Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân tại phiên giải trình ngày 8/4 do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (QH) chủ trì.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu về việc tiến độ xây dựng khu công nghệ cao Hòa Lạc chậm và trách nhiệm của bộ đến đâu, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập khu công nghệ cao Hòa Lạc từ năm 1999 và đến nay nhìn chung tiến độ xây dựng khu công nghệ cao này còn chậm so với yêu cầu.
"Đến nay mới chỉ có 2/3 diện tích khu công nghệ cao được đền bù và giải phóng mặt bằng, nhưng cũng không phải là làm trọn gói mà giống như kiểu "xôi đỗ" mà chúng ta thường gọi", Bộ trưởng nói.
Khu công nghệ cao Hòa Lạc hoạt động kiểu "xôi đỗ" do chậm GPMB |
Nguyên nhân chính của việc chậm trễ, theo Bộ trưởng Quân là do giải phóng mặt bằng (GPMB) và di dân tái định cư. "Khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, giá đất của khu công nghệ cao Hòa Lạc thay đổi rất nhiều. Dự toán ban đầu cho GPMB chưa đến 2.000 tỷ đồng. Nhưng đến giờ phút này, theo phê duyệt mới nhất của UBND Tp. Hà Nội, tổng dự toán cho GPMB đã vượt quá 6.800 tỷ, tức là gấp hơn 3 lần so với dự toán ban đầu". Bộ trưởng nói và cho biết đang báo cáo với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư để có giải pháp tìm nguồn vốn hỗ trợ GPMB, phấn đấu đến 2015 sẽ giải phóng mặt bằng xong để từ 2016 - 2017 có thể đưa khu công nghệ cao vào hoạt động theo mục tiêu ban đầu.
Mặc dù vậy, theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, đối với những diện tích đã giải phóng mặt bằng đã có rất nhiều nhà đầu tư công nghệ cao vào và sản xuất ra những sản phẩm.
"Riêng quý I vừa rồi, xuất khẩu từ khu công nghệ cao Hòa Lạc đã đạt 70 triệu USD. Theo tính toán, từ nay đến cuối năm có thể xuất khẩu trên dưới 1 tỷ USD từ khu công nghệ cao Hoà Lạc", Bộ trưởng Quân nói và nhận trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc phối hợp với Tp. Hà Nội chưa thật tốt trong GPMB, lo nguồn vốn cũng như hỗ trợ về quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch...
Minh Tiến
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận