Hơn 70.000 cảnh sát túc trực trong thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G7 |
Bàn việc trả tiền chuộc con tin cho khủng bố
Đại diện Cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật Bản cho biết: Hiện toàn bộ TP Ise-Shima đang được đặt trong tình trạng báo động an ninh cao nhất, với 70.000 cảnh sát túc trực. An ninh sẽ giám sát chặt chẽ những nơi đông người, các bảng thông báo điện tử tại các nhà ga liên tục cảnh báo hành khách về các rủi ro và khuyến cáo cảnh giác mọi hành động đáng nghi, theo AP.
Một trong những vấn đề quan trọng nhất trong Hội nghị kéo dài hai ngày này là việc G7 kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết trong cuộc chiến chống khủng bố, nhất là Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Trước thềm Hội nghị G7, phiến quân Hồi giáo Abu Sayyaf ở miền Nam Philippines vừa công bố video, trong đó có hình ảnh con tin người Canada Robert Hall và con tin người Na Uy Kjartan Sekkingstad cho biết Abu Sayyaf sẽ hành quyết họ, nếu trước ngày 13/6 chúng không nhận được tiền chuộc. Tổ chức chuyên giám sát các trang mạng Hồi giáo (SITE) có trụ sở tại Mỹ cho biết, Abu Sayyaf đòi 600 triệu peso (12,8 triệu USD) tiền chuộc. Tháng trước, Abu Sayyaf đã hành quyết con tin người Canada John Ridsdel sau khi không nhận được tiền chuộc đúng thời hạn. Hiện, tổ chức này còn được cho là đang giam cầm một số con tin khác người Malaysia, Hà Lan và Philippines.
Do vậy, Anh và Canada dự kiến đưa việc trả tiền chuộc con tin cho các tổ chức khủng bố vào chương trình nghị sự. Hiện cả hai đều chống lại việc này vì cho rằng trả tiền chuộc không khác gì “cấp thêm ngân sách” hoạt động khủng bố và chúng càng tiến hành thêm nhiều vụ bắt cóc. Cả hai nước đều khẳng định cam kết sẽ không trả tiền chuộc, cho dù phải hy sinh tính mạng của công dân mình.
Hiện, các nước phương Tây vẫn chưa đạt được sự thống nhất trong trả tiền chuộc con tin; Vẫn còn một số Chính phủ chấp nhận trả tiền chuộc thông qua các nhóm/tổ chức ủy thác. Hoặc không trực tiếp trả tiền mà hỗ trợ các gia đình nạn nhân trả tiền chuộc cũng là đang là vấn đề gây tranh cãi.
Ba nguyên tắc ứng xử trên biển
Cũng tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 lần này, các nhà lãnh đạo dự định sẽ đưa ra những “phản đối mạnh mẽ” đối với các động thái phi pháp của Trung Quốc trong xây dựng đảo và quân sự hóa các tiền đồn tại biển Đông. Đồng thời, cũng đưa ra phản đối “sự hăm dọa, ép buộc hay sử dụng vũ lực” nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền, đồng thời kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển phù hợp với luật pháp quốc tế, theo Kyodo.
Hôm qua, cũng theo Kyodo cho biết, trong tuyên bố chung sau hội nghị, lãnh đạo G7 sẽ đề cập “ba nguyên tắc” trong việc theo đuổi những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ đối địch trên biển. Các nguyên tắc này từng được Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đề xuất năm 2014, nhằm phản ứng với những động thái leo thang, hành động gây hấn của Trung Quốc trong những yêu sách lãnh thổ gây tranh cãi trên biển Đông: Đưa ra và làm rõ các tuyên bố chủ quyền dựa trên luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực hoặc ép buộc để đạt được những tuyên bố về chủ quyền và tìm cách dàn xếp những tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình.
Tối qua, trước phiên khai mạc, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có cuộc hội đàm song phương với Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Anh David Cameron. Trong số các chủ đề được thảo luận giữa ông Obama và ông Abe có việc ngăn chặn tội ác tại căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản sau vụ một nhân viên làm việc tại căn cứ của Mỹ trên đảo Okinawa bị bắt giữ tuần trước do có liên quan đến việc sát hại một phụ nữ Nhật Bản.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị G7 mở rộng Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ thăm Nhật Bản và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng. Trả lời báo giới quốc tế trước chuyến đi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Việt Nam mong rằng tại Hội nghị lần này, các nước tham dự sẽ có tiếng nói và hành động thiết thực đóng góp tích cực vào củng cố môi trường hòa bình, ổn định và giải quyết các vấn đề chung của toàn cầu và khu vực, nhất là các mục tiêu phát triển bền vững, xây dựng kết cấu hạ tầng, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, chống khủng bố, bảo đảm an ninh lương thực, nguồn nước, hàng hải, hàng không… Lần đầu tiên tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng, Việt Nam sẽ đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào thảo luận những vấn đề nêu trên. Trong chuyến thăm, tôi sẽ cùng với ngài Shinzo Abe trao đổi về những định hướng lớn và các biện pháp cụ thể thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa 2 nước phát triển mạnh mẽ hơn nữa trên các lĩnh vực, trọng tâm là tăng cường sự tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, ODA, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, y tế, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ…”. Q.M Ông Obama Thăm Hiroshima nhưng không xin lỗi ném bom nguyên tử Ngày 27/5, nhân dự Hội nghị thượng đỉnh G7, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ có chuyến thăm lịch sử tới Hiroshima - thành phố bị Mỹ ném quả bom nguyên tử đầu tiên vào ngày 6/8/1945, làm tổng cộng 140.000 người thiệt mạng trong Thế chiến Hai. Nhiều nạn nhân còn sống sót sẽ được mời tham dự buổi lễ đặt vòng hoa tưởng niệm cùng với ông Obama. Hàng nghìn cảnh sát cũng được huy động tới Hiroshima để đảm bảo an ninh. Trước đó, theo AFP, ông Obama nói rằng sẽ không xin lỗi về vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và hãy để cho các sử gia đặt vấn đề và phán xét. Theo ông Obama, các nhà lãnh đạo phải đưa ra mọi kiểu quyết định, trong đó có các quyết định rất khó khăn, đặc biệt trong thời chiến. Ông Obama sẽ là Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên thăm Hiroshima. Về phía Nhật, Đại sứ Nhật Bản tại Mỹ Kenichiro Sasae cho rằng, không nên tập trung quá nhiều vào việc liệu ông Obama có xin lỗi hay không và không muốn điều đó trở thành một vấn đề. Ông Kenichiro Sasae cho rằng, chuyến thăm Hiroshima sẽ là “cơ hội tốt” để Nhật Bản và Mỹ thúc đẩy hợp tác nhằm hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận