Quê vợ tôi ở Phú Thọ, từ ngày có đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường về quê sung sướng, nhàn hạ hơn trước rất nhiều.
Tuy nhiên, trên tuyến thường xuyên có tình trạng xe 16 chỗ, xe 45 chỗ dừng đỗ đột ngột để đón khách dọc đường. Bất chấp đây là đường nghiêm cấm người đi bộ, xe thô sơ lưu thông, người dân vẫn đi tắt lên đường cao tốc để vẫy xe cho tiện, kể cả trong đêm tối hay khi mưa giông.
Đôi khi lại có những người băng băng phóng xe máy, ô tô ngược chiều cao tốc vì quên mất lối ra và có vài người chọn làn đường khẩn cấp để... chạy bộ tập thể dục.
Họ không biết rằng, ở tuyến đường cho các loại ô tô lưu thông tới 100km/h, chỉ cần một cú lạng tay lái vào làn khẩn cấp thì thảm kịch tồi tệ nhất sẽ diễn ra.
Sự “hồn nhiên” thách thức thần chết trên cao tốc, ở một góc độ nào đó, vẫn còn có lý do “biện minh” như bị lạc đường, rất vội cần bắt xe đi gấp... nhưng có nhiều sự ngây thơ, hồn nhiên khác khiến không ít người đã thiệt mạng thì rất khó lý giải.
Ngày 10/8 vừa qua, có 5 du khách đã chết đuối khi tắm biển tại Bình Thuận. Điều đáng nói là những du khách này đã cố tắm ở thời điểm biển đang có sóng rất dữ dội, chủ bãi tắm đã cắm biển cảnh báo. Hậu quả là nhiều người bị sóng cuốn ra xa. Một người bảo vệ ở resort đã nhảy xuống cứu nhưng rồi chính anh cũng tử vong.
Những vụ tai nạn đuối nước tương tự không phải chỉ xảy ra cá biệt ở Bình Thuận.
Tại Hải Phòng, Vinh, có những nơi bão gió cấp 6,7 người dân vẫn ra tắm hoặc đứng cạnh bờ kè để chụp ảnh "đón bão". Một vài tấm ảnh đổi lấy mạng sống của chính mình, thực sự là một sự đánh đổi quá đắt giá!
Mới đây nhất, ngày 11/8, một clip được phát tán trên mạng xã hội khiến người xem sởn tóc gáy, đó là cảnh tượng hàng chục người dân đứng xem cảnh đất đá sạt lở.
Mặc kệ đất đá ào ào rung chuyển, họ vẫn đứng bên dưới bình phẩm, vui đùa và quay phim chụp ảnh. Đám đông chỉ hoảng loạn chạy trốn khi một khối đá khổng lồ ập xuống từ trên cao. Vụ sạt lở đó không làm ai thiệt mạng nhưng có người bị thương. Cụm từ “ sự hồn nhiên cao độ” đã được nhắc rất nhiều trong phần bình luận về clip này.
Có 1 câu chuyện vui được lan truyền trên mạng, (không biết nó có đáng được gọi là vui hay không?) đó là việc nhiều người Việt được “phong tặng danh hiệu” dũng cảm nhất thế giới.
Đại ý câu chuyện đã tự giễu, tự trào về sự không sợ chết, không sợ tai nạn của một số người dân qua các vụ việc như khi nhà chức trách gỡ bom mìn, có vô khối người hối hả đi xem, hoặc sau các vụ nổ bom, mìn từ đống phế liệu, người ta vô tư vượt qua hàng rào cảnh báo để vào tận nơi tường thuật trực tiếp trên facebook, một số người “bất khuất” nhấc thanh chắn đường sắt để vọt qua khi tàu hỏa đang tới gần, thậm chí họ còn chửi mắng, hành hung nhân viên đường sắt nếu dám ngăn cản họ xông ra “cắt mặt” tử thần…
Tất nhiên, sự “vô tư, hồn nhiên” không đến từ lòng dũng cảm.
Đó có thể coi là hệ quả của việc thiếu hụt các kỹ năng phòng vệ nguy hiểm ở mức khá căn bản. Sự thiếu hụt này có thể lý giải, đó là việc dạy kỹ năng sống, dạy kiến thức an toàn phòng tránh tai nạn giao thông, tai nạn thương tích, đuối nước hoặc nhận diện các mối nguy hiểm… đang là một khoảng trống khá lớn trong giáo dục hiện nay.
Khi nhiều ngôi trường còn mải lo đến chuyện chạy đua thành tích, khi nhiều bậc cha mẹ vẫn muốn con cái vùi đầu để đạt điểm số thật cao thì các câu chuyện học kỹ năng sống, thượng tôn pháp luật vẫn còn là khái niệm quá xa xỉ và không cần thiết.
Cái vòng tròn thiếu hụt này đang luẩn quẩn với nhiều thế hệ người Việt.
Và đây, chính là lý do khiến chúng ta vẫn phải chứng kiến những vụ tai nạn chết người do sự “hồn nhiên” cao độ của không ít người.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận