời điểm này, công tác đánh giá hồ sơ dự thầu tại 7 gói thầu xây lắp còn lại thuộc 2 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45 và Dầu Giây - Phan Thiết đều đã hoàn thành bước đánh giá hồ sơ kỹ thuật để tiến hành mở và đánh giá hồ sơ đề xuất tài chính.

Chúng tôi đang chỉ đạo tổ chuyên gia đấu thầu đẩy nhanh tiến độ đánh giá hồ sơ dự thầu để có thể hoàn tất công tác quan trọng này nhằm triển khai thi công đồng loạt trên toàn tuyến hai dự án, đáp ứng tiến độ hoàn thành vào năm 2022 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trong trường hợp thuận lợi, không xuất hiện các tình huống đấu thầu, việc tuyển chọn nhà thầu cho 7 gói thầu xây lắp còn lại có thể kết thúc ngay trong tháng 10/2020.

Cảm ơn ông!

Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây dài 99km đi qua hai tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai. Dự án được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120km/h, giai đoạn hoàn chỉnh quy mô 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,5m. Giai đoạn phân kỳ đầu tư 4 làn xe hoàn chỉnh, bề rộng nền đường 25m. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 12.577,5 tỷ đồng.

Dự án cao tốc Mai Sơn - QL45 dài 63,37km, đi qua hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa. Giai đoạn hoàn chỉnh được xây dựng theo quy mô 6 làn xe, nền đường 32,25m, vận tốc thiết kế 120km/h; giai đoạn phân kỳ đầu tư xây dựng 4 làn xe hạn chế, nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80km/h. Dự án có tổng mức đầu tư 12.111 tỷ đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.