Chuyện dọc đường

Không quá lo dù Tây Đô nghìn ca nhiễm mỗi ngày

03/12/2021, 06:30

Dù mỗi ngày ghi nhận hàng nghìn ca F0, nhưng cuộc sống ở Cần Thơ vẫn diễn ra rất bình thường.

Những nhà hàng, quán xá vẫn nhộn nhịp người tới kẻ lui… như một cách để Tây Đô “sống chung với dịch”.

Mừng hay lo?

img

Dù mỗi ngày ghi nhận hàng nghìn ca F0 nhưng cuộc sống ở Cần Thơ vẫn diễn ra bình thường (Trong ảnh: Đường Nguyễn Văn Cừ, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Ảnh: Huỳnh Như

Dịch Covid-19 bùng phát đã gần 2 năm, riêng đợt dịch từ tháng 4 năm nay đã ảnh hưởng và kéo dài, đến nay đã vượt qua cao trào đỉnh điểm của các tỉnh phía Nam, đã làm cho người dân bắt đầu quen với việc thích ứng.

Theo tôi, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc số ca nhiễm tại Cần Thơ tăng chóng mặt. Đầu tiên là sau khi mở cửa, người dân cảm nhận rằng, việc giãn cách xã hội cũng như đóng cửa các hoạt động kinh tế, đi lại, giao thương là vô cùng khó khăn.

Họ cảm nhận được sự tự do là vô cùng quan trọng để hoạt động, sản xuất kinh doanh trở lại. Họ cần phải đi lại chứ không thể nào cứ giãn cách xã hội mãi được.

Bên cạnh đó, một số địa phương sau khi được mở cửa đã có sự chủ quan, họ cho rằng đã dập được dịch, đặc biệt là tăng tỉ lệ tiêm vaccine, đã tạo sự chủ quan trong giao tiếp và tiếp xúc, không tuân thủ các quy định phòng dịch.

Phải nói thẳng, chính quyền các địa phương cũng đã phần nào cho thấy sự không chặt chẽ trong mở cửa, để các hàng quán mở cửa nhưng kiểm soát lỏng lẻo, sau gần 2 tuần phát hiện, siết lại thì dịch đã bùng phát.

Bên cạnh đó, tỉ lệ tiêm vaccine ở các tỉnh ĐBSCL vẫn rất thấp, chỉ mới bổ sung mạnh trong khoảng 1 tháng qua, điều này là nguyên nhân chưa thể kìm hãm được dịch bệnh. Cùng đó, là lượng di dân từ TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ về trong tháng 10.

Trong số này, phần lớn những người lao động, trên 80% sống ở các vùng ngoại ô, trong khi việc tiêm vaccine chỉ tập trung ở nội thị, nghĩa là những người này chưa được tiêm vaccine. Mà những người di dân lại trở về quê nhà ở các vùng nông thôn.

Nên khi họ quay trở lại đô thị, thành phố làm việc đã trở thành ngòi nổ cho việc bùng phát dịch.

Nhưng theo tôi, dù số ca nhiễm tăng cao, nhưng không phải là vấn đề đáng lo ngại. Hiện nay, tỉ lệ bao phủ vaccine đã tăng dần, cùng với đó là ý thức tự phòng dịch của người dân đã cao hơn trước đây.

Như vậy họ đã bắt đầu thích ứng, sống chung với dịch, cả chính quyền cũng vậy.

Mặc dù tỉ lệ ca nhiễm tăng chóng mặt, nhưng tỉ lệ ca nặng và tử vong vẫn chưa đáng lo ngại so với giai đoạn đầu bùng dịch ở TP.HCM.

Để giải quyết vấn đề hiện nay, đầu tiên chúng ta phải xem lại câu chuyện quản lý, sắp xếp lại không để dịch bệnh tăng nhanh hơn nữa. Thứ hai là phải tiếp tục tăng độ bao phủ vaccine.

Cần Thơ là trung tâm vùng, chắc chắc sẽ phải là cầu nối giao thương với các tỉnh trong khu vực. Do đó, không chỉ Cần Thơ mà các tỉnh xung quanh cũng cần phải được bao phủ vaccine.

Thứ ba là phải làm sao đáp ứng, đầu tư cho tuyến cuối y tế trong điều trị tại các bệnh viện.

Theo tính toán, mô hình ở Cần Thơ hiện nay khác với TP.HCM trong giai đoạn tháng 5 và tháng 6 khi bùng phát dịch. Lúc đó, TP.HCM cũng chưa có vaccine, các ca chuyển lên tuyến cuối tăng dồn dập, gây quá tải bệnh viện.

Còn ở Cần Thơ, số F1, F0 điều trị tại nhà, hiện có tỉ lệ bình phục rất lớn và đưa lên những tuyến cuối, với tỉ lệ không cao và không quá lo ngại.

Điều quan trọng nhất hiện nay là làm sao để trấn an người dân, để họ hiểu và không hoang mang trước dịch bệnh.

Bằng những giải pháp hiệu quả và đồng bộ, cùng sự đồng lòng chung tay của người dân, tôi tin rằng, đợt dịch bùng phát sẽ chững lại và sớm bị đẩy lùi.

Ths. Nguyễn Phương Lam
Giám đốc VCCI Cần Thơ

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.