Khách tới tham quan và mua sắm tại Trung tâm kinh doanh lụa Vạn Phúc |
Ơn bà Tổ nghề, tôn làm Thành hoàng
Làng lụa Vạn Phúc là một trong những làng nghề lâu đời bậc nhất Việt Nam, nằm bên bờ sông Nhuệ, thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, cách trung tâm Hà Nội khoảng 10km. Thuở trước, các sản phẩm lụa chủ yếu làm ra ở Vạn Phúc nhưng thường được gọi là lụa Hà Đông để có địa giới rộng hơn, nhiều người dễ biết đến hơn. Ngày nay, cái tên lụa Vạn Phúc được sử dụng phổ biến hơn để cụ thể hóa địa danh xuất xứ.
Theo các bậc cao niên trong làng, làng Vạn Phúc vốn có tên Vạn Bảo, do kị húy nhà Nguyễn nên đã đổi thành Vạn Phúc. Người đầu tiên mang nghề dệt lụa cho Vạn Phúc là bà Ả Lã Đê Nương, được phong “Thượng đẳng thần” và thần hiệu là “Đương cảnh Thành Hoàng - Quốc vương thiên tử - Nga Hoàng đại vương”. Bà quê ở Tuyên Quang, cháu đời thứ 16 của Vua Hùng. Tương truyền, cách nay khoảng 1.100 năm, trong một lần du ngoạn thành Đại La, khi dừng chân nghỉ tại làng Vạn Phúc, thấy nơi đây có địa thế rất đẹp nên bà đã ở lại. Sẵn có nghề canh cửi, bà truyền dạy cho dân chúng ở Vạn Phúc và một số xã quanh vùng nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc HTX dệt lụa Vạn Phúc Hà Đông, hiện làng nghề có 164 cơ sở sản xuất và trên 100 cơ sở kinh doanh. HTX cùng với Hiệp hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc đã quán triệt tới các hộ gia đình phải đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ cho từng sản phẩm cụ thể. Đồng thời, tổ chức các khoá học chuyên sâu, bồi dưỡng để nâng cao tay nghề cho các hội viên. “Trước kia, có thể làm những mặt hàng bình thường nhưng chuyển sang những mẫu hàng hoa văn cao cấp thì chúng tôi phải tổ chức đào tạo, nâng cao tay nghề cho hội viên để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng cũng như cạnh tranh với các sản phẩm khác”, ông Hùng cho hay. |
Vào một đêm mưa gió, có một chiếc thuyền rồng lớn tới đón bà bên dòng sông Nhuệ, bà lên thuyền và thuyền rồng từ từ đi xuống lòng sông. Sau khi trời tạnh quang mây, nhân dân không thấy bà nên đã đi tìm, đến gần bờ sông Nhuệ chỉ thấy bà để lại một số tư trang như trầu, cau, gương, lược... Nhân dân xây luôn một miếu thờ bà ở cuối làng Vạn Phúc, gần dòng sông Nhuệ, ngày nay trở thành nơi thờ bà tổ nghề. “Người dân tưởng nhớ, tôn bà là Thành Hoàng làng. Vì vậy, Thành Hoàng của Vạn Phúc lại là nữ, điều rất khác biệt so với hầu hết các làng quê khác ở Việt Nam, ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc chia sẻ với PV Báo Giao thông.
Ông Hà cho hay, lụa Vạn Phúc từng được chọn để may trang phục triều đình và đặc biệt được ưa chuộng dưới triều nhà Nguyễn, từ vua Khải Định đến vua Bảo Đại đều sai sứ thần ra tận làng lụa Vạn Phúc mua sa, gấm về dùng. Lụa Vạn Phúc được giới thiệu lần đầu ra quốc tế tại hội chợ Marseille (Pháp) vào năm 1931 và được người Pháp đánh giá là loại sản phẩm tinh xảo của vùng Đông Dương. Nghề phát triển đỉnh cao nhất là vào những năm 1930 - 1950. Từ năm 1958, lụa Vạn Phúc được xuất sang các nước Đông Âu. Từ 1990, mở rộng xuất khẩu ra nhiều quốc gia trên thế giới.
Nhận diện thương hiệu lụa Vạn Phúc
Theo ông Hà, làm nghề lâu năm, người dân làng đã liên kết với nhau như một dây chuyền sản xuất, người vẽ hoa, người cung cấp tơ, người nhuộm, người se chỉ màu, người hồ sợi... Trong làng cũng đã hình thành một số doanh nghiệp có quy mô, nên các mặt hàng lụa cũng ngày thêm phong phú như: lụa, gấm, vóc, vân, the, lĩnh, bằng, quế, đoạn, sa, kỳ, cầu, đũi. Trong các loại lụa Vạn Phúc cổ truyền, nổi tiếng nhất là lụa Vân, có hoa nổi bóng mịn trên mặt lụa và hoa chìm thì chỉ thấy được khi ra chỗ sáng.
Để ra một sản phẩm lụa có nhiều công đoạn công phu như: tơ, hồ sợi, dệt, nhuộm, căng phơi... “Trước đây việc dệt lụa hoàn toàn thủ công, giờ các hộ sản xuất đã đưa công nghệ máy móc vào một số công đoạn, nhưng quy trình để cho ra một sản phẩm thì vẫn như thế”, ông Hà nói.
Cũng theo ông Hà, hiện Vạn Phúc cũng như các vùng lân cận như Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên trước đây cung cấp nguyên liệu không còn trồng dâu nuôi tằm nữa, nguyên liệu hiện nay chủ yếu được thu mua từ huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Thương hiệu lụa Vạn Phúc Hà Đông cũng đã được đăng ký bản quyền, ngoài ra còn có kí hiệu của từng gia đình sản xuất để khách hàng dễ nhận biết. “Vào những năm 2011- 2012, lụa Vạn Phúc đứng trước sự cạnh tranh rất lớn, nhất là lụa của Trung Quốc tràn ngập trên thị trường. Nhưng đến nay, thương hiệu lụa Vạn Phúc đã khẳng định được chỗ đứng bằng chất lượng của mình”, ông Hà cho biết.
Phát triển làng nghề gắn với du lịch
Theo bà Nguyễn Thanh Hương, chủ gian hàng lụa Đông Hương Silk tại Trung tâm kinh doanh lụa Vạn Phúc chất lượng cao, tất cả các gian hàng trong trung tâm không được bán mặt hàng gì khác ngoài lụa, trừ những quà tặng làm thủ công nhưng những sản phẩm đó cũng phải được làm từ lụa. Các hộ kinh doanh muốn vào khu trung tâm này bán hàng phải đăng ký, sau đó xét đủ tiêu chuẩn mới được bán hàng, trong đó tiêu chuẩn đầu tiên là chủ cửa hàng bắt buộc phải đang làm nghề dệt lụa. Bà Hương cho biết, ngoài việc bán hàng tại trung tâm, cửa hàng của bà cũng nhận được rất nhiều đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, cửa hàng buôn bán khác.
Liên quan đến vụ việc lụa Khải Silk bán lụa giả Vạn Phúc gắn mác Trung Quốc, bà Hương chia sẻ: “Chúng tôi cũng bị ảnh hưởng, hàng bán chậm. Tuy nhiên, đến nay mọi chuyện cũng dần qua”.
Tại một gian hàng bên ngoài Trung tâm kinh doanh lụa chất lượng cao, chủ cửa hàng Thịnh Hằng Silk, bà Trần Thúy Hằng cho hay, ngoài những sản phẩm lụa truyền thống của Vạn Phúc, cửa hàng còn nhập thêm các sản phẩm của Trung Quốc để phục vụ thị hiếu đa dạng của khách hàng. “Một chiếc áo lụa của Vạn Phúc khoảng 600 nghìn đồng thì cũng chiếc áo như vậy sản phẩm của Trung Quốc chỉ khoảng 400 nghìn đồng. Lụa của Trung Quốc nhìn bề ngoài rất bắt mắt, mặt lụa mịn nhưng độ bền thì không bằng lụa Vạn Phúc”, bà Hằng giới thiệu.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Chính Hữu, Phó chủ tịch UBND phường Vạn Phúc cho biết, định hướng của phường là sẽ phát triển làng nghề gắn với du lịch. Hiện chính quyền và nhân dân làng nghề lụa Vạn Phúc đang tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá bằng nhiều hình thức như: Tổ chức các đoàn khảo sát, tham quan học tập kinh nghiệm tại các địa phương, tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước… Đồng thời, chính quyền thường xuyên tuyên truyền tới nhân dân về nâng cao ý thức ứng xử, giao tiếp văn minh lịch thiệp, kỹ năng làm du lịch, ý thức bảo vệ môi trường.
“Hiện logo thương hiệu và website về làng nghề đã được xây dựng. Việc đầu tư, cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng, tu bổ tôn tạo các di tích lịch sử - văn hoá, phát triển các dịch vụ thương mại phục vụ du lịch với hệ thống nhà hàng, siêu thị, cà phê, giải khát, nhà nghỉ, dịch vụ văn hoá... đã được đẩy mạnh để phục vụ du khách đến với làng nghề đã được triển khai. Tôi tin hướng đi này sẽ mang lại hiệu quả trong thời gian tới”, ông Hữu cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận