Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường phát biểu tại hội thảo |
Không bố trí người thân làm thủ quỹ, kế toán
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh, mục đích sâu xa, lâu dài của Luật PCTN sửa đổi là hướng đến phòng ngừa tham nhũng. Theo đó, luật đã quy định nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong hoạt động kinh doanh khu vực công, từ việc công khai, minh bạch trong tổ chức hoạt động của DN cho tới quy định về thực hiện định mức, chỉ tiêu, chế độ và công khai kết quả thực hiện trong doanh nghiệp… “Trong trường hợp kinh tế đan xen, công tư đan xen thì mở rộng PCTN sang khu vực tư sẽ rất thuận lợi trong xử lý”, ông Cường nhận định.
Cũng theo ông Cường, Luật PCTN sửa đổi còn quy định thực hiện quy tắc ứng xử của người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong DN nhà nước, trong đó có những biện pháp rất mới nhằm kiểm soát xung đột lợi ích như: Người giữ chức danh, chức vụ trong DN nhà nước không được ký các hợp đồng với các DN của người thân - mà chúng ta vẫn gọi là “sân sau”; không bố trí người thân làm thủ quỹ, kế toán, không thành lập DN trong lĩnh vực quản lý mà trước đây mình quản lý trong thời hạn nhất định.
Về băn khoăn “PCTN khu vực công làm chưa tốt liệu có nên mở rộng sang khu vực tư?”, ông Cường cho rằng đó là hai câu chuyện khác nhau. Hiện nay, chống tham nhũng trong khu vực công chưa hiệu quả là do tổ chức thực hiện chưa tốt. Nhưng việc mở rộng tiếp sang khu vực tư sẽ đồng thời hỗ trợ trong việc PCTN khu vực công tốt hơn, vì nó có sự đan xen.
Để PCTN, ông Cường cũng nhắc đến một biện pháp khác là cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ và đặc biệt là thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. “Đây là việc hiện nay chúng ta rất yếu kém. Luật quy định hướng tới các khoản chi tiêu lớn đều phải thanh toán qua tài khoản”, ông Cường nhận định.
"Việc kiểm soát tốt tài sản thu nhập sẽ phục vụ tốt hơn việc thu hồi tài sản tham nhũng nếu có hành vi tham nhũng xảy ra. Tránh tình trạng như hiện nay, khi phát hiện người có hành vi tham nhũng nhưng không biết họ có tài sản nào để kê biên, phong toả, rất khó thu hồi". Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường |
Xác minh kê khai tài sản “ngẫu nhiên”
Đề cập đến vấn đề kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập của những người giữ chức vụ, quyền hạn trong DN nhà nước, ông Cường đánh giá đây cũng là biện pháp quan trọng nhằm ngừa tham nhũng, và quy định về việc này đã được đổi mới cơ bản trong Luật PCTN (sửa đổi).
Ông Cường nêu thực tế hiện nay, mỗi năm có 1 triệu bản kê khai nhưng chỉ xác minh có vài chục bản và chỉ phát hiện vài trường hợp vi phạm. Trong khi đó thực tế, dư luận, cử tri nói không phải như thế, vì có rất nhiều bản kê khai không trung thực nhưng chúng ta không kiểm soát được. Nguyên nhân của tình trạng trên là do đối tượng kê khai rộng nhưng lại áp dụng chung một hình thức kê khai. Trong khi đó, cơ quan xác minh dàn trải, cán bộ thiếu chuyên môn, cơ quan xác minh không độc lập… nên hoạt động không hiệu quả.
Ông nhấn mạnh, Luật PCTN sửa đổi lần này đã quy định cho phép cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập tập trung hơn, có đủ thẩm quyền hơn. Các cơ quan này có thể yêu cầu ngân hàng, cơ quan thuế, công an cung cấp thông tin, tư liệu liên quan đến kê khai tài sản thu nhập của cán bộ công chức để phục vụ việc thẩm định, xác minh.
Đặc biệt lần này, căn cứ xác minh cũng được thay đổi thành xác minh theo xác suất ngẫu nhiên, bất cứ ai cũng có thể rơi vào diện xác minh và có kế hoạch xác minh chứ không phải chỉ khi nào cơ quan có thẩm quyền yêu cầu, cho phép mới làm. “Quy định như vậy sẽ khiến ai cũng phải kê khai trung thực nếu không khi xác minh phát hiện kê khai không trung thực sẽ bị xử lý rất nghiêm khắc”, ông Cường nói và cũng cho biết thêm, Thanh tra Chính phủ cũng được giao xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về kê khai tài sản quốc gia để quản lý thống nhất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận