Trong cuộc trao đổi với báo chí mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể ủng hộ ứng dụng công nghệ vào dịch vụ gọi xe, đồng thời, cho biết sẽ khắc phục những bất cập trong công tác quản lý xe công nghệ khi Nghị định 86 sửa đổi, bổ sung được ban hành.
Theo Bộ trưởng Thể, cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 là xu hướng tất yếu. Kinh tế chia sẻ như Uber, Grab hoặc Go-Viet là những mô hình vận tải mới, có nhiều ưu việt, nó giúp kết nối giữa người sử dụng và người phục vụ một cách tốt nhất, đặc biệt là giảm được chi phí xã hội rất lớn.
Bộ trưởng Thể đánh giá cao các mô hình này và cho biết, trong dự thảo sửa đổi Nghị định 86, không triệt tiêu ứng dụng khoa học công nghệ mà khuyến khích các doanh nghiệp taxi truyền thống áp dụng các công nghệ mới để kết nối với các khách hàng. Nếu làm được việc này thì tất cả các doanh nghiệp taxi truyền thống sẽ trở thành những doanh nghiệp vận tải tốt nhất vì quản lý chặt theo quy định và kết nối được với người dùng rất tốt, giảm được chi phí cho xã hội.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp “4.0” như Uber, Grab hoặc Go-Viet cần được quản lý theo quy định của pháp luật, kinh doanh phải đóng thuế đầy đủ, phải có trách nhiệm đối với khách hàng. Hiện nay, công tác quản lý chưa chặt chẽ bởi vì nó là một mô hình mới thí điểm ở Việt Nam, thậm chí đối với thế giới cũng là mới. Nghị định 86 sửa đổi được ban hành sẽ khắc phục những bất cập này…
Liên quan đến vấn đề quản lý xe công nghệ với vụ việc TAND TP HCM tuyên Grab phải bồi thường hơn 4,8 tỉ đồng, đại diện Grab đã gửi đơn kháng cáo toàn bộ nội dung Bản án sơ thẩm ngày 28/12/2018 của TAND TP HCM giải quyết vụ việc “tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” với nguyên đơn là Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun).
Trao đổi với PV, đại diện Grab bày tỏ quan ngại về việc cho đến thời điểm làm đơn kháng cáo này (ngày thứ 14 của thời hạn kháng cáo 15 ngày), mặc dù đã quá thời hạn TAND TP HCM phải gửi Bản án sơ thẩm cho Grab nhưng Grab vẫn chưa nhận được.
Trong đơn, Grab kháng cáo toàn bộ nội dung Bản án sơ thẩm và đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm nhiều vấn đề như: Hủy Bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án theo Điều 311 Bộ luật Tố tụng dân sự vì TAND TP HCM không có thẩm quyền giải quyết vụ án này.
Trong trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm không đình chỉ giải quyết vụ án, thì cần sửa Bản án sơ thẩm để xác định Grab không kinh doanh vận tải, không vi phạm Quyết định 24, Nghị định 86 và bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun vì Grab không có vi phạm đối với Vinasun và Vinasun không chứng minh được thiệt hại và/hoặc mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm của Grab, nếu có và thiệt hại nếu có của Vinasun; hoặc hủy Bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho TAND TP HCM giải quyết lại vụ án theo thủ tục chung vì TAND TP HCM đã có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Grab.
Cùng đó, theo Grab, Tòa án TP HCM đã vi phạm nghiêm trọng các thủ tục tố tụng, bao gồm không có thẩm quyền xét xử vụ án; đưa ra bản án vượt quá phạm vi khởi kiện yêu cầu bồi thường, không triệu tập nhân chứng tham dự các phiên xét xử theo yêu cầu của Grab với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Tòa cũng không triệu tập Cửu Long để giải thích và làm rõ những mâu thuẫn trong Báo cáo đánh giá thiệt hại của mình mặc dù Cửu Long là thẩm định viên được Tòa chỉ định.
Cũng theo kháng cáo của Grab, TAND TP HCM quyết định không đúng pháp luật khi xác định là có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm của Grab và thiệt hại của Vinasun, trong khi trên thực tế, thiệt hại của Vinasun do nhiều nguyên nhân khác gây ra.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận