Ảnh minh hoạ |
Chiều 11/4, Uỷ ban TVQH tiếp tục phiên họp thứ 23, cho ý kiến về dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi).
Theo Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn, những năm qua, công tác đặc xá được tiến hành theo quy trình xét duyệt thống nhất, khoa học và chặt chẽ thể hiện sự công khai, dân chủ, minh bạch. Kết quả của công tác đặc xá đã khẳng định hiệu quả, thành tựu đổi mới công tác thi hành án phạt tù. Bên cạnh đó, đã khuyến khích phạm nhân học tập, rèn luyện, lao động, phấn đấu cải tạo tốt để được hưởng chính sách khoan hồng, sớm trở về đoàn tụ với gia đình và hoà nhập cộng đồng.
Với số lượng lớn người được đặc xá, tha tù trước thời hạn đã tiết kiệm được số kinh phí lớn trong việc bảo đảm ăn, mặc, ở, phòng chữa bệnh và chi phí quản lý, giáo dục cho phạm nhân, đồng thời giảm áp lực cho các trại giam, trại tạm giam. Đó cũng là điều kiện để nâng cao chất lượng công tác quản lý, giáo dục cải tạo phạm nhân.
Bên cạnh đó, do làm tốt công tác giáo dục, vận động nên tổng số tiền mà những phạm nhân được đặc xá và thân nhân của họ đã nộp trong quá trình phạm nhân chấp hành án phạt tù để thực hiện hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, nộp án phí hoặc các nghĩa vụ dân sự khác là rất lớn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, theo Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn, trong quá trình tổ chức thực hiện Luật Đặc xá đã bộc lộ những tồn tại, bất cập; cụ thể là diện người được đặc xá tha tù trước thời hạn với số lượng lớn, đối tượng rộng nên chưa thể hiện đầy đủ ý nghĩa đặc ân của Nhà nước đối với người phạm tội.
Thẩm tra dự án Luật này, Uỷ ban Tư pháp cho rằng Báo cáo đánh giá tác động cũng chưa phân tích rõ tác động của việc thay đổi lớn về chính sách, chủ trương đặc xá, nhất là việc thay đổi thời điểm, điều kiện và đối tượng đặc xá…
Luật Đặc xá hiện hành (khoản 1 Điều 10) quy định các điều kiện đặc xá gồm: chấp hành tốt nội quy, quy chế của trại giam, trại tạm giam; tích cực học tập, lao động, được xếp loại cải tạo từ loại khá trở lên; khi đặc xá không được làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Ngoài ra, đã chấp hành được ít nhất 1/3thời gian đối với hình phạt tù có thời hạn, ít nhất 14 năm đối với hình phạt tù chung thân.
Đặc biệt, đối với người bị kết án phạt tù về tội phạm tham nhũng hoặc một số tội khác do Chủ tịch nước quyết định thì phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác.
Nhưng với dự án Luật sửa đổi, quy định này được đổi thành "người bị kết án phạt tù về bất kỳ tội gì đều phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác.
Theo quan điểm của Uỷ ban Tư pháp, trong khi Nhà nước ta đã có nhiều chính sách khoan hồng đối với người bị kết án phạt tù như miễn chấp hành hình phạt, giảm mức hình phạt đã tuyên, đặc biệt là tha tù trước thời hạn có điều kiện thì dự thảo Luật cần sửa đổi theo hướng, chỉ áp dụng đặc xá đối với một số đối tượng nhất định, đặc biệt như: người đã lập công lớn trong thời gian chấp hành án phạt tù, người đang mắc bệnh hiểm nghèo, người bị kết án phạt tù là nữ đang có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi…
Về điều kiện, phảiđáp ứng các điều kiện: phạm tội lần đầu, có ý thức cải tạo tốt, đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác. Riêng điều kiện về thời gian đã chấp hành án thì quy định theo hướng ngắn hơn so với điều kiện của tha tù trước thời hạn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận