Từ năm 2009, doanh nghiệp Tiền Thảo được cấp phép xây dựng chợ tổng hợp Đại Hà với diện tích hơn 15.000m2. Để thực hiện dự án này, gần 100 hộ dân đã chịu mất đất nông nghiệp với mức đền bù tổng cộng chưa đến 3 tỷ đồng. Sau gần 10 năm đi vào hoạt động, doanh nghiệp Đại Hà “quên” thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, liên tục vướng vi phạm và bị xử phạt hàng trăm triệu đồng. Tuy vậy, doanh nghiệp này vẫn tiếp tục được phê duyệt mở rộng chợ Đại Hà.
Xây cả nhà nghỉ trong chợ
Trước nhiều khuất tất của dự án chợ tổng hợp Đại Hà, PV Báo Giao thông đã làm việc với UBND huyện Kiến Thụy và được ông Lê Văn Tiến, Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho biết: “Dự án chợ tổng hợp Đại Hà có nhiều sai phạm, từng bị UBND huyện, thành phố xử lý. Hiện, chúng tôi đang phối hợp với UBND xã thường xuyên kiểm tra hoạt động xây dựng tại chợ Đại Hà”.
Thời gian qua, nhiều người dân xã Đại Hà, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng liên tiếp phản ánh về việc chủ đầu tư chợ Đại Hà tự ý mở rộng, xây dựng trái phép, bằng nhiều hình thức lách luật để bán đất cho các hộ dân có nhu cầu…
PV Báo Giao thông ghi nhận, chợ Đại Hà ngoài một số ki ốt bán hàng còn có cả nhà nghỉ, cơ sở sản xuất. Ngay trong chợ, chình ình một nhà nghỉ với tấm biển đề rõ ràng: “BQL chợ tổng hợp Đại Hà. Nhà nghỉ bình dân”. Khu vực giáp mặt đường của chợ dù được quy hoạch là các dãy ki ốt nhưng đã biến thành các căn hộ để ở kết hợp kinh doanh.
Anh N.V.H (ở xã Đại Hà, huyện Kiến Thụy) cho biết: “Tôi “mua” 2 lô đất trong chợ Đại Hà để xây dựng nhà ở kết hợp kinh doanh. Đất chợ không thể hợp thức hóa “sổ đỏ” nhưng giá mua chỉ bằng 1/2 đất thổ cư”.
Để hợp pháp hoá, các hộ dân mua đất chợ đã làm hợp đồng góp vốn với Ban Quản lý chợ, nhưng anh H. cho biết, đây chỉ là chiêu “lách luật”, người “mua lốt” vẫn được xây nhà, ở bình thường trên đất chợ.
Quá trình tìm hiểu, PV Báo Giao thông phát hiện nhiều khuất tất trong việc triển khai dự án dân sinh này. Từ năm 2009, Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Tiền Thảo có địa chỉ tại TP Móng Cái (Quảng Ninh) lập đề án xây dựng chợ tổng hợp Đại Hà với quy mô 15.000m2. Điều lạ lùng là theo quy định, thì doanh nghiệp ở địa phương khác, ít nhất phải có chi nhánh tại Hải Phòng mới được triển khai dự án. Tuy vậy, doanh nghiệp Tiền Thảo không cần lập chi nhánh vẫn được ưu ái cấp, phê duyệt dự án. Tới tháng 8/2009, dự án chợ Đại Hà chính thức được phê duyệt là chợ loại 2 với 198 điểm bán hàng cố định.
Theo kết luận Thanh tra của UBND TP Hải Phòng, vốn đầu tư của dự án chợ Đại Hà là 14,6 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của doanh nghiệp chỉ có 6,2 tỷ đồng. Nhờ chính sách ưu đãi đối với quy hoạch chợ, Công ty Tiền Thảo chỉ phải chi trả hơn 2,7 tỷ đồng bồi thường, hỗ trợ GPMB cho gần 14.000m2. Sau khi có được dự án, Công ty Tiền Thảo tiếp tục huy động vốn bằng các “hợp đồng góp vốn xây dựng”. Bản chất của các hợp đồng này là hộ dân nào có nhu cầu, bỏ ra một số tiền khoảng vài trăm triệu đồng nộp cho Công ty Tiền Thảo là được sở hữu một mảnh đất trong chợ, hộ dân đó sẽ tự xây dựng.
Quá trình ký các hợp đồng này xảy ra nhiều mâu thuẫn, một số cá nhân đã viết đơn kiện Công ty Tiền Thảo. Bà Phạm Thị Dung ở xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy cho biết: “Ông Vũ Đức Tiền, Giám đốc Công ty Tiền Thảo đã lừa tôi bỏ ra gần 1 tỷ đồng để ký “hợp đồng góp vốn”, thực chất là mua đất trong chợ nhưng sau công ty đó không thực hiện đúng cam kết. Tôi đã có đơn đề nghị khởi tố vụ án hình sự, gửi tới Công an huyện Kiến Thụy về vụ việc”.
Liên tiếp sai phạm vẫn được ưu ái
Từ năm 2012, khi chưa có quyết định cho thuê đất của UBND TP Hải Phòng, Công ty Tiền Thảo đã tự ý san lấp 13.000m2 đất để xây dựng chợ. Thanh tra Sở TN&MT đã xử phạt 30 triệu đồng đối với hành vi này. Năm 2016, UBND huyện Kiến Thụy ra quyết định phạt Công ty Tiền Thảo tổng số tiền 125 triệu đồng đối với hành vi xây dựng không phép, sai phép tại chợ Đại Hà. Quá trình thực hiện dự án chợ, Công ty Tiền Thảo tiếp tục tự mua thêm 2.661m2 đất nông nghiệp của dân sau đó san lấp, gộp vào diện tích của chợ và do đó, năm 2017, Công ty bị Thanh tra Sở TN&MT phạt 20 triệu đồng. Với nhiều động thái “thu gom” đất nông nghiệp gộp vào chợ nên tới nay chợ Đại Hà đã mở rộng diện tích lên tới hơn 17.000m2.
Kết luận thanh tra của UBND TP Hải Phòng chỉ ra một loạt sai phạm xảy ra tại dự án chợ tổng hợp Đại Hà. Điển hình, công ty này tự ý thực hiện việc xây dựng, không có khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng theo quy định. Các công trình xây dựng tại chợ Đại Hà ngoài việc thiếu các hồ sơ nêu trên còn có một loạt sai phạm khác như: Xây dựng không phép, sai giấy phép xây dựng, xây dựng các công trình vi phạm hành lang ATGT…
Không những vậy, từ năm 2013, Công ty Tiền Thảo đã thuê 13.800m2 đất làm chợ Đại Hà nhưng kéo dài suốt tới năm 2018, công ty này không nộp tiền thuê đất vào ngân sách TP Hải Phòng. Cơ quan thuế cũng chỉ thu thuế hàng tháng được 2 hộ tại chợ Đại Hà vì đa số các hộ kinh doanh này có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm. Trong khi đó, báo cáo của Công ty Tiền Thảo cho thấy, tại chợ Đại Hà có khoảng 150 hộ kinh doanh, mỗi tháng công ty thu từ 23 - 27 triệu đồng để chi trả cho công tác bảo vệ, vệ sinh, lương nhân viên. Như vậy, Công ty Tiền Thảo không kê khai doanh thu hoạt động, không khai báo thuế kinh doanh chợ Đại Hà cho cơ quan thuế.
Sau hàng loạt sai phạm, hiện UBND huyện Kiến Thụy lại vừa phê duyệt giai đoạn 2 của dự án chợ Đại Hà. Nhưng do nhiều vướng mắc liên quan đến phần đất mà Công ty Tiền Thảo tự ý mua thêm, nên phần mở rộng dự án chưa được cấp giấy phép xây dựng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận