Để đảm bảo an toàn và đáp ứng nhu cầu của hành khách, quy định niên hạn đối với xe chuyên chở khách là cần thiết. Ảnh Tạ Tôn |
Theo quan điểm của tôi, mỗi ngành nghề, lĩnh vực có một đặc thù, yêu cầu và điều kiện khác nhau. Ví dụ, ngành Giáo dục, trình độ Tiến sỹ được làm việc thêm 6 năm, hay học hàm Giáo sư 70 tuổi mới nghỉ hưu.
Còn hoạt động vận tải, vốn là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, nên mọi quy định đều phải hướng đến an toàn cho hành khách với phương châm “tính mạng con người là trên hết”. Không có cái gì bất biến mà đều phải có tuổi thọ, kể cả Uber và Grab nhất thiết phải có niên hạn sử dụng. Tất cả những ai làm dịch vụ có điều kiện này đều phải tuân thủ tiêu chuẩn về người lái, phương tiện và các tiêu chuẩn khác.
Về quy định niên hạn cụ thể của các loại xe, theo tôi được biết, hiện xe máy và ô tô cá nhân không quy định niên hạn. Tuy nhiên, đối với taxi và các phương tiện kinh doanh vận tải khách thì nên quy định để đảm bảo an toàn cho hành khách, không để doanh nghiệp đưa xe quá cũ nát vào kinh doanh. Còn về số năm như thế nào, 8, 12 năm hay bao nhiêu năm thì nên có số liệu thống kê, đánh giá trên cơ sở khoa học để chứng minh. Khi đã có số liệu chứng minh cụ thể, niên hạn có thể không phải là 12 năm mà có thể cao hơn.
Trước mắt, theo tôi, việc quy định đồng nhất niên hạn sử dụng xe taxi không quá 12 năm theo dự thảo sửa đổi Nghị định 86, không phân biệt ở đô thị nào là hợp lý, tạo bình đẳng giữa các DN. Chúng ta không nên lo lắng về quy định này bởi chất lượng xe đã có cơ quan đăng kiểm, xe đủ tiêu chuẩn mới được lưu thông. Hơn nữa, nếu giữ theo Nghị định 86, niên hạn sử dụng taxi ở Hà Nội và TP.HCM chỉ được 8 năm và các tỉnh khác là 12 năm, dễ biến các tỉnh, thành phố khác thành “nơi gửi danh” của DN taxi hoạt động ở Hà Nội và TP HCM như thực tế đã diễn ra thời gian qua.
Với thủ đoạn đó, đơn vị kinh doanh taxi tìm cách trốn tránh sự quản lý, giám sát của Nhà nước. Không chịu sự quản lý của ai nên những lái xe này thường lợi dụng tăng giá cước, bắt chẹt hành khách. Thực tế, đa số các xe taxi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của khách bị lực lượng chức năng xử lý đều đăng ký kinh doanh ở tỉnh khác. Điển hình gần đây nhất là lái xe của DN taxi Đại Hòa Phát, có BKS đăng ký ở Hà Nội nhưng lại do Sở GTVT Vĩnh Phúc quản lý, đã “chặt chém” vợ chồng du khách người Hà Lan tới 870.000 đồng cho quãng đường 12km.
Hơn nữa, nếu duy trì quy định niên hạn 8 năm đối với xe taxi tại các đô thị đặc biệt sẽ gây lãng phí cho DN, vì hiện nay có nhiều loại xe tốt có thể lưu hành dài hơn. Hơn nữa, hiện số lượng các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn cả nước có quy mô nhỏ vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Vì vậy, nếu thực hiện theo Nghị định 86, hầu hết các DN này sẽ khó có điều kiện đổi mới phương tiện, gây khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
PGS. TS. Từ Sỹ Sùa
Giảng viên cao cấp Đại học GTVT
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận