Đa phần lợi nhuận từ bất động sản, kinh doanh bán lẻ
Tại nhiều đô thị lớn trên thế giới, đường sắt đô thị được xem là giải pháp hữu hiệu để giảm xe cá nhân, giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường nhưng ít nơi trên thế giới nói đến chuyện sinh lời.
Song đường sắt đô thị tại Hồng Kông - Đặc khu hành chính của Trung Quốc và Nhật Bản thì hoàn toàn khác.
Tại Hong Kong, từ lâu, thành phố này đã là tấm gương điển hình áp dụng thành công mô hình “đường sắt kết hợp bất động sản” (R+P) mà cả các quốc gia phương Tây như Anh, Mỹ phải học hỏi.
Hơn 3 thập kỷ qua, dưới sự điều hành của Công ty MTR (đơn vị quản lý hoạt động tàu điện) của Hong Kong, hệ thống đường sắt đô thị của đặc khu đã trải dài trên 221km và phục vụ hiệu quả cho hơn 5,8 triệu người/ngày.
MTR không chỉ vận hành tàu điện chạy đúng giờ tới 99,9% mà còn tạo ra lợi nhuận tới 16,01 tỷ đô-la Hồng Kông năm 2018 (số liệu thống kê gần nhất).
Nhà ga West Kowloon của Hong Kong. Ảnh: Guardian
Giá vé tàu luôn ở mức tương đối thấp, khoảng 1 USD (tính tại thời điểm năm 2014), rẻ hơn giá vé cơ bản tại Tokyo (Nhật Bản khoảng 1,5 USD), New York (Mỹ khoảng 2,75 USD) và Stockholm (Thụy Điển khoảng 4 USD).
Để đạt được lợi nhuận này, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho MTR có quyền phát triển đất đai ở nhà ga hoặc các trạm dọc tuyến đường sắt mới.
Mặt khác, MTR nộp phí sử dụng đất cho chính phủ dựa theo giá trị thị trường khi chưa có đường sắt. Sau đó, MTR hợp tác cùng các nhà phát triển tư nhân để xây dựng bất động sản.
Ở một nơi “tấc đất tấc vàng” như Hồng Kông, MRT đã tận dụng mọi vị trí để xây bất động sản từ dọc dự án đường sắt, trên nóc các nhà ga, với đa dạng loại hình từ nhà ở cho đến trung tâm mua sắm.
Xung quanh nhà ga còn có sẵn các cửa hàng bán lẻ như của hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh thực phẩm để người dân thuận tiện mua sắm.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam, trên khắp các nhà ga MTR, có tổng cộng 1.400 cửa hàng, gần 47.000 khu vực quảng cáo. Ngoài ra, công ty cũng tính phí cho thuê và kiếm lời qua việc cho các đơn vị viễn thông phủ sóng mạng di động bên trong hệ thống tàu.
Do đó, dù doanh số từ bán vé chỉ chiếm 35% tổng thu nhập của MTR nhưng công ty này hoàn toàn có đủ kinh phí để vận hành, bảo trì đường sắt và phát triển các dự án mới mà không cần trợ cấp như các thành phố khác.
Công ty đường sắt MRT thuộc quyền sở hữu kết hợp, được niêm yết trên thị trường chứng khoán Hồng Kông nhưng do chính quyền Hồng Kông sở hữu phần lớn với tư cách là cổ đông chính (nắm giữ 75% cổ phiếu).
Xây chung cư, bán đất cho trường học
Một tòa trung tâm thương mại, nhiều tòa chung cư và 2 khách sạn 5 sao do Công ty MTR phát triển hoặc sở hữu và vận hành gần nhà ga West Kowloon, Hồng Kông. Ảnh: Guardian
Nhật Bản là một ví dụ điển hình khác về thành công trong kinh doanh đường sắt dù là đường sắt đô thị hay đường sắt liên tỉnh, tốc độ cao.
Bí quyết cũng nằm ở chỗ đa dạng hóa hoạt động kinh doanh. Nhà báo Eric Jaffe từng có bài viết trên Bloomberg kể lại cảm giác choáng ngợp khi sử dụng tàu điện ngầm ở Thủ đô Tokyo.
Điều gây sự chú ý với ông nhất không phải là tốc độ/chất lượng tàu mà là trung tâm mua sắm lớn tại ga tàu ở quận Shibuya. Ông ví tòa nhà thương mại này lớn ngang tầm cỡ trung tâm mua sắm hàng đầu Macy’s tại thành phố xa hoa New York (Mỹ).
Trung tâm này có ít nhất 10 tầng với cách bố trí các hàng ghế bên ngoài rất độc đáo, thu hút sự chú ý của người đi qua.
Trung tâm mua sắm gần nhà ga Shibuya. Ảnh - Shibuya Station
Qua 2 chuyến tới Nhật Bản và có trải nghiệm thu vị với tàu điện ngầm, ông Jaffe đánh giá, bản thân đường sắt đô thị tại Nhật đã là một điểm hấp dẫn khách tới thăm.
Trên Tạp chí Giao thông và Sử dụng đất, nhà phân tích John Calimente từng cho biết, một trong những yếu tố làm nên thành công của đường sắt Nhật Bản đó chính là đa dạng hóa kinh doanh, kết hợp giao thông với bất động sản và bán lẻ.
Ông Calimente nhận định, đường sắt tại Nhật hoạt động theo mô hình tư nhân hóa. Chính phủ Nhật Bản quy định giá vé chỉ hỗ trợ có giới hạn cho các đơn vị vận hành, buộc các đơn vị này phải sáng tạo và tìm cách kinh doanh.
Chẳng hạn như Tập đoàn đường sắt Tokyu. Tập đoàn này thành lập năm 1922, đến nay đã nay trở thành tập đoàn đường sắt khổng lồ với 400 công ty con, 30.000 nhân viên.
Từ năm 30 của thế kỷ trước, Tokyu đã xây dựng các tòa nhà thương mại, bán lẻ xung quanh nhà ga, bán lại đất xung quanh các nhà ga cho các trường đại học với giá tốt để tạo nên hành lang dân cư và nguồn khách bền vững.
Tokyu đang sở hữu 7 tuyến chính và 1 tuyến nhánh, phục vụ khoảng 1 tỷ khách/năm. Theo số liệu thống kê năm 2011, Tokyu đạt lợi nhuận là 587 triệu USD. Trong đó, lợi nhuận từ bán vé chỉ chiếm 1/3, hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 1/3 và bán lẻ chiếm phần còn lại.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận