Brussels vẫn đang trong tình trạng báo động an ninh cao sau các vụ đánh bom |
Hủy tuần hành chống khủng bố vì lo khủng bố
Tối qua, do lo ngại an ninh, giới chức Bỉ đã phải hủy chương trình đồng hành “Chống nỗi sợ hãi” tại Quảng trường La Bourse ở Thủ đô Brussels, nhằm chia sẻ với các nạn nhân sau vụ tấn công hôm 22/3 khiến ít nhất 34 người thiệt mạng, hơn 250 người bị thương, theo Reuters.
Theo Bộ trưởng Nội vụ Bỉ Jan Jambon, sở dĩ phải hủy cuộc tuần hành vì khả năng của lực lượng cảnh sát trên thực địa không đủ để bảo vệ sự kiện dự kiến có hàng trăm nghìn người tham gia. Hiện, cảnh sát đang tập trung cho các cuộc điều tra.
“Chúng tôi vẫn đang duy trì cảnh báo an ninh trên toàn lãnh thổ ở mức 3. Để tập trung cho hoạt động điều tra, chúng tôi cần huy động tối đa khả năng của cảnh sát. Do vậy, chúng tôi đề nghị không nên thực hiện các cuộc tuần hành trong thời điểm hiện nay”, ông Jambon nói. Giới chức Bỉ đề nghị các nhà tổ chức dời sự kiện sau vài tuần nữa và chưa công bố thời điểm tổ chức lại sự kiện này.
Hiện, Bỉ vẫn đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ khủng bố, nhất là các nhà máy năng lượng hạt nhân và những cơ sở hạ tầng trọng yếu khác đang phải đối mặt với nguy cơ bị tấn công mạng. Ông La Libre Belgique - người đứng đầu cơ quan chống khủng bố cho biết: "Sau các cuộc tấn công bằng bom mìn, Bỉ sẽ còn phải đối mặt với các vụ khủng bố tấn công mạng trong 5 năm tới mà mục tiêu là Hệ thống điều khiển giám sát và thu nhận dữ liệu (SCADA), vốn là đầu não của một nhà máy năng lượng hạt nhân, một con đập, trung tâm kiểm soát không lưu hay trạm chuyển đường sắt”. Trước đó, một nhân viên bảo vệ nhà máy hạt nhân ở Charleroi bị bắn chết và thẻ ra vào của anh này đã bị lấy mất.
Muốn hợp tác nhưng không nhượng bộ
Các chuyên gia phân tích nhận định, châu Âu đang phải đối mặt với chính sự yếu kém của mình, khi một liên minh 28 nước có các lợi ích mâu thuẫn với nhau và kẽ hở của một nước đều có tác động đến các nước còn lại. Như vụ tấn công tuần trước, 3 nghi phạm chủ chốt đều có mối liên hệ với cuộc khủng bố tại Paris hồi tháng 11/2015. Tuy nhiên, phải đợi đến 4 tháng sau khi thảm kịch Brussels nổ ra, giới chức mới phát hiện bọn chúng vốn cùng một nhóm.
Vụ đánh bom tuần trước được Le Monde nhận định, đó là một thử thách lớn và châu Âu đang bị lôi vào một cuộc chiến tranh mới ngay trên lãnh thổ của mình. Thậm chí, Thủ tướng Pháp Manuel Valls nhấn mạnh, “chúng ta đang trong chiến tranh” và “chúng ta đang hứng chịu các hành động chiến tranh”.
Tuy nhiên, các nhà quan sát nhận định, châu Âu chống khủng bố mà bỏ qua vai trò của Nga chính là một thất sách lớn. Sau vụ khủng bố ngày 22/3, hãng tin AFP đã dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov kêu gọi châu Âu ngừng “trò chơi địa chính trị” và cùng bắt tay nhau chống khủng bố.
Tuyên bố của ông Lavrov được đưa ra trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Đức Frank-Walter Steinmeier. “Trước mối đe dọa khủng khiếp của khủng bố, Moscow hy vọng châu Âu sẽ gạt bỏ "trò chơi địa chính trị", đoàn kết nhằm ngăn chặn khủng bố ngay trong lòng liên minh”, ông Lavrov nói.
Tuy nhiên, điều trở ngại để EU cùng Nga hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố đến từ việc tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không từ bỏ kế hoạch tăng cường quân sự ở biên giới phía Đông nước Nga. Ông Alexander Vershbow, Phó Tổng thư ký NATO tuyên bố sẵn sàng tăng cường hợp tác chống khủng bố với Moscow nhưng “từ chối từ bỏ kế hoạch tăng cường quân sự của NATO ở sườn phía Đông, giáp Nga”.
Nga đã đề nghị NATO hợp tác chống khủng bố và chấm dứt các biện pháp mà liên minh này đang áp dụng nhằm đáp trả Nga trong vấn đề Ukraine. Tuy nhiên, theo ông Vershbow, NATO sẵn sàng “hợp tác chống khủng bố với Nga hơn nữa, nhưng sẽ không có bất kỳ một thỏa hiệp nào”.
Về phía Nga, ông Dmitry Peskov, người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết “không ai có bất cứ ảo tưởng gì” về việc có thể thành lập một liên minh chống khủng bố giữa Nga với Mỹ hoặc với các nước phương Tây khác.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận