Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Đinh Thế Huynh (thứ ba từ phải qua) và lãnh đạo nhiều cơ quan chủ trì buổi họp báo sáng 18/1 |
Những trường hợp đặc biệt rất ít
Ông Vĩnh cho biết như vậy khi PV đặt câu hỏi về những trường hợp đặc biệt là lãnh đạo thuộc Bộ Chính trị khóa XI được giới thiệu trong danh sách nhân sự chủ chốt tại Đại hội Đảng lần này. Tuy nhiên, ông Vĩnh không thông tin cụ thể về các trường hợp này.
Về tiêu chuẩn quan trọng nhất chọn ứng viên Tổng Bí thư khóa XII, ông Vĩnh nhấn mạnh: “Tổng Bí thư phải là người tiêu biểu nhất cho toàn Đảng, phải là nhà lãnh đạo xứng tầm. Không có giới hạn về tuổi đối với chức danh này”.
Cũng theo ông Vĩnh, để chuẩn bị cho Đại hội Đảng XII, từ tháng 9/2013, tiểu ban nhân sự đã được thành lập nhằm chuẩn bị nhân sự trình ra Đại hội. Tháng 4/2015, T.Ư đã thông qua phương hướng, chỉ đạo các Thành ủy, Tỉnh ủy, cơ quan Đảng T.Ư để tiến hành các quy trình đề cử, ứng cử. “Toàn bộ hoạt động này được thực hiện sớm, đầy đủ, đảm bảo đúng quy định, quy trình. Những người đủ tiêu chuẩn, đúng độ tuổi được đưa vào danh sách đề cử”, ông Vĩnh khẳng định.
* Đại hội toàn quốc của Đảng lần thứ XII diễn ra từ 20 - 28/1. Chủ đề của Đại hội: Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; Phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; Bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; Phấn đấu sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. * 1.510 đại biểu (ĐB) sẽ tham dự Đại hội, trong đó, 197 ĐB đương nhiệm; 173 Ủy viên BCH T.Ư chính thức, 24 Ủy viên dự khuyết. Đại hội lần này chỉ có 2 ĐB trên 70 tuổi, 2 ĐB dưới 30 tuổi. Độ tuổi có đông ĐB tham dự nhất là 51-60 tuổi: 992 người; kế đến là độ tuổi 41-50: 384 người và 31-40 tuổi có 65 người. |
Điểm mới về công tác nhân sự kỳ này, theo ông Vĩnh là được thực hiện rành mạch, khoa học, chặt chẽ. Ban Chấp hành Trung ương (BCH T.Ư) đã họp 3 hội nghị xem xét về công tác nhân sự. Cụ thể, Hội nghị T.Ư 12 họp quyết định nhân sự mới được giới thiệu tham gia lần đầu vào BCH. Hội nghị T.Ư 13 xem xét nhân sự tái cử đối với các ủy viên. Hội nghị T.Ư 14 xem xét các trường hợp đặc biệt ở cả T.Ư, Bộ Chính trị và Ban Bí thư.
Ông Vĩnh lấy ví dụ: “Chẳng hạn, Hội nghị T.Ư 14 xem xét các trường hợp đặc biệt là các đồng chí quá tuổi trong phương án nhân sự. Qua thảo luận dân chủ, bỏ phiếu kín, đề xuất, giới thiệu, T.Ư thể hiện sự tập trung rất cao với các phương án. Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị bàn bạc, bỏ phiếu kín và quyết định”.
Cũng theo Phó Văn phòng T.Ư Đảng, Đại hội sẽ xem xét theo quy trình tương tự. Với những người chưa được T.Ư giới thiệu, Đại hội sẽ quyết định giới thiệu hay không để đưa vào danh sách bầu, trên tinh thần dân chủ và thực sự tôn trọng quyền của đại biểu và Đại hội.
Trả lời câu hỏi của PV về quy trình bầu cử các chức danh chủ chốt của Đảng có áp dụng theo Quyết định 244 ngày 9/6/2014 của BCH T.Ư (Điều 13, Quyết định 244 quy định, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do Bộ Chính trị đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của Bộ Chính trị), ông Vĩnh cho biết, quyết định cuối cùng là do Đại hội đưa ra.
Cũng theo Phó Văn phòng T.Ư Đảng, số dư đối với BCH T.Ư đưa ra để bầu tại Đại hội lần này, theo quy định không quá 30% để bầu cử tập trung. “Nếu giới thiệu quá con số 30% thì Đại hội sẽ bỏ phiếu để chốt lại danh sách, ai cao hơn sẽ giữ trong danh sách đó”, ông Vĩnh nói.
Trước thông tin cụ thể về 4 chức danh chủ chốt được đưa trên nhiều mạng xã hội, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn cho rằng, không nên căn cứ thông tin trên mạng để suy diễn về công tác nhân sự. “Đại hội XII, công tác nhân sự được thực hiện dân chủ nghiêm túc, đúng quy trình và cũng sẽ được công bố sau khi có kết quả chính thức theo đúng quy trình”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Ngày 27/1sẽ bầu Tổng Bí thư
Về BCH T.Ư khóa mới - cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa hai kỳ Đại hội, ông Mai Văn Chính, Phó trưởng Ban tổ chức T.Ư cho biết, Đại hội dự kiến bầu 180 ủy viên T.Ư chính thức và 20 ủy viên dự khuyết, tăng 5 người so với Đại hội XI. “Tuy nhiên, kết quả cuối cùng phải chờ được Đại hội thông qua chính thức”, ông Chính nói và cho biết thêm, ngày 27/1, Đại hội sẽ bầu BCH T.Ư. Cùng ngày, BCH T.Ư khóa mới sẽ họp phiên thứ nhất để bầu Bộ Chính trị và bầu Tổng Bí thư trong số các Ủy viên Bộ Chính trị mới, bầu Ủy ban Kiểm tra T.Ư và Chủ nhiệm Ủy ban này. Kết quả sẽ được báo cáo ra Đại hội và khi Đại hội chuẩn thuận sẽ chính thức công bố ngày 28/1.
Cùng với công tác nhân sự, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Đinh Thế Huynh cho biết, Đại hội sẽ đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI và nhìn lại chặng đường 30 năm đổi mới đất nước. Đại hội lần cũng sẽ thảo luận, thông qua các văn kiện quan trọng: Báo cáo Chính trị của BCH T.Ư khóa XI; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH 5 năm 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của BCH T.Ư khóa XI; Báo cáo Về tổng kết việc thi hành Điều lệ Đảng khóa XI và đề xuất bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng (nếu có); Báo cáo việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”...
Trong đó, Đại hội dành hai ngày để thảo luận về văn kiện Đại hội; trên cơ sở đó tổng hợp, tiếp thu, hoàn thiện để trình, thông qua vào ngày 28/1.
Ông Thuận Hữu, Tổng Biên tập Báo Nhân dân cho biết, một số điểm mới của văn kiện trình ra Đại hội lần này như: Không nêu mốc cụ thể Việt Nam phải cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại. Văn kiện cũng có kết cấu mới là chia ra 15 phần tương đương với 15 lĩnh vực để tiện theo dõi, khái quát.
Ban soạn thảo đã nhận được hơn 26 triệu lượt ý kiến góp ý của các tổ chức, đoàn thể, nhân dân cho văn kiện và những ý kiến này đã được tổng hợp, chắt lọc để tiếp thu tối đa, trên cơ sở đó hoàn thiện trước khi trình Đại hội.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận