Trung tâm Cấp phép và quản lý quyền, đơn vị trực thuộc Hiệp hội Công nghiệp ghi âm VN (RIAV), vừa ra văn bản cho biết, sẽ tiến hành thu phí bản quyền các tác phẩm âm nhạc thuộc quyền sở hữu và quản lý của RIAV tại các tụ điểm kinh doanh dịch vụ karaoke trên cả nước.
Văn bản này dựa trên căn cứ thông tin về việc các đơn vị kinh doanh dịch vụ karaoke đang sử dụng các sản phẩm bản ghi (ghi âm, ghi hình) âm nhạc thuộc quyền sở hữu, quyền quản lý của RIAV vào mục đích kinh doanh khi chưa có sự thỏa thuận và được phép của các chủ sở hữu. Việc này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của RIAV và hội viên RIAV, vi phạm các quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 746, Bộ luật Dân sự năm 2005; Khoản 5, Điều 35, Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi và bổ sung năm 2009 và các quy định khác có liên quan.
Theo đó, mức phí thu sẽ là 2.000 đồng/bài hát/đầu máy karaoke, có thời hạn sử dụng một năm tính từ ngày được cấp phép. Số tiền thu được sẽ dùng 10% để chi trả các chi phí hoạt động của văn phòng hiệp hội, 5% cho Sở Văn hóa, Thể thao hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, còn lại trả trực tiếp cho các chủ sở hữu.
Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Hoàng Anh Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Cấp phép và quản lý quyền cho biết, kế hoạch này đã có từ quý II/2016. Trong quý III và IV/2016, RIAV đã đi thực tế khảo sát hoạt động kinh doanh karaoke có sử dụng tác phẩm âm nhạc thuộc quyền quản lý của RIAV tại 3 tỉnh Quảng Ninh, Trà Vinh và Bến Tre để ghi nhận tình hình vi phạm. Theo kế hoạch, trong quý I và II/2017, RIAV sẽ tiếp tục công tác tuyên truyền cho các chủ quán karaoke nắm bắt được về quyền liên quan. Sau đó, hiệp hội sẽ khuyến cáo các chủ cơ sở karaoke liên hệ với trung tâm để đóng phí. Từ cuối quý II hoặc có thể sớm hơn, trung tâm sẽ tới từng cơ sở kinh doanh dịch vụ để thu phí.
“Trường hợp các cơ sở kinh doanh hoạt động karaoke không đóng phí, không hoàn thành nghĩa vụ, trung tâm sẽ kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phối hợp kiểm tra và xử lý theo Nghị định 131/2013/NĐ-CP, quy định mức xử phạt hành vi vi phạm lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là lĩnh vực quyền tác giả và quyền liên quan. Số tiền xử phạt có thể lên tới 500 triệu đồng”, ông Dũng nói.
Trước những hoài nghi về tính khả thi của việc thu phí bản quyền tại các tụ điểm karaoke, ông Dũng khẳng định chắc chắn sẽ thực hiện được, dù có thể sẽ gặp nhiều khó khăn. Ông cũng đánh giá: Đây là tiền đề tốt để tạo ra nhận thức xã hội trong việc sử dụng trí tuệ. “Không nêu vấn đề thì thôi, một khi đã nêu vấn đề cho toàn xã hội biết thì phải làm cho tới. Hiện nay, mỗi tỉnh có 400 - 600 đơn vị kinh doanh karaoke, những thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM có thể hàng nghìn cơ sở. Chúng tôi xác định đây là công việc dài hơi nên phải có những bước đi cẩn thận, không thể một sớm một chiều”, ông Dũng chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận