Chính trị

Không thể cấm bầu cử hộ, bầu cử thay

25/02/2015, 14:27

“Làm sao cấm được bầu cử hộ? Cấm thì bắt người ta à? Đã cấm thì phải có chế tài và xử lý”.

IMG_0976
Phiên họp thứ 35 Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Sáng nay (25/2), Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 35 tại Hà Nội.

Trong phiên họp buổi sáng, Thường vụ Quốc hội đã nghe tờ trình và cho ý kiến về 9 vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Mở đầu, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề xuất nên bổ sung thêm việc cấm bầu cử hộ, cấm bỏ phiếu thay nhằm tăng trách nhiệm của công dân lên trong việc bầu cử, bỏ phiếu.

Tuy nhiên, trước ý kiến trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, không thể cấm được việc này.

“Cấm như chị Mai nói thì khó lắm. Cấm thì bắt người ta à? Biết phiếu nào bỏ hộ mà bỏ đi? Đã cấm thì phải có chế tài và xử lý” – ông Hùng nhấn mạnh.

Đồng tình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, trong luật hiện này cũng chỉ mới quy định không được bầu hộ, bầu thay thôi chứ không cấm. Luật chỉ cấm những hành vi vi phạm khi vận động bầu cử như sử dụng tiền tài, vật chất…

Trong phiên thảo luận, rất nhiều đại biểu tập trung cho ý kiến về Hội đồng bầu cử Quốc gia - một thiết chế mới và đã được quy định trong Hiến pháp và cơ cấu, thành phần, tỷ lệ phân bổ đại biểu là phụ nữ, người dân tộc thiểu số…

Chủ nhiệm Ủy ban tài chính - ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, nên thành lập hội đồng bầu cử quốc gia để thực hiện công tác chỉ đạo bầu cử, khi kết thúc bầu cử thì cũng kết thúc hội đồng này.

“Không nên duy trì hội đồng bầu cử trong 5 năm sẽ tạo thêm bộ máy cồng kềnh, còn nếu có bầu bổ sung là do Quốc hội quyết định. Nếu duy trì 1 hội đồng trong 1 nhiệm kỳ, 1 bộ máy giúp việc là không tiết kiệm, làm cồng kềnh bộ máy”, ông Hiển đánh giá.

bau-cu
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, khó có thể cấm được việc bầu cử hộ, bầu cử thay.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đồng tình phương án 1, tức là Hội đồng bầu cử Quốc gia chỉ được thành lập khi công bố ngày bầu cử và kết thúc nhiệm vụ sau khi Quốc hội xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội thay vì quy định thành viên của Hội đồng bầu cử quốc gia được bầu, phê chuẩn theo nhiệm kỳ của phương án 2.

“Phương án 2 dù quy định đại biểu kiêm nhiệm nhưng chắc chắn sẽ làm phát sinh, cồng kềnh thêm bộ máy” – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận định.

Cùng quan điểm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng bày tỏ sự đồng tình với phương án 1. Theo ông, nếu thực hiện theo phương án đó sẽ tránh lãng phí nhân lực.

“Theo tôi,  tổ chức thì có bộ máy ít nhất từ 2 đến 3 người hoạt động trong năm ba năm nhưng chủ yếu cũng chỉ lau bàn, lau ghế. Người có vị trí quyết định lại kiêm nhiệm, những người kia nhà nước vẫn trả lương, chưa kể có ô tô riêng để chạy chỗ này chỗ nọ. Đừng đơn giản nghĩ không phình biên chế, bài học nhiều rồi” – ông Ksor Phước quyết liệt.

Kết luận, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nêu quan điểm: “Về hội đồng bầu cử quốc gia, tôi thấy thường vụ Quốc hội nghiêng về phương án 1. Dự thảo đang để ở phương án 1 nhưng thuyết trình lại nghiêng về phương án 2, đây là cách nói lập lờ, mà chúng ta làm pháp luật là phải minh bạch”.

Liên quan đến việc có nên hay không quy định tối thiểu số lượng đại biểu quốc hội, đại biểu HĐND là nữ, Chủ nhiệm Ủy ban tài chính - ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, phương án quy định tối thiểu ĐBQH là nữ dân tộc thiểu số là không khả thi.

“Ví dụ như khi chúng ta đề ra quy định là 35% số ĐBQH, đại biểu HĐND là nữ, là dân tộc thiểu số, nhưng khi bầu cử lại không đạt được tỉ lệ đó thì sao? Như vậy cuộc bầu cử này có được công nhận không, hay được coi là trái luật? Theo tôi nên có cách quy định linh hoạt hơn chứ không nên cứng nhắc” – ông Hiển nêu ý kiến.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề: “Nếu quy định tối thiểu 35% nhưng chỉ đạt 30% thì vẫn nên chấp nhận, xuống thấp quá thì phải bầu lại. Quá trình hiệp thương phải nói rõ tỉ lệ nữ, tỉ lệ chuyên trách, và tỉ lệ số dư đại biểu. Về số đại biểu cũng vậy, nếu không đạt 10% thì mất đại diện của 10 triệu dân số rồi, do đó cần nghiên cứu”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.