Bộ GTVT đang lấy ý kiến rộng rãi dự thảo thông tư quy định việc tổ chức thực hiện hoạt động nạo vét trong vùng nước đường thủy nội địa, trong đó có một chương riêng quy định chi tiết về nạo vét vùng nước đường thủy kết hợp tận thu sản phẩm (xã hội hóa đầu tư).
Theo đó, hợp đồng dự án chỉ được đơn vị quản lý đàm phán, ký kết với chủ đầu tư khi đủ hàng loạt điều kiện như: dự án phải nằm trong danh mục được cấp thẩm quyền công bố, được phê duyệt nghiên cứu tiền khả thi, đánh giá tác động môi trường, được chấp thuận đăng ký sản phẩm thu hồi sau nạo vét, có phương án đảm bảo ATGT đường thủy, đã bảo đảm nghĩa vụ thực hiện hợp đồng.
Nội dung dự thảo quy định Sở GTVT địa phương nơi có dự án thuộc phạm vi đường thủy quốc gia hàng tháng phối hợp với cơ quan quản lý đường thủy khu vực tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tuân thủ của nhà đầu tư; kiểm tra tiến độ và cập nhật thông số chiều rộng, độ sâu phạm vi khu vực nạo vét theo từng tháng.
Dự thảo cũng nêu, nhà đầu tư phải có trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương để thực hiện việc giám sát cộng đồng; tuyên truyền, thông báo kế hoạch triển khai trước khi thi công dự án theo quy định. Gửi đến UBND cấp xã và niêm yết công khai trên công trường về kế hoạch bảo vệ môi trường trước, trong suốt thời gian thi công dự án. Báo cáo định kỳ theo tháng, quý với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 24 Nghị định 159 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa.
“Nhà đầu tư không chuyển nhượng dự án hoặc một phần dự án cho đơn vị khác thực hiện. Chịu mọi chi phí sửa chữa và khắc phục thiệt hại nếu thi công không đúng hồ sơ thiết kế được duyệt; gây thiệt hại đến các công trình trong và ngoài phạm vi dự án theo quy định của pháp luật”, nội dung thông tư quy định.
Theo Nghị định 159 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa, Bộ GTVT lập, công bố danh mục khu vực nạo vét trên đường thủy quốc gia. UBND cấp tỉnh được phân cấp lập, thẩm định, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư và ký kết hợp đồng dự án. Sau khi dự án hoàn thành, địa phương bàn giao lại vùng nước, luồng đường thủy quốc gia cho cơ quan quản lý đường thủy trung ương.
Ban soạn thảo dự thảo thông tư cho biết, dự thảo trên được lấy ý kiến rộng rãi đến đầu tháng 6/2019.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận