Các Ngoại trưởng G7 nhóm họp trong nỗi lo không thể kéo dài các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga |
Nga củng cố đồng minh sau cấm vận
Theo Phó giáo sư Khoa học chính trị, James D.J. Brown ở Đại học Temple (Nhật Bản) thì các cơ chế trừng phạt và gạt Nga ra khỏi nhóm các nước phát triển (G7) là sai lầm chiến lược. Không những thế nó lại giúp Nga vượt qua do dự, xây dựng mối quan hệ với Trung Quốc mặc dù mối quan hệ này từ lâu không được xem là “hữu hảo”.
Trước đây Nga không cho Trung Quốc tiếp cận với các loại vũ khí hiện đại nhất vì lo ngại bị đánh cắp bản quyền, nay Nga đồng ý bán, đặc biệt là hệ thống phòng không S-400 và máy bay chiến đấu Su-35. Những công nghệ này sẽ giúp Trung Quốc mở rộng vùng phủ sóng và phạm vi phòng thủ và tấn công, tăng cường vị thế Trung Quốc đối với Đài Loan và tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Ngoài mua bán vũ khí, Nga và Trung Quốc đã nhất trí tiến hành các cuộc tập trận chung trong năm 2015 ở vùng Địa Trung Hải và Thái Bình Dương.
Trước đó, trong chuyến thăm tới Thượng Hải, Tổng thống Nga Putin đã tuyên bố sự hợp tác song phương đã trở thành một sự kiện “tốt nhất trong tất cả các sự kiện diễn ra nhiều thế kỷ nay”. Hai nước đã ký hợp đồng cung cấp khí đốt 30 năm trị giá 400 tỷ USD. Đây là thỏa thuận sau hơn 10 năm đàm phán không mang lại kết quả, điều này cho thấy lệnh trừng phạt của phương Tây đã giúp phá vỡ thế bế tắc giữa hai quốc gia và cuối cùng Nga chấp nhận điều khoản về giá do Trung Quốc đưa ra. Hiện, khoảng 80% năng lượng của Trung Quốc được nhập khẩu từ Trung Đông và Tây Phi. Một khi các thị trường này bị thao túng thì Moscow sẽ giúp Trung Quốc giải quyết được vấn đề khủng hoảng nhiên liệu.
Trước đó, ngày 13/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh dỡ bỏ lệnh cấm chuyển giao hệ thống phòng thủ chống tên lửa S-300 trị giá 800 triệu USD cho Iran. Động thái này khiến giới chức Mỹ lên tiếng bày tỏ quan ngại. Tuy nhiên, phía Nga cho rằng, sau thỏa thuận khung vừa ký ngày 2/4 giữa Nhóm P5+1 và Iran thì lệnh cấm đã không còn cần thiết và hệ thống này chỉ mang tính phòng thủ. Động thái này của Nga đã khiến nội bộ các thành viên P5+1 bất đồng.
G7 sẽ làm gì?
Hôm qua, Hội nghị Ngoại trưởng G7 diễn ra tại TP Lubeck (Đức) để bàn thảo những vấn đề then chốt trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh vào tháng 6 tới. Trước thềm hội nghị, Ngoại trưởng Đức Steinmeier nói rằng đây “chưa phải thời điểm để Nga trở lại G7”, do vẫn chưa có những dấu hiệu tiến bộ đáng kể trong việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn ở miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, cũng chính Ngoại trưởng Steinmeier thừa nhận về dài hạn thì việc cô lập Nga là không có lợi cho bất cứ nước nào, bởi Nga là đối tác quan trọng trong việc tham gia giải quyết các vấn đề lớn của thế giới, không chỉ ở Ukraine mà còn trong các xung đột ở Syria, Yemen hay Libya.
Tháng 6/2015, châu Âu và Mỹ sẽ phải xem lại các lệnh trừng phạt kinh tế và ngoại giao nhằm vào Nga để xem liệu có tiếp tục kéo dài và nâng mức trừng phạt Nga hay sẽ gỡ bỏ từng phần. Theo các nhà quan sát, một trong những điểm nhấn giúp kết thúc những bất đồng là loại trừ vĩnh viễn khả năng gia nhập NATO của Ukraine. Việc Ukraine trở thành thành viên NATO đe dọa tới an ninh của Nga, buộc Nga phải có những hành động tự vệ cần thiết. Nếu Ukraine trở thành một quốc gia trung lập, Nga sẽ trở thành một người hàng xóm hợp lý.
Ngoài ra, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từng cảnh báo, Đông Á hiện nay đang rơi vào “tình trạng tương tự” như châu Âu trước Chiến tranh thế giới thứ nhất. Nếu sự trỗi dậy của Trung Quốc không được chặn lại thì nguy cơ hồi sinh chính sách thực dụng kiểu cũ là điều khó tránh. Bằng cách áp đặt lệnh trừng phạt với Nga và đe dọa dùng vũ lực tại Ukraine, Mỹ đã vô tình thúc đẩy Trung Quốc, Iran và Nga xích lại gần nhau.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận