Hình ảnh do người dân Thái Lan ở bên kia biên giới với Myanmar chụp được cho thấy, những đám cháy và khói lửa tại một tiền đồn ở Myanmar
Theo hãng tin Reuters, vụ đụng độ xảy ra sáng 27/4, tại biên giới phía Đông của Myanmar giáp với Thái Lan khi lực lượng nổi dậy lâu đời nhất tại Myanmar là Liên đoàn Dân tộc Karen (KNU) tấn công một tiền đồn.
KNU cũng ra tuyên bố nói rõ, nhóm này đã chiếm đóng doanh trại quân đội đóng ở khu vực bờ Tây sông Salween, miền Đông Myanmar, giáp với Thái Lan.
Theo người phụ trách các vấn đề đối ngoại của KNU, ông Saw Taw Lee, trại quân sự này đã bị tấn công và thiêu rụi. KNU vẫn đang kiểm đếm số thương vong.
Người dân Thái Lan ở phía bên kia sông Salween đã nghe thấy tiếng súng nổ từ sáng sớm. Một số video, hình ảnh do người dân địa phương quay lại đăng tải lên mạng xã hội cho thấy khói lửa, cháy nổ ở phía Myanmar.
Một số dân làng Thái Lan có liên lạc với binh sỹ Myanmar cho biết, căn cứ quân sự này đã bị các lực lượng KNU bao vây và cạn kiệt lương thực từ nhiều tuần nay.
Vụ đụng độ nổ ra ngay sau khi chính quyền quân quản của Myanmar thông báo, họ đang “tích cực” cân nhắc đề xuất chấm dứt khủng hoảng tại Myanmar của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN).
Xung đột giữa quân chính phủ và KNU đã tạm lắng gần chục năm sau khi nhóm này chấp nhận một lệnh ngừng bắn với chính phủ Myanmar từ năm 2012, kết thúc thời gian dài nổi dậy đòi tự trị kể từ khi Myanmar giành được độc lập khỏi Anh quốc vào năm 1948.
Nhưng lệnh ngừng bắn đã mất tác dụng kể từ khi quân đội Myanmar đảo chính, bắt giữ lãnh đạo đảng cầm quyền Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD), từ đây, liên tục xảy ra các cuộc xung đột nghiêm trọng, đẫm máu giữa KNU với quân đội Myanmar.
Ở thời điểm cuối tháng 3, KNU đánh chiếm một căn cứ quân sự tại bang Kayin khiến 10 binh sĩ thuộc quân đội thiệt mạng. Sau đó quân đội Myanmar tiến hành không kích, thậm chí có thông tin nói rằng họ còn triển khai cả bộ binh, đối đầu với KNU.
Nhóm vũ trang KNU lên án chính quyền quân quản Myanmar sử dụng vũ lực quá mức khiến nhiều người thiệt mạng.
Cũng theo tổ chức này, hơn 24.000 thường dân đã phải sơ tán, làm bùng lên cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn. Đã có không ít người chạy sang biên giới Thái Lan nhưng sau đó phần lớn quay về, ẩn náu trong rừng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận