Chuyện dọc đường

Không thể dễ dãi với nhiệt điện than

10/04/2017, 09:24

Theo báo cáo, 20 nhà máy nhiệt điện than vận hành tại VN đang thải ra môi trường 15,7 triệu tấn tro, xỉ...

6

Nhà máy Nhiệt điện than Cẩm Phả đang hoạt động - Ảnh: Thu Hà

Theo báo cáo, 20 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành tại Việt Nam đang thải 15,7 triệu tấn tro, xỉ, thạch cao ra môi trường mỗi năm. Nhiều nhà máy thậm chí phải đối mặt với nguy cơ phải đóng cửa nếu không có phương án xử lý tro, xỉ, như nhiệt điện Vũng Áng. 

Hay Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (Bình Thuận), bãi xỉ có diện tích 64,7ha thì đã đổ xỉ chiếm 15ha. Trong khi đó, hai tổ máy của nhà máy vẫn tiếp tục thải 3.000-4.000 tấn/ngày (hơn 1,4 triệu tấn/năm). Cùng với đó, không khí khu vực này cũng bị “đầu độc” bởi bụi, khói, đến mức người dân nhiều lần bức xúc, phản ứng; cơ quan quản lý môi trường địa phương, Trung ương xử phạt.

Có thể nói, ô nhiễm môi trường từ các nhà máy nhiệt điện than là thực tế không phải bàn cãi. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam, nhiệt điện than vẫn tiếp tục được mở rộng đầu tư. Vậy làm cách nào để giải bài toán đảm bảo an ninh năng lượng mà vẫn không đánh đổi lấy môi trường?

Theo quy định, các nhà máy nhiệt điện đang xây dựng và đã đi vào vận hành đều có Báo cáo đánh giá tác động môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định và phê duyệt. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều nhà máy nhiệt điện than lựa chọn công nghệ cũ, rẻ tiền, cắt xén hạng mục, nhất là hạng mục xử lý môi trường (công nghệ lọc bụi, khử khí thải, nước thải trước khi xả ra môi trường…). Do đó, việc để “lọt” dự án nhiệt điện than gây ô nhiễm môi trường có trách nhiệm của cơ quan thẩm định, kiểm tra, giám sát chuyên ngành.

Cùng đó, để xử lý lượng tro xỉ khổng lồ từ nhà máy nhiệt điện than, cần sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan. Theo đó, Chính phủ và Bộ Xây dựng đã đưa ra những chính sách khuyến khích doanh nghiệp sử dụng tro xỉ làm nguyên liệu đầu vào cho nhà máy xi măng và sản xuất bê tông dầm lăn, nhưng thực tế thiếu nhịp nhàng.

Kiểm soát chi phí đầu vào cũng là một việc phải làm ngay. Theo đó, chi phí khai thác than cũng như nhiệt điện than hiện nay được cho là chưa tính đúng, tính đủ các chi phí về hạ tầng như cảng biển, đường giao thông đầu tư riêng cho nhập than cũng như chưa tính chi phí về môi trường, sức khoẻ… Do đó, nhiệt điện than vẫn được coi là “rẻ” và được ưu tiên lựa chọn. Điều này vừa kéo theo sự lệch lạc trong hạch toán của cả nền kinh tế, vừa dẫn tới những cái giá phải trả không nhỏ cho môi trường, dân sinh.

PGS.TS. Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học, người trực tiếp tham gia dự án di dời rạn san hô trong vùng ảnh hưởng của hàng loạt Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân ra Khu bảo tồn biển Hòn Cau cảnh báo, Maldives đã từng sai lầm trong vấn đề môi trường và sau đó họ phải tiêu tốn 10 triệu USD cho mỗi km bờ biển để thay thế rạn san hô bị phá hủy. Đó là chưa kể những chi phí về tổn hại sức khoẻ người dân do ô nhiễm không khí, nguồn nước, đất đai… xung quanh những nhà máy nhiệt điện than gây ra.

Chỉ khi tính đúng, tính đủ, chúng ta mới có thể so sánh một cách công bằng giữa chi phí, giá thành nhiệt điện than với các loại hình sản xuất điện khác, từ đó có cân đối tổng thể, lựa chọn dự án, công nghệ đầu tư. Mặt khác, trên cơ sở đó, xây dựng phương án giá điện hợp lý, tránh bao cấp tràn lan. Có như vậy, mới khuyến khích được các nhà đầu tư lựa chọn công nghệ mới, có chi phí hợp lý, đảm bảo cho sự phát triển bền vững. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.