Không có thuốc điều trị là lỗi nặng với nhân dân
Ngày 28/10, tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV dành ngày thứ hai thảo luận tại hội trường về tình hình phát triển kinh tế xã hội.
Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) bày tỏ lo ngại về nhiều vấn đề phát sinh trong lĩnh vực y tế thời gian gần đây, như hàng nghìn cán bộ y tế ồ ạt ra khỏi khu vực công; thuốc men, sinh phẩm bị thiếu; việc mua sắm trang bị y tế trong bệnh viện bị đứt gãy, đình đốn; vấn đề tự chủ bệnh viện có nguy cơ bị đổ vỡ...
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội)
Đại biểu Trí nhấn mạnh: Dù bất cứ lý do nào mà không có thuốc điều trị cho bệnh nhân là có lỗi nặng với nhân dân, và đề nghị Chính phủ bằng mọi giá phải giải quyết để chấm dứt tình trạng này.
Về tự chủ bệnh viện, ông kiến nghị "phải cho bệnh viện tự chủ thực sự", đặc biệt là về tài chính và nhân sự. Vị đại biểu nhìn nhận, việc không tự chủ được ở các bệnh viện hạng cao, tuyến cuối là một sự thất bại. Nguyên nhân trước hết là do thiếu quyết tâm, thiếu phương pháp. Đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế sớm tháo gỡ tình trạng này.
Cũng bàn về tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, trang thiết bị vật tư y tế, đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) đánh giá nguyên nhân do "tâm lý sợ sai" là hoàn toàn không đúng.
Nữ đại biểu dẫn chứng tại Thái Bình, trong 9 tháng đầu năm 2022, các gói đấu thầu cấp địa phương chỉ đạt 60-70% danh mục trúng thầu, thậm chí có gói thầu không trúng đến 91,4%.
Bà đề nghị trong lúc chưa sửa văn bản pháp luật, Chính phủ cần trình Quốc hội các giải pháp cấp bách đưa vào Nghị quyết kỳ họp này để kịp thời tháo gỡ vướng mắc. Đồng thời, đại biểu Thu cũng đề nghị Quốc hội xem xét gia hạn thời gian hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc theo quy định tại Nghị quyết 30.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cũng đề xuất có ngay giải pháp tháo gỡ để ngành y tế khôi phục năng lực và điều kiện hoạt động như trước thời kỳ COVID-19.
Theo đại biểu Nghĩa, những giải pháp này cần đồng bộ từ quy định, các quy định về đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế cho đến việc tăng thu nhập, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ y tế công cũng như tồn tại, vướng mắc trong bảo hiểm y tế.
Nếu hệ thống y tế không được củng cố, ngay cả về người và cơ sở vật chất chẳng những không đáp ứng được vai trò, nhiệm vụ với hàng chục triệu nhân dân, người lao động, cán bộ, công viên chức, cán bộ hưu trí và người dân diện chính sách, càng không thể chống chịu được khi dịch bệnh bùng phát lại hay phát sinh mới.
Đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình)
Áp lực dư luận sau nhiều vụ sai phạm ảnh hưởng tâm lý nhân viên y tế
Vẫn bàn về lĩnh vực y tế, bà Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) cho biết, tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc và làn sóng chuyển việc từ khu vực công sang tư khiến kế hoạch chỉ tiêu phấn đấu năm 2023 đạt 12 bác sĩ/1.000 dân là thách thức rất lớn khi phải tăng thêm khoảng 20.000 bác sĩ.
Chỉ ra nhiều nguyên nhân của việc này, bà Thu cho rằng không chỉ do áp lực công việc mà còn do áp lực dư luận xã hội lên toàn ngành sau nhiều vụ sai phạm. Việc này ảnh hưởng lớn đến tâm lý của những người trong ngành.
Trong khi đó, chế độ lương và phụ cấp đối trong cơ sở công lập rất thấp, nhất là tại cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở.
"Một bác sĩ sau khi học 6 năm và 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, nếu tuyển dụng vào cơ sở y tế công lập ngay sẽ có mức lương là 3,486 triệu đồng cùng phụ cấp ưu đãi nghề là 40%. Sau khi trừ các khoản, một bác sĩ hưởng mức lương chưa tới 4 triệu đồng và điều dưỡng chưa tới 3 triệu đồng", nữ đại biểu nêu dẫn chứng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận