ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng việc thu phí là đương nhiên, vấn đề là cách thu thế nào |
Thu phí là đương nhiên, vấn đề là cách thu thế nào
Sáng 18/6, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã có buổi thảo luận tại Hội trường về dự án Luật phí, lệ phí.
Trước nhiều ý kiến băn khoăn về vấn đề phí giao thông, ĐB Lê Nam nêu quan điểm: “Tôi nghĩ đường nào nhà nước bỏ tiền ra thì phải thu phí để bảo trì, không lấy gì để duy trì con đường này, chỉ cần một "ổ gà" mà không bù kịp thì ngày mai trận mưa xuống phá ra thì cần phải có thêm rất nhiều tiền mới khắc phục được”.
Theo ĐB Lê Nam, việc thu phí là đương nhiên, vấn đề chỉ là cách thu thế nào thì phải tính toán cho hợp lý.
“Tôi thấy đi đường 1A rất cực khổ, bây giờ nhà đầu tư bỏ tiền ra làm thì anh phải mua, chúng ta khuyến khích, kêu gọi mãi người ta đầu tư thì bây giờ anh phải mua thì lại kêu là nhiều phí. Đây là tôi bán giá làm đường mà anh là người sử dụng thì phải trả giá. Tôi nghĩ đây là một tư tưởng và chúng ta phải thống nhất, nhất quán với nhau thì mới phát triển được. Tôi rất tâm đắc với tư tưởng đổi mới trong xây dựng dự án luật này”, ông Nam nói.
Đại biểu của tỉnh Thanh Hóa bày tỏ thêm: “Tôi nghĩ cần rành mạch, đã gọi là phí và lệ phí thì đó là phục vụ và không đặt vấn đề lợi nhuận. Còn gọi là giá thì phải có lợi nhuận”.
Ông Nam cũng cho rằng có một số vấn đề cụ thể cần phải sắp xếp lại có giải thích, thu gọn. Ví dụ, phí nhượng quyền khai thác đường hàng không cần phải tính, cũng như tôi cho thuê nhà thì phải là giá, ông ở nước ngoài đến thuê sân bay của tôi khai thác thì đây là giá anh thuê của tôi, không phải phí.
Nhà nước chi rất nhiều tiền nhưng vẫn bị “mang tiếng”
Cũng trong phiên thảo luận, đóng góp ý kiến vào vấn đề viện phí và học phí, ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) bày tỏ không ít băn khoăn bởi nếu áp dụng phí, lệ phí theo pháp lệnh cũ thì chúng ta phải chuyển sang cơ chế giá dịch vụ y tế và giá học phí.
“Từ trước đến giờ tôi có cảm giác chúng ta đang đi đêm, nhà nước chi tiền rất nhiều nhưng vẫn “mang tiếng”. Nhiều đại biểu Quốc hội cũng chưa hiểu, bảo chưa có giá dịch vụ y tế, chưa có giá học phí, chúng ta đã ban hành và thực hiện mấy năm nay, huống chi là đến người dân. Nếu chúng ta sử dụng khái niệm viện phí thì chúng ta thấy được là nhà nước bao cấp điều gì, tất cả mọi người được hưởng giá đấy, những người không có bảo hiểm y tế cũng phải được hưởng giá đấy. Bây giờ những người không có bảo hiểm y tế vào bệnh viện là phải chi trả 100%.
Theo ông Tiên, mấy chục năm đổi mới vừa qua, vấn đề gay cấn nhất của xã hội là học phí và viện phí, nhân dân cũng băn khoăn, đại biểu cũng băn khoăn, cán bộ cũng băn khoăn, vậy lúc làm luật này chúng ta có 2 cách.
Một là, nếu chúng ta tiếp tục giữ giá học phí và viện phí thì chúng ta phải bỏ phần thu thuế ở phần giá dịch vụ y tế. Giá dịch vụ y tế mà xã hội hóa phải thu mất 28% tiền thuế những bệnh viện làm dịch vụ. Nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn thì phải 15% thuế, phần bảo hiểm y tế chi trả thì không phải thuế, nó bị gánh thuế tương đối nhiều. Nếu chúng ta tiếp tục giữ giá dịch vụ y tế thì chúng ta phải bỏ thuế này. Vì đây là dịch vụ chăm sóc sức khỏe chúng ta phải miễn. Thuế hay không thì cuối cùng người dân vẫn phải nộp, các cơ quan, bệnh viện họ không bỏ ra.
Hai là, Chính phủ phải làm gọn phần giá. Hiện nay có 15.000 danh mục giá dịch vụ y tế, đề nghị nhóm lại khoảng 300-400 danh mục, trong đó thể hiện rõ phần nhà nước bao cấp cái gì, chúng ta có 7 yếu tố, hiện nay chúng ta mới tính được 3.
Theo ĐB Tiên, nếu chúng ta sử dụng viện phí và học phí thì trong luật này chúng ta phải quy định một chương riêng về học phí và viện phí và quy định mức thu, mức đóng và mức sử dụng như thế nào. Nói là giá nhưng các bệnh viện họ vận dụng rất phức tạp, có những bệnh viện khoán thu theo từng khoa, chúng ta không kiểm soát nổi, bệnh nhân phải chịu.
Do đó, ĐB đề nghị: “Nếu quyết tâm thì trong luật này chúng ta quy định riêng một chương về học phí, viện phí, khi giá thay đổi cũng phải thay đổi phí này. Hai là Bộ y tế phối hợp với Bộ Tài chính ban hành, nếu để mình Bộ Tài chính thì rất lâu. Chúng tôi nghĩ quy định rõ như vậy thì những vấn đề này sẽ từng bước được tháo gỡ và quản lý có kỷ cương”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận