Các đại biểu bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII ngày 15/11/2014 - Ảnh: TTXVN |
Đề cập đến một trong những nội dung quan trọng tại kỳ họp Quốc hội lần này là việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, ông Trần Văn Tuý, Trưởng ban Công tác đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) tin tưởng, các ĐBQH là những người ưu tú được cử tri tín nhiệm, họ có bản lĩnh và trách nhiệm nên không ai dễ gì tác động được.
Cơ hội soi lại mình
Thưa ông, qua 2 lần lấy phiếu tín nhiệm trước đây, ông đánh giá thế nào về ý nghĩa, hiệu quả của việc này?
Lấy phiếu tín nhiệm sẽ giúp những người được lấy phiếu thấy được mức độ tín nhiệm của mình để có phương hướng khắc phục khuyết điểm, thiếu sót, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, đây là việc làm vừa động viên, vừa mang ý nghĩa cảnh tỉnh, nhắc nhở.
Bên cạnh đó, kết quả lấy phiếu tín nhiệm cũng là cơ sở quan trọng để cấp có thẩm quyền đánh giá cán bộ, thực hiện quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ một cách hiệu quả, đúng người, đúng việc; khuyến khích những người tín nhiệm thấp tự nguyện từ chức; kịp thời đưa ra khỏi vị trí lãnh đạo những người không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ mà không phải chờ đến hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác.
Qua 2 lần lấy phiếu vào năm 2013 và 2014 cho thấy, việc lấy phiếu tín nhiệm phát huy tác dụng tốt, nâng cao trách nhiệm, hiệu quả, hoạt động người lấy phiếu. Và thực tế có những người ở kỳ trước phiếu tín nhiệm thấp thì kỳ sau đã cao hơn hẳn. Bên cạnh đó, có sự chuyển biến rất rõ nét ở các ngành, các lĩnh vực đó. Tức là sau mỗi kỳ lấy phiếu tín nhiệm họ đã soi lại mình và có biện pháp tổ chức thực hiện năng động, sáng tạo hơn để thực hiện nhiệm vụ được giao. Điều đó cho thấy, việc này có ý nghĩa, tác dụng thực sự chứ không phải hình thức như nhiều người vẫn nói.
Đợt lấy phiếu này có 18 thành viên Ủy ban TVQH, theo ông việc đánh giá của các ĐBQH có gì khác so với khối Chính phủ hay các khối khác hay không?
Như với các Ủy viên Ủy ban TVQH, chúng tôi cũng coi đây là cơ hội để soi lại mình và cũng rất chờ đón sự đánh giá của ĐBQH.
Nhiều người nói Ủy viên TVQH là “trách nhiệm tập thể”, nhưng dù là trách nhiệm tập thể nhưng anh vẫn phải thể hiện được quan điểm dẫn dắt, quan điểm tổ chức thực hiện, định hướng hoạt động ở cơ quan của anh, sự gương mẫu trong đạo đức, tác phong, sự gắn bó với Quốc hội và cử tri chứ không chỉ đơn giản là sản phẩm của tập thể.
Việc lấy phiếu tín nhiệm lần này có điểm gì mới so với 2 lần trước đó, thưa ông?
Các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn là 50 người. Tuy nhiên, có 2 chức danh là Chủ tịch nước và Bộ trưởng Bộ TT&TT sẽ được Quốc hội bầu và phê chuẩn trong Kỳ họp thứ 6, chưa đủ 9 tháng đảm nhiệm chức vụ nên Quốc hội sẽ không lấy phiếu.
Một điểm mới nữa là người được lấy phiếu phải báo cáo tự đánh giá, kiểm điểm về việc có hay không biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ theo Nghị quyết T.Ư 4. Ngoài ra, người được lấy phiếu phải báo cáo về việc tự đánh giá, kiểm điểm về thực hiện việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế ở cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.
Trường hợp thấy cần làm rõ vấn đề liên quan đến người được lấy phiếu thì chậm nhất là 15 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp, ĐBQH có quyền đề nghị Ủy ban TVQH yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xác minh và trả lời bằng văn bản.
Ông Trần Văn Tuý, Trưởng ban Công tác đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội |
Nếu có dư luận, người được lấy phiếu phải giải trình
Việc yêu cầu người được lấy phiếu bổ sung thêm 2 nội dung như ông vừa đề cập nhằm mục đích gì?
Điều này nhằm cụ thể hóa hành động theo Nghị quyết của Đảng, đánh giá việc mỗi cán bộ lãnh đạo chuyển từ nhận thức thành hành động thế nào. Hai vấn đề cần bổ sung cũng là nút thắt hiện đang cần giải quyết, đó là vấn đề về chống suy thoái, chống tự diễn biến, tự chuyển hoá và nút thắt về bộ máy cồng kềnh, biên chế lớn.
Bên cạnh đó, yêu cầu những người được lấy phiếu tín nhiệm phải gửi các báo cáo sớm và trước thời điểm đó, nếu có dư luận thì anh phải giải trình làm rõ. Đây là việc làm rất thực chất.
Đến nay, ông đã đọc hết các báo cáo của 48 người trong diện lấy phiếu hay chưa? Cá nhân ông đánh giá thế nào?
Dù chưa đọc hết nhưng ban đầu tôi thấy các báo cáo đã tuân thủ thời gian và dung lượng, được viết rất cụ thể, tập trung vào các nhiệm vụ của mình.
Về báo cáo đánh giá kê khai tài sản, đến thời điểm này cũng chưa có thông tin khiếu nại, tố cáo gì. Đến nay, tất cả những người được lấy phiếu tín nhiệm đã gửi xong báo cáo theo yêu cầu và Ủy ban TVQH đã gửi đến các ĐBQH, qua kiểm tra thì các ĐBQH cũng đã nhận được, có thời gian để nghiên cứu.
Các đại biểu bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII ngày 15/11/2014 - Ảnh: Duy Linh |
Lobby “không thể thực hiện đơn giản”
Các lần lấy phiếu tín nhiệm trước đều thực hiện vào giữa kỳ họp, nhưng vì sao lần này lại làm luôn vào đầu kỳ? Có phải để tránh việc những người thuộc diện được lấy phiếu "tranh thủ" vận động hành lang như nhiều ý kiến lo ngại?
Lý do chính là để bảo đảm chương trình có tính tổng thể logic và để phù hợp với công việc, với các hoạt động đối nội, đối ngoại của các lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước.
Hơn nữa, nếu tiến hành lấy phiếu tín nhiệm sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn thì việc này dễ bị hiệu ứng. Tức là có khi có Bộ trưởng làm rất tốt, nhưng chỉ vì trả lời chất vấn chưa được như mong muốn mà làm ảnh hưởng đến kết quả lấy phiếu.
Ông có cho rằng, nếu ai đó muốn lobby, vận động để "chạy" phiếu tín nhiệm thì họ có làm được không?
Việc này cần có biện pháp tổng hòa. Nhưng xét về phía các ĐBQH, họ là những người ưu tú được cử tri tín nhiệm, họ có bản lĩnh và trách nhiệm nên không ai dễ gì tác động được. Vì sự tín nhiệm của cử tri, vì trách nhiệm đối với đất nước, ĐBQH không thể bỏ phiếu dựa trên cảm tính cá nhân. Lá phiếu của đại biểu phải thực sự đại diện cho ý chí của cử tri, nguyện vọng chính đáng của nhân dân và trí tuệ của người đại biểu nhân dân.
Rồi những người được lấy phiếu tín nhiệm, họ cũng đều là lãnh đạo cấp cao, như người ta vẫn nói là “tinh hoa” đã được lựa chọn, họ cũng rất trọng danh dự.
Với công tác quản lý của Đảng, đoàn thể, với giám sát của nhân dân, của Quốc hội, việc lobby hay vận động hành lang không thể thực hiện một cách đơn giản. Nhất là vừa rồi T.Ư bàn về vấn đề nêu gương, thảo luận về kiểm soát quyền lực, chống chạy chức chạy quyền, đó cũng là một bước răn đe.
Tôi tin rằng, với sự tự tôn và ý thức trách nhiệm của mỗi người thì họ sẽ “lấy” phiếu bằng việc cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình chứ không phải bằng việc chạy phiếu tín nhiệm. Qua tổng kết những lần lấy phiếu tín nhiệm trước cũng chưa thấy có tình trạng này, chỉ là dư luận xã hội phản ánh có hiện tượng đó thôi.
Theo ông, ngoài báo cáo tự kiểm điểm, đánh giá của những người thuộc diện lấy phiếu, các ĐBQH có thể căn cứ vào các kênh nào để nghiên cứu, đánh giá khách quan, chính xác người được lấy phiếu?
Trước hết là dựa trên nền kết quả chung của tình hình phát triển KT-XH, an ninh quốc phòng của đất nước để nhìn nhận, đánh giá tổng thể các hoạt động của Quốc hội, Chính phủ và của từng chức danh lãnh đạo. Cụ thể nhất là, căn cứ vào chuyển biến của từng lĩnh vực mà người đó phụ trách.
Kênh tiếp theo là từng ĐBQH cũng đều theo dõi hoạt động của những người thuộc diện lấy phiếu trong cả nhiệm kỳ, các ĐBQH nhớ từng câu nói, từng việc làm và giám sát rất chặt chẽ. Bên cạnh đó, các ĐBQH còn theo dõi qua các tài liệu của các cuộc giám sát.
Qua kênh tiếp xúc cử tri, nếu có các vụ việc nổi lên, ĐBQH sẽ căn cứ vào đó để suy nghĩ, phân tích, sàng lọc. Những thông tin phản ánh trên báo chí cũng là cơ sở để ĐBQH đọc và tham khảo để đưa ra quyết định.
Chúng ta có rất nhiều kênh nhưng định hướng chung là ĐBQH phải có trách nhiệm sàng lọc đánh giá thông tin khách quan công tâm, công bằng để lá phiếu của mình thể hiện đúng thực chất hiệu quả công việc của người được lấy phiếu, đáp ứng được kỳ vọng của Quốc hội, của cử tri cả nước.
Về việc có duy tình hay không, từng ĐBQH đều ý thức rằng, đằng sau họ là hàng triệu cử tri theo dõi, nên ở bất cứ lĩnh vực nào nếu có lùm xùm hoặc có ý kiến cử tri thì chắc chắn phiếu thấp sẽ nhiều hơn.
Chúng ta đánh giá thông qua chủ quan của con người có thể có chút nào đó cảm tính, nhưng duy tình thì chắc chắn không có vì đã qua 2 lần lấy phiếu tín nhiệm, chúng ta đã có niềm tin, cử tri cũng đã yên tâm. Còn nếu nói phải có thước đo chính xác tuyệt đối thì không có, không có gì tuyệt đối cả.
Cảm ơn ông!
Tỷ lệ tín nhiệm cao tăng Ngay sau khi có chủ trương lấy phiếu tín nhiệm, thực hiện Nghị quyết số 35 năm 2012, Quốc hội, HĐND các cấp đã hai lần thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm (năm 2013 và 2014). Tại Quốc hội, đã có 47 người được lấy phiếu tín nhiệm trong năm 2013 và 50 người trong năm 2014. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội năm 2013 có 18 người có tỷ lệ “tín nhiệm cao” từ 50% trở lên (38,3%); 34 người “tín nhiệm cao” và “tín nhiệm” từ 50% trở lên (72,4%); không có người “tín nhiệm thấp” từ 50% trở lên; 16 người “tín nhiệm thấp” từ 10% đến dưới 50% (34%). Kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội năm 2014 có 25 người có tỷ lệ “tín nhiệm cao” từ 50% trở lên (50%); không có ai “tín nhiệm thấp” từ 50% trở lên; 17 người “tín nhiệm thấp” từ 10% đến dưới 50% (34%). Kết quả cho thấy, ở lần lấy phiếu sau, số người có tỷ lệ “tín nhiệm cao” từ 50% trở lên đã tăng 11,7%. Phó trưởng ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng: Nếu người được lấy phiếu tín nhiệm không đạt được số phiếu 50% thì phải được xem xét quy trình bỏ phiếu tín nhiệm. Và lúc đó, sẽ quyết định số phận về mặt pháp lý của chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Theo Nghị quyết 85, người được lấy phiếu tín nhiệm nếu có quá nửa tổng số ĐBQH đánh giá “tín nhiệm thấp” có thể xin từ chức. Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số ĐBQH trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban TVQH trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm. Tôi cho rằng, nếu có vị nào đó trong quá trình thực hiện nhiệm vụ mà dư luận cho là “có vấn đề” thì cần phải xem xét bỏ phiếu tín nhiệm ngay, bởi mọi người đã nắm hết thông tin rồi, báo chí đã nêu rồi, hoặc Đảng đã xử lý rồi thì phải đưa ra để xem xét. Do đó, theo tôi cần phải xem xét để sửa đổi lại việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm. Lấy phiếu tín nhiệm chỉ nên có 2 mức “tín nhiệm cao” và “tín nhiệm thấp”, chứ không có thêm mức “tín nhiệm”. Nếu anh thực sự không còn gương mẫu, thực sự không hoàn thành nhiệm vụ, thực sự không có phẩm chất để ngồi vào những vị trí lãnh đạo mà được nhân dân tín nhiệm như thế, thì nên từ nhiệm, từ chức. Tránh trường hợp bị xử lý kỷ luật rồi mới từ nhiệm, từ chức, người ta gọi đó là “chạy làng”, “bỏ của chạy lấy người”. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận