Liên quan đến việc Bộ Công an đề xuất CSGT làm nhiệm vụ được trang bị súng trường, súng tiểu liên, sáng 5/10, trao đổi với PV Báo Giao thông, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, ông đồng tình với việc đề xuất của Bộ Công an bổ sung đưa vào luật việc trang bị súng tiểu liên, súng trường cho lực lượng CSGT.
Luật sư Cường phân tích, quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, lực lượng công an được trang bị vũ khí quân dụng, nhưng không nói rõ là loại vũ khí nào.
“Trước đây, CSGT được trang bị sử dụng súng ngắn, nhưng khả năng sát thương của súng ngắn là không thể bằng súng trường, súng tiểu liên…. Hơn nữa, tình hình ANTT trên các tuyến giao thông hiện nay có những diễn biến phức tạp, tình trạng buôn bán ma tuý trước kia tính bằng cân, bằng lạng, còn hiện nay, tính bằng tấn. Trên thực tế, rất nhiều vụ việc đối tượng buôn bán ma tuý chống trả lực lượng CSGT quyết liệt, dẫn đến nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh”, luật sư Cường phân tích và nhìn nhận: Để tăng cường sức mạnh của lực lượng CSGT, mà đặc biệt là khi khống chế, bắt giữ đối tượng vận chuyển ma tuý, hàng lậu, thì việc trang bị súng tiểu liên, súng trường là cần thiết.
"Vì các đối tượng phạm tội hình sự, mà đặc biệt là phạm tội về ma tuý thì phần lớn chúng trang bị, sử dụng súng AK, lựu đạn trái phép. Cho nên, lực lượng CSGT chỉ có súng ngắn thôi thì không đủ tương quan để chiến đấu chống lại bọn buôn bán ma tuý, hàng lậu", ông Cường nêu quan điểm.
Tuy nhiên, Luật sư Cường lại cho rằng, không nên trang bị súng trường, súng tiểu liên cho tất cả lực lượng CSGT cả nước, vì đặc điểm các súng này đều dài, vướng và nhất là CSGT làm nhiệm vụ trong nội đô, thành phố lớn, việc mang theo súng dài như vậy, sẽ gặp nhiều khó khăn.
"Cần quy định rõ, trong trường hợp nào, địa bàn nào, tổ TTKS nào được trang bị súng tiểu liên, súng trường. Việc phân bổ súng cũng cần được phải hợp lý và căn cứ vào từng địa bàn như: Miền núi, giáp vùng biên, địa bàn tuyến quốc lộ cho loại tội phạm buôn bán ma tuý, hàng lậu nhiều…", luật sư Cường đề xuất.
Đồng quan điểm trên, Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc trang bị thêm vũ khí cho các lực lượng vũ trang là để họ thực hiện tốt hơn nhiệm đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Tuy nhiên, khi đề xuất này được thông qua, thì cơ quan chức năng cần phải xem xét đối với địa bàn nào, tổ tuần tra nào cần trang bị súng tiểu liên.
"Cần có quy định rất rõ ràng để tránh việc sử dụng súng không đúng mục đích. Vì súng tiểu liên sẽ gây sát thương lớn, có thể gây tử vong cho đối tượng nghi ngờ phạm tội hoặc những người tham gia giao thông. Do đó, cần phải căn cứ cụ thể từng địa phương, trường hợp có dấu hiệu tội phạm như buôn bán ma tuý, cướp có vũ trang… thì trường hợp nào được phép truy đuổi, được dùng phương tiện kỹ thuật hay vũ khí để ngăn chặn, bắt giữ đối tượng. Việc quy định rõ ràng sẽ tránh việc sử dụng súng tuỳ tiện, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông trên đường", luật sư Thơm nói.
Bộ Công an vừa đề xuất dự thảo Thông tư quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT. Khi được thông qua, Thông tư này sẽ thay thế cho Thông tư 01/2016 của Bộ Công an.
Đáng chú ý, dự thảo quy định lực lượng CSGT có thể được trang bị các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ như: súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng bắn đạn cao su, súng bắn đạn hơi cay, súng bắn đạn đánh dấu sơn, bình xịt hơi cay, dùi cui điện, áo giáp, khóa số 8. Đây là điểm mới so với quy định hiện hành. Trong Thông tư 01/2016, Bộ Công an không quy định chi tiết các loại vũ khí và công cụ hỗ trợ như trên.
Theo dự thảo, CSGT được dừng các phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo quy định; kiểm soát phương tiện, giấy tờ của phương tiện; kiểm soát người và giấy tờ của người điều khiển phương tiện, giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện đang kiểm soát. CSGT cũng được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết tai nạn, ùn tắc, cản trở giao thông hoặc trường hợp khác gây mất trật tự ATGT. Phương tiện tuần tra, kiểm soát của lực lượng CSGT sẽ bao gồm xe ô tô, xe mô tô tuần tra, kiểm soát; xe chuyên dùng; phương tiện thô sơ (xe đạp).
Ngoài ra, CSGT còn được trang bị các loại phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ như: hệ thống giám sát, xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; máy đo tốc độ có ghi hình ảnh; thiết bị ghi âm và ghi hình; phương tiện đo nồng độ cồn trong hơi thở; thiết bị đo, thử chất ma túy; thiết bị phát hiện giấy tờ, tài liệu giả.
Một số loại trang thiết bị hiện đại khác cũng sẽ được trang bị cho CSGT, điển hình là thiết bị định vị vệ tinh; thiết bị ghi đo bức xạ; thiết bị đánh dấu hóa chất; thiết bị trích xuất dữ liệu thông tin từ thiết bị giám sát hành trình…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận