Chuyện dọc đường

Không phải cứ nới điều kiện kinh doanh là phát triển

12/08/2019, 06:35

Trong vận tải, nếu để doanh nghiệp tự do kinh doanh sẽ gây nhiều hệ lụy. Vì vậy, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh cần đặt ra ở mức nào đó.

img
Lực lượng TTGT kiểm tra, xử lý xe dù chạy tuyến Hải Phòng - Quảng Ninh. Ảnh: Việt Hòa

Xe hợp đồng trá hình hay còn gọi là xe Limousine đang cạnh tranh không lành mạnh trong cùng một phân khúc thị trường, tranh giành khách với tuyến cố định.

Xe tuyến cố định chịu sự kiểm soát của Nhà nước, các điều kiện kinh doanh tiếp cận thị trường nghiêm ngặt từ lái xe đến phương tiện, bắt buộc phải vào bến, chạy theo lịch trình. Trong khi đó, kinh doanh mà xe Limousine không chịu sự điều chỉnh của quản lý vận tải, thích chạy giờ nào cũng được, có thể len lỏi vào các tuyến phố đón khách. Rõ ràng đây là vấn đề đang bộc lộ bất cập, thậm chí mâu thuẫn trong quản lý.

Tôi cho rằng, trong điều kiện hiện nay khó có thể giải quyết dứt điểm mâu thuẫn này giữa xe Limousine và xe tuyến cố định. Trước đây, loại hình vận tải khách theo hợp đồng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng nhu cầu kinh doanh vận tải, số lượng xe chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng số phương tiện vận tải khách nên điều kiện kinh doanh còn đơn giản. Đến nay, loại hình này đã trở thành phổ biến, tạo ra bất bình đẳng.

Tới đây, Nhà nước cần nghiên cứu giảm bớt chênh lệch điều kiện kinh doanh giữa hai loại hình để giảm bớt mâu thuẫn. Có thể cho phép hộ cá thể kinh doanh xe hợp đồng nữa hay không hay là phải doanh nghiệp, hợp tác xã. Hoặc nếu cho phép thì hộ cá thể kinh doanh xe hợp đồng chỉ được hoạt động đối với quãng đường ngắn, trong phạm vi nhất định. Đây là điều cần nghiêm túc xem xét khi sửa Luật Giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, phải tăng cường quản lý về điều kiện người lái, tổ chức ATGT, quản lý thuế.

Việc quản lý Nhà nước đối với loại hình này cần phải tiếp tục siết chặt. Hiện, có quan điểm cho rằng càng đơn giản hóa điều kiện kinh doanh sản xuất, kinh tế sẽ phát triển. Tôi cho rằng quan điểm này chỉ đúng một phần và phù hợp ở từng giai đoạn nhất định.

Ví dụ như ngành nông nghiệp ở giai đoạn thời kỳ bắt đầu đổi mới, mở cửa nền kinh tế đã khoán ruộng cho người nông dân, để họ tự chủ kinh doanh trên mảnh ruộng của mình. Điều này đã làm cho nông nghiệp phát triển trong giai đoạn mấy chục năm qua, giải quyết được vấn đề thiếu lương thực và xuất khẩu. Nhưng đến nay, xu thế phải khác, Chính phủ đang yêu cầu phải tích tụ ruộng đất, siết chặt quy trình canh tác, nuôi trồng của người nông dân. Như vậy là xu hướng phải tăng cường tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa sản phẩm dịch vụ mới chiếm lĩnh được thị trường và xuất khẩu.

Điều đó cho thấy, không phải cứ nới điều kiện là kinh doanh phát triển. Trong vận tải, nếu buông tất cả, để doanh nghiệp tự do kinh doanh sẽ gây nhiều hệ lụy. Câu chuyện đảm bảo ATGT, trật tự đô thị, nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước thế nào... là vấn đề cần đặt ra.

Vì vậy, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh cần đặt ra ở mức nào đó, điều kiện nào vô lý, cản trở phải bỏ. Điều kiện nào cần thiết phải quản lý đảm bảo sự an toàn của hàng hóa, dịch vụ, đảm bảo sự công bằng phải giữ lại, thậm chí phải làm chặt hơn. Nếu chỉ chạy theo đơn giản hóa thủ tục mà không tính đến nhu cầu quản lý là phương hướng sai lầm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.