Không nộp phạt, không được đăng ký xe
Đầu tháng 8/2024, anh Đồng A. T (trú tại Thanh Xuân, TP Hà Nội) tới kho bạc để nộp phạt lỗi điều khiển ô tô vượt đèn đỏ.
Tới đây, anh T bất ngờ khi ngoài 5 triệu đồng tiền phạt lỗi vượt đèn đỏ, anh còn nhận được thông báo phải nộp thêm gần 700 nghìn đồng tiền lãi vì chậm nộp phạt.
Lực lượng chức năng sẽ không giải quyết đăng ký xe với trường hợp vi phạm giao thông không nộp phạt.(Trong ảnh: Cán bộ Đội CSGT số 6 TP Hà Nội nhập dữ liệu xử phạt lên cổng dịch vụ công quốc gia).
"Tháng 9 năm ngoái tôi mượn xe ô tô của bạn để đi, sau đó bị CSGT phạt lỗi vượt đèn đỏ và giữ giấy phép lái xe. Đến đầu tháng 8 này tôi mới nhớ ra, đến kho bạc nộp phạt thì thấy thông báo như vậy", anh T chia sẻ.
Tương tự, anh Nguyễn T. Đ (trú tại Nam Định) cho biết, hơn 4 tháng trước anh điều khiển xe ô tô chạy quá tốc độ, bị CSGT ra quyết định xử phạt 4 triệu đồng. Do bận công việc nên anh không có thời gian đi nộp phạt theo đúng hẹn.
"Lúc đó tôi đã ký quyết định xử phạt, nhưng do bận vài việc nên đầu tháng 8 vừa rồi mới đi nộp. Khi đến nơi, tôi mới biết phải đóng thêm gần 300 nghìn đồng vì chậm nộp phạt trong hơn 4 tháng qua", anh Đ cho hay.
Không chỉ mất thêm tiền chậm nộp phạt, người vi phạm còn gặp rắc rối nếu muốn đăng ký xe. Một cán bộ CSGT làm công tác đăng ký xe thuộc Công an TP Hà Nội cho biết, theo Thông tư số 24/2023 (có hiệu lực từ ngày 15/8/2023), lực lượng chức năng sẽ không giải quyết đăng ký xe với các trường hợp vi phạm giao thông mà không nộp phạt.
Càng chậm nộp phạt, lãi càng cao
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, Thông tư 18/2023 của Bộ Tài chính đã hướng dẫn cụ thể về cách xác định thời gian để tính tiền chậm nộp phạt.
Theo đó, với quyết định xử phạt được giao trực tiếp, ngày tính tiền chậm nộp phạt là sau 10 ngày (bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ) hoặc sau thời hạn thi hành ghi trong quyết định.
Còn nếu quyết định xử phạt được gửi qua bưu điện, ngày tính tiền chậm nộp phạt là sau 10 ngày (bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ) hoặc sau thời hạn thi hành ghi trong quyết định.
Trường hợp người vi phạm chậm nộp tiền phạt vi phạm giao thông sẽ bị xử phạt theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính. Cụ thể, cứ mỗi ngày chậm nộp tiền phạt thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05%/ngày tính trên tổng số tiền phạt chưa nộp.
"Do mức tính tiền chậm nộp phạt là 0,05%/ngày trên tổng số tiền phạt chưa nộp, nên càng lâu nộp phạt, người vi phạm càng phải chịu mức tính dồn cao", ông Bình nói.
Luật sư cũng cho biết, hệ quả của việc chậm nộp hoặc không nộp phạt không chỉ dừng lại ở việc phải đóng thêm tiền mà còn không được đăng ký xe.
Khoảng gần 1 năm trở lại đây, trên các hội nhóm về xe cộ, hỏi đáp pháp lý, ông đã thấy không ít trường hợp người dân đi mua xe mới, sau đó đi đăng ký nhưng không được vì chưa nộp phạt vi phạm giao thông.
"Chính vì vậy người dân cần phải thực hiện việc nộp phạt đúng thời điểm, không được chậm để tránh mất thêm tiền và quyền lợi của mình", luật sư Bình khuyến cáo.
Một cán bộ CSGT Công an TP Hà Nội chia sẻ, việc chậm nộp phạt vi phạm giao thông cũng gây thêm rắc rối cho cơ quan chức năng. Bởi khi vi phạm chưa được giải quyết, sẽ tồn đọng trên hệ thống. Do người vi phạm không nộp phạt, các phương tiện bị tạm giữ cũng sẽ tồn lại tại các điểm trông giữ phương tiện, gây quá tải.
Trừ tiền từ tài khoản để cưỡng chế
Hiện Bộ Công an đang dự thảo Nghị định quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Dự thảo đề xuất khấu trừ tiền từ tài khoản đối với những tổ chức, cá nhân không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả… mà có mở tài khoản hoặc tiền gửi tại tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước.
Theo luật sư Diệp Năng Bình, việc này hoàn toàn khả thi và đúng quy định pháp luật, đem lại sự tiện lợi cho cả cơ quan chức năng và người vi phạm.
Bởi khi người vi phạm không chấp hành, cơ quan quản lý có quyền cưỡng chế, giải quyết dứt điểm vi phạm. Người vi phạm cũng sẽ không rơi vào cảnh mất thêm tiền chậm nộp phạt, tránh được rắc rối khi đăng ký xe.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận