Dự án Khu dân cư An Sương được khởi công từ năm 2000 do Công ty Phát triển và kinh doanh nhà TP.HCM (Công ty HDTC) làm chủ đầu tư nằm gần nút giao An Sương, sát quốc lộ 1 và các tuyến giao thông huyết mạch như Trường Chinh, Quốc lộ 22. Việc xây dựng khu dân cư này giúp kéo giảm mật độ dân cư cho khu vực trung tâm.
Nhiều công trình công cộng… là bãi đất trống
Vừa qua, Báo Giao thông đã có nhiều bài viết về dự án khu dân cư An Sương, liên quan đến việc người dân vào ở nhiều năm nhưng không được cấp giấy chủ quyền nhà, đất.
Ngoài ra, ở đây còn có tình trạng hàng loạt công trình công cộng không được đầu tư xây dựng theo quy hoạch.
Theo tài liệu, dự án có tổng diện tích hơn 64 ha. Theo quy hoạch, đất công trình công cộng chiếm 6,1ha (tương đương 9,6%), đất cây xanh tập trung rộng 6,8ha (tương đương 10,85%). Đất giao thông, bến bãi có diện tích 20,1ha. Đất hạ tầng kỹ thuật là 0,35ha. Hiện tại, cư dân đã sinh sống từ nhiều năm nay nhưng các công trình công cộng như: trường học, phòng khám đa khoa… đã được quy hoạch từ nhiều năm trước đến nay chỉ là bãi đất trống.
Khu công viên trung tâm dự án hiện này chỉ là đất trống, người dân dùng làm sân tập xe ô tô. Ảnh: Quang Phương.
Trao đổi với phóng viên Báo Giao thông, anh T. một hộ dân chuyển về khu dân cư An Sương sinh sống từ năm 2016 nói: Chúng tôi không hiểu lý do vì sao các công trình công cộng ở đây không được xây dựng, dù đất đã có sẵn.
Theo quan sát của phóng viên, khu công viên trung tâm của dự án có tổng diện tích hơn 34.700m2, hiện nay chỉ mới trồng lưa thưa vài cây xanh, phần lớn diện tích đất là cỏ mọc, sân đá banh tự phát, thậm chí là nơi tập xe ô tô của người dân.
Một số khu đất nhỏ được quy hoạch là công viên cây xanh trong khu dân cư cũng chưa được xây dựng như khu đất 3 mặt tiền tại góc đường DD4-DCT9-DCT8, để cỏ dại mọc um tùm.
Khu đất tại góc đường DN4 - DD9 được quy hoạch làm trường học nhưng đến nay chỉ là khu đất trống. Ảnh: Quang Phương.
Tương tự, một số khu đất được quy hoạch là đất giáo dục hiện nay vẫn trống không.
Theo công văn của Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, đất dành cho trường mẫu giáo, nhà trẻ (3 khu vực) là 8.395m2. Đất dành cho trường phổ thông trung học 20.627m2.
Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, nơi được quy hoạch là trường mẫu giáo và cấp 2 hiện nay cỏ mọc um tùm, chưa có dấu hiệu xây dựng trường lớp.
Ngoài ra, theo quy hoạch, dự án còn có quỹ đất để xây phòng khám đa khoa với diện tích đất 5.389m2, xây dựng trạm xăng dầu hơn 2.700m2… nhưng đến nay vẫn chưa được đầu tư xây dựng.
Đáng nói nhất là hệ thống giao thông ở đây cũng còn nhiều hạn chế. Nhiều tuyến đường mới như DN4, DN6… hiện thi công chưa xong, thắt nút cổ chai do vướng giải phóng mặt bằng.
Đề xuất được xã hội hóa?
Liên quan đến vấn đề các công trình công cộng tại dự án hiện là bãi đất trống, ngày 8/9 phóng viên đã trực tiếp liên hệ Công ty HDTC nhưng đến nay (12/9) vẫn chưa nhận được câu trả lời.
Cũng liên quan đến vấn đề trên, tháng 7 vừa qua, Sở Kế hoạch đầu tư TP.HCM đã có văn bản gửi Công ty HDTC, các Sở: Tài nguyên môi trường, Xây dựng, Tài chính, UBND quận 12… liên quan đến việc Công ty HDTC có văn bản kiến nghị UBND TP.HCM chấp thuận để đơn vị này kêu gọi đầu tư, triển khai các dự án công trình công cộng theo hình thức xã hội hóa. Tuy nhiên, Sở Kế hoạch đầu tư cho biết hiện chưa nhận được văn bản góp ý từ các đơn vị nói trên.
Một khu đất khác tại đường DD4 được quy hoạch là đất xây dựng công trình công cộng nhưng đến nay sau hơn 10 năm dự án được khởi công vẫn là khu đất trống, cỏ dại mọc um tùm. Ảnh: Quang Phương.
Theo tài liệu của phóng viên, trước đó, tháng 4/2022, Công ty HDTC có văn bản gửi UBND TP.HCM về việc thực hiện xã hội hóa công trình công viên cây xanh và trường học (công trình công cộng - PV) tại dự án khu dân cư An Sương.
Theo văn bản này, Công ty HDTC cho biết quy mô đầu tư trường tiểu học có diện tích khu đất 3.592m2, tầng cao tối đa là 4 tầng, quy mô 23 phòng học với 805 học sinh; Trường Mầm non (có 2 khu đất) mỗi khu có diện tích đất 2.445m2, tầng cao xây dựng tối đa 3 tầng, quy mô 18 phòng 450 học sinh.
Còn các công trình dịch vụ công cộng kết hợp công viên cây xanh tập trung gồm có: khu giao lưu văn hóa – vui chơi giải trí HDTC có diện tích đất 6.215m2, diện tích xây dựng 2.485m2, số tầng 1 tầng hầm, 3 tầng nổi, tổng diện tích sàn xây dựng 7.100m2 (không bao gồm hầm) và khu thể dục thể thao HDTC có diện tích 12.770m2, diện tích xây dựng 5.073m2, số tầng 2 tầng, tổng diện tích sàn xây dựng 10.000m2.
Công ty HDTC cho biết, từ khi dự án được phê duyệt đến nay đã hơn 20 năm, việc triển khai dự án có nhiều biến động gia tăng về giá trị đầu tư xây dựng công trình. Các công trình trường học, công trình phúc lợi công cộng không còn phù hợp với nhu cầu thực tế, có xu hướng gia tăng về quy mô đầu tư mới đáp ứng được chất lượng phục vụ cho các cư dân đang cư ngụ tại dự án và các khu lân cận. Dự kiến Công ty HDTC phải đầu tư cho các công trình này khoảng 1.164 tỷ đồng (chưa bao gồm tiền sử dụng đất - nếu có).
Nguồn vốn này, công ty phải vay và chịu lãi suất ngân hàng. Mặt khác, ngân hàng chỉ chấp thuận cho vay trong trường hợp dự án có tính khả thi cao và có khả năng hoàn vốn.
Từ đó, Công ty HDTC kiến nghị UBND TP.HCM cho phép đơn vị này thực hiện các công trình trên theo hình thức xã hội hóa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận