Các thí sinh làm bài thi môn ngữ văn tại điểm thi ĐH Sư Phạm Hà Nội - Ảnh: Ngô Vinh |
Nhận định về công tác tổ chức kỳ thi năm nay, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, kỳ thi được chuẩn bị chu đáo, do có sự phối hợp chặt chẽ với các địa phương và các trường ĐH. “Quy chế thi ban hành sớm, cập nhật các phần mềm đăng ký tuyển sinh, tập huấn nên ít sai sót khi thí sinh làm thủ tục. Đa số sai sót chỉ tập trung vào số CMND. Tất cả các khâu năm nay không diễn ra sơ suất, không ách tắc giao thông do 63 tỉnh, thành đều có cụm thi”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga nói.
Báo cáo tổng kết kỳ thi cho thấy, số thí sinh đăng ký dự thi là 887.400 thí sinh, đạt tỷ lệ khoảng 99%. Để đảm bảo kỳ thi diễn ra nghiêm túc, Bộ GD&ĐT đã bố trí 14 đoàn thanh, kiểm tra, 81.153 cán bộ coi thi.
Tại buổi họp báo, nhiều câu hỏi nóng đã được đặt ra đối với Bộ GD&ĐT. Cụ thể, trong các báo cáo nhanh từ các hội đồng thi, thí sinh đình chỉ thi giảm nhưng chủ yếu tập trung ở cụm ĐH mà ít ở cụm sở.
Theo lịch, tới 20/7 tất cả các cụm thi phải chấm xong bài thi tốt nghiệp. Để đảm bảo yêu cầu công tác chấm thi, Bộ GD&ĐT yêu cầu tại những trường có lượng thí sinh đông phải sớm huy động đủ cán bộ chấm thi.
“Sau khi các địa phương chấm xong sẽ gửi kết quả lên Bộ để đối chứng và xây dựng dữ liệu chung cho cả nước, sau đó Bộ sẽ gửi về các địa phương để công bố kết quả thi THPT Quốc gia 2016. Vì vậy, không còn quan ngại việc nghẽn mạng tra cứu điểm thi như các năm trước. Ưu tiên đường truyền khoảng thời gian đầu để tránh nghẽn mạng”, ông Ga nói.
Về chất lượng đề thi và tiêu chí chấm bài thi, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, đề năm nay, các câu hỏi ở dạng mở, có tính vận dụng, đòi hỏi thí sinh phải có tính sáng tạo. Vì vậy, việc chấm thi cũng cần mở. Tất cả các câu trả lời của thí sinh không sai so với nội dung câu hỏi, không vi phạm thuần phong mỹ tục đều được cho điểm. Khi xây dựng đáp án mở không phải đếm ý cho điểm mà sẽ có các gợi ý một số nội dung mang tính chìa khóa để đáp ứng nội dung câu hỏi.
Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng cho biết: “Sau kỳ thi năm nay, Bộ sẽ tổ chức các cuộc hội thảo để xác định phương án tốt nhất theo hướng giảm nhẹ, tổ chức thi nghiêm túc mà không có áp lực đối với thí sinh và xã hội. Phương thức sẽ được nghiên cứu đưa ra phương án sớm nhất để có sườn trong những năm tiếp theo”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận