Không mở rộng, lượng khách qua Tân Sơn Nhất sẽ sớm bị đóng băng
Phát biểu mở đầu buổi giao lưu trực tuyến “Cách nào đẩy nhanh tiến độ mở rộng Tân Sơn Nhất?” chiều qua (19/3), Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nhấn mạnh: “Giải cứu” Tân Sơn Nhất không phải là chuyện bây giờ mới bàn, mới nói.
“Từ năm 2015, Bộ GTVT đã nhìn nhận ra vấn đề này. Với tinh thần trách nhiệm, cầu thị những đóng góp ý kiến của xã hội, Bộ GTVT đã đưa ra nhiều giải pháp từng bước tháo gỡ, trong đó có việc tổ chức lại giao thông kết nối, tổ chức lại vùng trời, hợp lý hóa dây chuyền hàng không… Tuy nhiên, trong khi nhà ga chỉ có công suất thiết kế 28 triệu, năm 2018, Tân Sơn Nhất đã đón tới 38,3 triệu hành khách”, Thứ trưởng nói và nhấn mạnh: Nhà ga T3 phải làm càng sớm càng tốt.
Bổ sung thêm, Chủ tịch HĐQT TCT Cảng hàng không VN (ACV) Lại Xuân Thanh nói: Nếu không nhanh chóng nâng cấp, mở rộng CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, trong đó có nhà ga T3 để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của thị trường thì đương nhiên, thị trường sẽ phải “đóng băng” ở mức đáp ứng được.
“Đến một giai đoạn nhất định, chúng ta sẽ không thể tăng lượng khách qua Tân Sơn Nhất vì liên quan đến yếu tố an toàn. Nhà ga có thể chật chội, chen chúc vì nhu cầu thị trường, nhưng an toàn là “bất di bất dịch”, ông Thanh nhấn mạnh.
Ngoài việc cấp thiết đầu tư nhà ga T3, ông Thanh nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đường băng cũng như đầu tư đồng bộ đường lăn, sân đỗ.
“Cấu hình hiện nay của Tân Sơn Nhất chỉ được 260 - 270 nghìn lượt cất, hạ cánh/năm. Cục Hàng không VN cũng không được phép cấp phép bay quá. Trong khi đó, năm 2019, dự báo con số này lên khoảng 250 nghìn lượt cất, hạ cánh. Điều này cũng đồng nghĩa với cấu hình hiện tại, năng lực khu bay đã gần tiệm cận với việc phải đóng băng khai thác”, ông Thanh nói và phân tích: Với lượng khách thông qua là 50 triệu, tính trung bình mỗi chuyến 150-155 hành khách thì lượt cất, hạ cánh mỗi năm sẽ lên tới 300-330 nghìn lượt, vượt khá xa so với công suất tối đa hiện nay.
Phó tổng giám đốc TCT Quản lý bay VN (VATM) Lê Quốc Khánh nói, thời gian qua, VATM đã triển khai nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng tắc nghẽn bầu trời. Tuy nhiên, phần trên trời có thể giải quyết được song mặt đất thì chưa. “Song song với việc nhanh chóng đầu tư nhà ga T3, cũng cần cấp thiết tạo các vệt lăn song song tại khu sân đỗ tàu bay nhà ga T3 đảm bảo phục vụ hành khách”, ông Khánh nhấn mạnh.
Chậm trễ là vì quy trình, thủ tục
Trả lời câu hỏi vì sao công trình cấp thiết mà tiến độ vẫn ì ạch, nhiều ý kiến tại buổi giao lưu trực tuyến đã đề cập đến vấn đề cơ chế.
“Một số nhà đầu tư tư nhân cho rằng, nếu được làm, họ chỉ cần chưa tới 2 năm, thậm chí 1 năm. Tôi có thể khẳng định luôn, chỉ riêng công tác xây lắp một nhà ga công suất 20 triệu khách thôi đã không đủ thời gian chứ chưa nói đến công tác chuẩn bị đầu tư (lập dự án tiền khả thi, khả thi). Nếu là công trình loại A, phải thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công. Đấy là chưa nói đến công tác tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu lập báo cáo khả thi, nhà thầu tư vấn thiết kế… thời gian phê duyệt. Sau khâu chuẩn bị đầu tư mới đến giai đoạn thi công và cuối cùng là giai đoạn kết thúc đầu tư (bao gồm nghiệm thu, thanh toán…)”, Thứ trưởng Thọ nói và nhấn mạnh: Đối chiếu quy định hiện hành, không thể làm trong 1 - 2 năm. Bộ GTVT cũng đã lên nhiều phương án. Tuy nhiên, ngay cả khi thực hiện chỉ định thầu cũng phải mất tối thiểu 40 tháng.
“ACV đang là nhà quản lý khai thác cảng duy nhất tại Tân Sơn Nhất. ACV có kinh nghiệm, có nguồn lực, vậy tại sao không giao ACV?”, Thứ trưởng đặt câu hỏi.
Gợi mở của Thứ trưởng Lê Đình Thọ lập tức nhận được sự đồng tình của các đại biểu tham dự, trong đó có ông Jonathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP), đồng thời cũng là nhà đầu tư của dự án nhà ga hành khách quốc tế Cam Ranh. Theo ông Hạnh Nguyễn, làm gì thì làm ACV cũng phải cầm trịch, tránh trường hợp nhà đầu tư bán cổ phần sau đó người bên ngoài vào chiếm lĩnh. Tư nhân đầu tư thêm vào cũng là tiếp sức cho ACV.
Còn ông Lại Xuân Thanh khẳng định: Riêng thi công, chắc chắn ACV không bao giờ làm chậm hơn, lâu hơn tư nhân. Cái lâu nằm ở quy trình, thủ tục, khó ở cơ chế. Trước đây cứ nói tư nhân đòi sự bình đẳng với DN Nhà nước, giờ đây DNNN đang phải “kêu” trở lại, đòi bình đẳng như DN tư nhân.
Cũng theo ông Thanh, cơ chế quản lý cảng hàng không của ta khác nước ngoài. Ở nước ngoài, mỗi cảng giao một nhà khai thác và nhà khai thác đó sẽ quyết định tự đầu tư hoặc phối hợp với ai đó để đầu tư. Nhà nước chỉ làm quy hoạch và kế hoạch đầu tư phát triển và nhà khai thác có trách nhiệm tuân theo quy hoạch đó. Có như vậy mới nhanh được.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ: Tân Sơn Nhất vẫn còn đất cho một nhà ga
quân sự
Thông tin về việc không xây dựng nhà ga lưỡng dụng (phục vụ cả mục đích quân sự và dân dụng) tại CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, trước đây, Bộ Quốc phòng muốn có một nhà ga của quân sự tại Tân Sơn Nhất. Lúc đó, chưa có kế hoạch làm nhà ga T3 công suất 20 triệu khách như hiện nay, Bộ Quốc phòng chủ trương có thể cho phục vụ dân dụng bởi vì Tân Sơn Nhất cũng gần ách tắc. Điều này cũng giống như việc Bộ Quốc phòng đã cho phép sử dụng cả căn cứ quân sự là sân bay Tân Sơn Nhất cho việc khai thác dân dụng như hiện nay.
Hiện tại, theo quy hoạch được duyệt, sẽ đầu tư nhà ga T3 công suất 20 triệu khách/năm ở đây, tuy nhiên vẫn để đất dự phòng cho một nhà ga quân sự. Khi bên quân sự có nhu cầu vẫn có thể xây dựng nhà ga trên khu đất đó.
Chủ tịch ACV Lại Xuân Thanh: Không có chuyện lãng phí khi có Long Thành vẫn mở rộng Tân Sơn Nhất
Liên quan đến những e ngại về việc rót cả chục nghìn tỷ nâng cấp Tân Sơn Nhất trong khi chỉ khoảng 3 năm sau chúng ta sẽ có Cảng hàng không Long Thành với công suất 25 triệu lượt khách sẽ dễ dẫn đến việc lãng phí, dư thừa công suất, ông Lại Xuân Thanh cho hay, vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất là phải dự báo thị trường và vấn đề phân chia khai thác.
Chúng ta phải thấy Tân Sơn Nhất và Long Thành là cụm cảng để phục vụ cho thị trường trọng điểm phía Nam, không thể tách rời. Dự báo đến năm 2025 thì nhu cầu thị trường khu vực này khoảng 65 triệu hành khách và đến năm 2030 khoảng 85 triệu hành khách. Trong khi đó, ngay cả khi mở rộng xong Tân Sơn Nhất thì tổng công suất của 2 cảng này mới là 75 triệu khách/năm (Tân Sơn Nhất 50 triệu và Long Thành giai đoạn 1 là 25 triệu khách).
Vì vậy, trong kế hoạch 2018 - 2025 và định hướng đến 2030, chúng tôi đã phải chuẩn bị nguồn lực để khi chưa xong giai đoạn 1 Long Thành đã phải bắt tay vào giai đoạn 2. Và trước mắt phải đẩy nhanh dự án nâng cấp mở rộng Tân Sơn Nhất để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Chủ tịch Tập đoàn IPP Jonathan Hạnh Nguyễn: ACV phải “cầm trịch”
Tiết lộ 2 lần đề xuất Bộ GTVT được đầu tư nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất song Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) khẳng định: “Không bao giờ muốn một mình đầu tư một nhà ga mà luôn mong được đồng hành cùng ACV. Ngay cả khi ACV muốn làm một mình chúng tôi cũng hoàn toàn ủng hộ”.
Về tiến độ, theo kinh nghiệm IPP đã làm tại sân bay Cam Ranh (công suất 4,5 triệu khách/năm), chúng tôi chỉ cần 6-8 tháng chuẩn bị hồ sơ thiết kế và 19 tháng triển khai xây dựng. Vì tiền túi bỏ ra nên chúng tôi giám sát chặt chẽ tiến độ, chất lượng thi công, chỉ đạo 3 ca/ngày.
Đối với dự án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, do mặt bằng rộng hơn, nhanh nhất cũng phải mất 3 năm. Với kinh nghiệm và tiềm lực đã có tôi khẳng định mình làm được và mong có cơ chế hợp tác.
Phó Giám đốc ADCC Nguyễn Đình Chung: Quy mô nhà ga T3 Tân Sơn Nhất đúng chuẩn thế giới
Vị trí xây dựng nhà ga T3 phù hợp quy hoạch đã được Bộ GTVT phê duyệt, nằm trong khu vực đất 16,37ha được Bộ GTVT và Bộ Quốc phòng thống nhất bàn giao. Quy mô của nhà ga T3 cũng theo đúng tiêu chuẩn Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới, theo tiêu chuẩn cấp dịch vụ là mức C. Quy mô nhà ga được tính toán theo nhu cầu dự báo, đảm bảo tiết kiệm, đáp ứng toàn bộ công năng khai thác và cũng như đáp ứng tất cả dịch vụ thuận tiện nhất cho hành khách với quy mô 100-120 nghìn m2.
Nhà ga được thiết kế dưới dạng 2 công trình, dịch vụ phục vụ hành khách đều được ứng dụng trang thiết bị hiện đại nhất của các nước tiên tiến trên thế giới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận