Phá dỡ tàu cũ, băn khoăn nhất là vấn đề bảo vệ môi trường |
Doanh nghiệp 100% vốn trong nước mới được làm
Ngay từ ngày đầu chủ trì việc xây dựng dự thảo Nghị định nói trên, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công đã thẳng thắn chia sẻ, việc nhập tàu cũ về phá dỡ mang lại lợi nhuận lớn song Bộ GTVT không khuyến khích. Việc làm này chỉ nhằm giải quyết công ăn việc làm, tận dụng cơ sở sẵn có của công nghiệp đóng tàu trong nước.
Tại Tờ trình Chính phủ, đánh giá tác động của Nghị định, Bộ GTVT cho biết, việc phá dỡ tàu biển sẽ mang lại lợi ích khá lớn về kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Quan trọng hơn cả là tạo ra các giải pháp, cơ hội tiếp tục duy trì ngành Công nghiệp đóng tàu trong giai đoạn khó khăn. Do đó, quy định tại Nghị định chỉ cho phép DN Việt Nam có 100% vốn đầu tư trong nước được nhập tàu cũ về phá dỡ. Hơn nữa, chỉ những DN đã có đủ điều kiện cơ sở vật chất, năng lực phá dỡ mới được cấp phép.
Cũng theo Bộ GTVT, sản phẩm của ngành công nghiệp phá dỡ, tái chế tàu biển là nguồn nguyên liệu đầu vào với khối lượng không nhỏ cho ngành công nghiệp thép. Trong khi năm 2012, Việt Nam phải nhập khẩu gần 4 triệu tấn thép phế liệu (chủ yếu từ Trung Quốc) và nhu cầu nhập khẩu tiếp tục gia tăng khoảng 2,5 triệu tấn trong hai năm tới khi một số nhà máy luyện thép lò điện đi vào hoạt động.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Sự - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy VN (SBIC) cho biết, phá dỡ tàu cũ nếu làm nghiêm túc thì rất hiệu quả. Bên cạnh sử dụng phế liệu sắt thép, còn sử dụng lại các thiết bị cơ khí hàng hải. Tuy nhiên, việc làm này cũng phải tính toán kỹ lưỡng.
Phá dỡ phải có phương án cụ thể
Khi phá dỡ tàu cũ, băn khoăn nhất nằm ở vấn đề bảo vệ môi trường. TS. Ngô Cân - nguyên Viện trưởng Viện KHCN tàu thủy cho rằng, nếu cho phép, phải yêu cầu doanh nghiệp xây dựng dự án đầu tư cụ thể. Nếu không làm nghiêm và giám sát chặt, sau này tiền bỏ ra xử lý hậu quả môi trường còn tốn hơn gấp nhiều lần cái thu được trước mắt.
Dự thảo Nghị định quy định, DN phải có giấy phép nhập khẩu tàu biển; Việc thực hiện phá dỡ tàu cũ phải được tiến hành ngay sau 30 ngày kể từ ngày hoàn tất thủ tục nhập khẩu; Phá dỡ tàu phải được tiến hành tại cơ sở phá dỡ; Tàu cũ được nhập về để phá dỡ phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thuộc danh mục được Bộ GTVT và Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố; Doanh nghiệp phải mua bảo hiểm môi trường. |
TS. Trần Hùng Nam - nguyên Giám đốc Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt - Xô cũng đồng quan điểm: “Nếu Chính phủ quyết làm, phải giao trách nhiệm cho cơ quan giám sát để sau này không nói là thiếu lực lượng thanh tra, kiểm tra. Không thể để tình trạng “đầu voi, đuôi chuột”, để rồi hậu quả cả xã hội phải gánh còn lợi ích chỉ có một nhóm người được hưởng”.
Ông Nguyễn Ngọc Sự cũng chia sẻ, phá dỡ tàu cũ ít nhiều đều sẽ ảnh hưởng đến môi trường, do đó phải có phương án cụ thể mới làm được. “Phá dỡ liên quan đến đầu vào, đầu ra. Mua tàu cũ, chi phí kéo về rất lớn, nhưng phá ra thì để ở đâu, ai mua, bán ở đâu đều rất khó. Có cái bán được, có cái phải phá hủy đi. Nếu không có kế hoạch sử dụng ngay, sẽ thành kho đồ cũ”, ông Sự nói.
Theo ông Ngô Kim Định - Phó vụ trưởng Vụ Môi trường Bộ GTVT, các vấn đề về bảo vệ môi trường tại Nghị định sắp tới sẽ được quy định hết sức chặt chẽ. Cùng với Luật Môi trường mới có hiệu lực từ 1/1/2015, nếu thực hiện nghiêm túc Nghị định này có thể yên tâm trong việc đảm bảo môi trường.
Phương Anh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận