Gửi câu hỏi tới Báo Giao thông, bạn đọc Nguyễn Quang Minh (Thái Nguyên) thắc mắc, hiện nay, trong quá trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn, cảnh sát giao thông (CSGT) ghi nhận một số trường hợp tài xế cho rằng họ không sử dụng rượu bia, nhưng khi kiểm tra qua thiết bị của lực lượng chức năng thì máy vẫn báo phát hiện nồng độ cồn.
"Vậy, nếu tôi điều khiển xe dù không uống rượu bia hay trước đó chỉ uống nước hoa quả, nhưng máy đo nồng độ cồn vẫn báo có vi phạm, tôi phải làm gì? Nếu không đồng tình với kết quả đo nồng độ cồn của CSGT mà tự đi xét nghiệm nồng độ cồn trong máu thì kết quả xét nghiệm có được ghi nhận không?", bạn Minh hỏi.
Về vấn đề này, đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, Cục CSGTcho biết, chuyên đề xử lý vi phạm về nồng độ cồn trên toàn quốc đang được lực lượng CSGT triển khai trên tinh thần rất quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Kế hoạch này đã mang lại những hiệu quả tích cực, trong đó từ ngày 30/8-15/10, tai nạn giao thông (TNGT) với nguyên nhân do người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu bia đã giảm rõ rệt cả ba tiêu chí.
Quá trình triển khai, lực lượng chức năng cũng đã có rất nhiều biện pháp, cách thức thực hiện để kiểm soát nồng độ cồn thường xuyên, liên tục và có hiệu quả.
Một trong những thắc mắc được nhiều người đề cập, đó là việc họ lo ngại trường hợp không sử dụng rượu, bia mà chỉ uống nước hoa quả, siro, trái cây lên men hay uống thuốc tân dược, nhưng khi CSGT kiểm tra thì thiết bị đo vẫn báo phát hiện có cồn.
Cục CSGT khẳng định, khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100/NĐ-CP có hiệu lực từ năm 2020, các đơn vị liên quan và cơ quan y tế đã phối hợp thực nghiệm hàng trăm lượt test với các loại hoa quả, thuốc ho hay kháng sinh, nước súc miệng, trái cây lên men.
Các kết quả thực nghiệm đều thể hiện những người ăn, uống những loại nước, hoa quả trên không phát sinh nồng độ cồn trong cơ thể.
Bên cạnh đó, khi làm nhiệm vụ xử lý nồng độ cồn, các tổ CSGT đều yêu cầu tài xế kiểm tra tuần tự theo hai bước, gồm định tính và định lượng. Cho nên, không có chuyện CSGT xử lý nhầm người không vi phạm.
Trường hợp tài xế không sử dụng rượu, bia nhưng thiết bị đo vẫn báo có, họ có quyền đề nghị CSGT cho thổi lại qua thiết bị, hoặc được quyền chờ trong khoảng thời gian nhất định (từ 10-15 phút) để kiểm tra lại.
Ngoài ra, trong tình huống trên, người dân cũng có thể uống nước, súc miệng trước khi kiểm tra lại bằng thiết bị đo nồng độ cồn để chứng minh cho bản thân.
Trao đổi thêm về nội dung này, Thiếu tá Trần Quang Chinh, Phó đội trưởng Đội CSGT số 9 (Công an TP Hà Nội) cho biết, hiện nay có hai hình thức kiểm tra nồng độ cồn những người điều khiển phương tiện tham gia giao thông là định tính và định lượng.
Kiểm tra nồng độ cồn định tính thường được áp dụng tại những tuyến đường rộng, đủ điều kiện để lập chốt kiểm tra hàng loạt. Nếu phát hiện có nồng độ cồn, máy sẽ báo, khi đó CSGT sẽ yêu cầu tài xế tấp xe vào lề kiểm tra định lượng để xác định mức vi phạm cụ thể.
Còn với phương thức kiểm tra định lượng, lái xe được yêu cầu thổi vào máy đo nồng độ cồn có gắn ống thổi bằng nhựa. Sau khi tài xế thổi, máy sẽ báo mức nồng độ cồn trong hơi thở và CSGT sẽ căn cứ vào đây để lập biên bản xử lý vi phạm hành chính.
Ngoài hai phương thức kiểm tra nồng độ cồn trên, với một số trường hợp không chấp hành thổi qua ống hay những trường hợp gây TNGT, thì CSGT có thể áp dụng kiểm tra nồng độ cồn của người vi phạm qua xét nghiệm máu. Tuy nhiên, không phải người vi phạm tự ý đi xét nghiệm máu mang kết quả về là được công nhận.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận