Xã hội

Không vì lợi nhuận khó xã hội hóa công chứng

11/04/2014, 16:23

Chủ trương xã hội hóa nghề Công chứng sẽ gặp trở ngại lớn nếu quy định nguyên tắc hành nghề công chứng "không vì mục đích lợi nhuận".

img

Đây là một trong những chủ đề được bàn luận sôi nổi trong phiên thảo luận về Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội (QH) hoạt động chuyên trách ngày 10/4. 


Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý cho rằng, trong hoạt động hành nghề Công chứng, có ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung nguyên tắc “không vì mục đích lợi nhuận” do hoạt động công chứng trước hết nhằm giúp Nhà nước bảo đảm cung cấp dịch vụ công cho xã hội nên phải đặt tính chất phục vụ lên hàng đầu. Loại hình dịch vụ này do Nhà nước ủy quyền và đặt ra giới hạn về số lượng tổ chức hành nghề Công chứng trên một địa bàn nhất định, tính cạnh tranh bị hạn chế rất nhiều.


“Không vì mục đích lợi nhuận được hiểu là khi hoạt động không phải bằng mọi giá để công chứng” - ông Lý cho biết thêm, công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng không thể sử dụng các lợi thế này để phục vụ mục đích kiếm lợi nhuận như: Các hình thức kinh doanh, dịch vụ thông thường. 


Ông Trần Du Lịch (đại biểu TP HCM) đặt câu hỏi: Công chứng viên thực hiện dịch vụ công, nhưng dịch vụ đó là công ích hay công quyền? “Tổ chức hành nghề Công chứng phải phi lợi nhuận dù Nhà nước hay tư nhân thành lập, tránh tình trạng “chạy” để thành lập Văn phòng Công chứng làm giàu” - ông Lịch cho biết, bản thân ủng hộ quy định hoạt động công chứng không vì lợi nhuận.


Tuy nhiên, nhiều đại biểu vẫn nghi ngại về tính khả thi của quy định này, bởi Văn phòng Công chứng hoạt động theo pháp luật về doanh nghiệp, không có sự bao cấp của Nhà nước. Và như vậy, dù cung cấp dịch vụ công ích thì hoạt động của tổ chức này cũng không thể không tính đến yếu tố lợi nhuận. Đó là chưa kể điều này còn mâu thuẫn với quy định cho phép chuyển đổi Phòng Công chứng hay chuyển nhượng Văn phòng Công chứng. 


Ông Nguyễn Bá Thuyền (đại biểu Lâm Đồng) cho rằng, quy định không vì mục đích lợi nhuận sẽ khó thu hút được người tham gia hoạt động công chứng. “Đã gọi là không vì mục đích lợi nhuận, có nghĩa phần lợi nhuận chỉ dùng để trả lương, trừ khấu hao tài sản và để lại đầu tư. Tức là nguyên tắc không được chia lợi nhuận, chỉ làm công hưởng lương thôi. Nếu làm được như dự thảo luật thì nghề Công chứng của ta thật cao cả. Tôi đề nghị cân nhắc khi đưa nội dung này vào. Làm không lợi nhuận thì ai làm” - đại biểu Lâm Đồng nói.  


Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển nêu ý kiến: Xét cho cùng lợi ích bao giờ cũng là vĩnh viễn. Các tổ chức công chứng phải thực hiện nhiệm vụ kinh doanh, theo luật doanh nghiệp, nhưng không phải làm bất cứ giá nào mà để có lợi nhuận phải thực hiện theo giá dịch vụ. “Trong giá dịch vụ có chi phí và có phần lợi nhuận tạo ra trong cái giá đó. Nhưng cái giá đó không phải tự quy định mà phải là Nhà nước quy định. Muốn “không vì mục đích lợi nhuận, Nhà nước phải quy định khung giá để đảm bảo giá dịch vụ phù hợp”. 

Minh Tiến
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.