Chuyện dọc đường

Không phải cứ mua tàu bay là có thể bay

04/03/2019, 08:12

Việc doanh nghiệp mua bao nhiêu chiếc máy bay không thể cấm, nhưng đưa vào khai thác ở Việt Nam hay không lại là chuyện khác.

img
Máy bay của hãng hàng không Vietjet

Những e ngại về việc hạ tầng hàng không có đáp ứng đủ được đặt ra khi số lượng tàu bay dự báo sẽ tăng nhanh chóng, nhất là khi các đơn hàng mua cả trăm tàu bay liên tục được các hãng hàng không công bố.

Theo TCT Cảng hàng không VN (ACV) - đơn vị đang quản lý khai thác 21 cảng hàng không trên cả nước, tổng công suất nhà ga hành khách của 21 cảng hiện tại là 94,5 triệu khách với 350 vị trí đỗ. Nếu tính thêm sân bay Vân Đồn mới được đưa vào khai thác, tổng công suất nhà ga hành khách (bao gồm cả quốc nội và quốc tế) mới đạt 97 triệu khách và 354 vị trí đỗ.

Con số này có thể tiếp tục tăng lên trong thời gian tới khi ACV cũng đang lên kế hoạch đầu tư nâng cấp hàng không sân bay như: Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Chu Lai, Cát Bi, Phú Quốc, Phú Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh... Đó là chưa tính tới CHK quốc tế Long Thành giai đoạn 1 được hoàn thành và đưa vào khai thác (dự kiến năm 2025) với công suất 25 triệu khách và cả 3 giai đoạn với công suất 100 triệu khách/năm.

Với hạ tầng này, nếu đưa cả mấy trăm máy bay về thì đương nhiên hạ tầng hàng không hiện tại không thể đáp ứng được. Tuy nhiên, theo Phó cục trưởng Cục Hàng không VN Võ Huy Cường, việc hãng hàng không mua cả trăm tàu bay không đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp này sẽ đưa tất cả số đó về Việt Nam khai thác. Hơn nữa, cũng không phải họ cứ muốn là được mang về.

“Việc doanh nghiệp mua bao nhiêu chiếc máy bay mình không thể cấm, nhưng đưa vào khai thác ở Việt Nam hay không lại là chuyện khác. Nếu không có chỗ đỗ, nhà chức trách không thể cấp phép cho tàu vào được”, ông Cường nói.

Chưa kể, với tàu mua mới, muốn đưa vào khai thác tại Việt Nam, sau khi làm thủ tục hải quan, nhập khẩu phải xin cấp giấy đăng ký quốc tịch tàu bay, chứng nhận khả phi. Nhà chức trách hàng không căn cứ trên năng lực hạ tầng có đáp ứng hay không mới cấp phép cho đưa vào. Mua tàu bay không giống như mua ô tô, mua xong là anh có thể mang về nhà anh để được. Tàu bay phải đậu ở sân bay, do đó, không thể cứ nói mua là có thể đưa vào khai thác được.

Trước những lo lắng về việc các hãng hàng không phát triển nhanh như hiện nay thì hạ tầng có đáp ứng được nhu cầu không, đại diện Bamboo Airways cho rằng, trên thực tế, việc quá tải chỉ diễn ra ở sân bay Tân Sơn Nhất vào những giờ cao điểm, những giai đoạn cao điểm như cận Tết, các dịp nghỉ lễ. Còn vào những khung giờ khác, sân bay này vẫn có thể đáp ứng được. Và để hạn chế việc quá tải vào thời gian cao điểm, các hãng hàng không như Bamboo Airways sẽ chọn những khung giờ bay khác như bay đêm.

Còn đại diện Vietjet cũng khẳng định, hãng này mua máy bay không chỉ dành cho thị trường Việt Nam, không chỉ bay trong nước mà đang nghiên cứu, phát triển hoạt động của mình sang các quốc gia khác, ví dụ như Thái Lan.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.