Lính Mỹ và Hàn Quốc trong một cuộc tập trận đổ bộ chiếm đảo |
Vấn đề căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên không ngừng leo thang khi Bình Nhưỡng liên tiếp thử hạt nhân, tên lửa đạn đạo bất chấp các lệnh trừng phạt từ quốc tế. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump từng có lần nhắc tới lựa chọn quân sự để kiềm chế Triều Tiên.
Mỹ huy động lực lượng đồn trú tại Châu Á như thế nào?
Đặt giả thuyết xảy ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, trang Military Times của quân đội Mỹ đã vạch ra bức tranh toàn cảnh về cuộc chiến (dù không ai mong muốn) dựa trên nhận định và chia sẻ của các quan chức quân đội đương chức hoặc đã về hưu cũng như giới chuyên gia quốc tế, đánh giá tình báo về khả năng quân sự của Triều Tiên.
Về thời gian kéo dài cuộc chiến, Thiếu tướng Quân đội Mỹ về hưu Mark Hertling cho rằng: “Bất cứ ai cho rằng cuộc chiến sẽ kết thúc trong vòng 30 ngày là hoàn toàn sai lầm”. Đồng thời, theo ông, có thể có tới hàng nghìn, chục nghìn, thậm chí có người nhận định tới hơn 100.000 dân thường thương vong vì xung đột”.
Vậy, những động thái nào sẽ tiếp diễn nếu có một khẩu pháo chĩa qua vĩ tuyến 38 phân cách Hàn Quốc - Triều Tiên, chấm dứt lệnh ngừng bắn kéo dài suốt 64 năm nay trên bán đảo Triều Tiên và nổ ra chiến tranh? Theo Military Times, các lực lượng Mỹ và Hàn Quốc sẽ phản ứng ngay lập tức. Lực lượng tham chiến trực tiếp là: Không quân, Hải quân, Thủy quân lục chiến. Lực lượng “mũi giáo” sẽ là Sư đoàn Bộ binh số 2 - đơn vị kết hợp giữa quân đội Hàn Quốc và Mỹ, cùng với Lữ đoàn Không quân chiến đấu, Lữ đoàn Pháo binh dã chiến và các Tiểu đoàn Phòng hóa…
Liên quân Mỹ - Hàn sẽ sử dụng sức mạnh trên không, hệ thống chống pháo binh, phòng không tinh vi, tấn công các vị trí quân sự chủ chốt của Triều Tiên. Hiện, có khoảng 30.000 lính Mỹ tại Hàn Quốc và quân đội Hàn Quốc sẽ điều động thêm hơn 650.000 quân cùng 3 triệu quân dự bị khác.
Ngay trong vài giờ đầu nổ ra cuộc chiến, giới chức Mỹ sẽ gửi cảnh báo tới Thủy quân lục chiến đang đóng tại căn cứ Okinawa (Nhật Bản) để bắt đầu chuẩn bị các khu trục hạm mang tên lửa hành trình, hướng tới chiến trường. Trong khi đó, tại Mỹ, quân đội sẽ báo động Sư đoàn đổ bộ đường không 82 thuộc Lực lượng Ứng phó toàn cầu của Mỹ, luôn ở tư thế sẵn sàng triển khai đội hình chiến đấu chỉ trong vài giờ nếu cần.
Về phía Triều Tiên, nhiều thông tin cho rằng, họ đã đào nhiều đường hầm dưới Khu vực phi quân sự giữa hai nước cho phép lực lượng quân sự có thể nhanh chóng triển khai ngầm bên dưới - hai nhà phân tích Joost Oliemans và Stijn Mitzer đến từ Hà Lan, chuyên nghiên cứu về quân đội Triều Tiên cho biết. Theo họ: “Căn hầm đầu tiên được cho là do Triều Tiên đào và đã bị Hàn Quốc phát hiện, có đủ khả năng cho phép triển khai khoảng 20.000 binh lính/giờ”.
Một thách thức quan trọng đó là lần xuất pháo của Triều Tiên. Họ có thể đào sâu trong núi để ẩn giấu pháo binh bên trong. Đồng thời, thiết kế đường ray cho phép trượt vũ khí ra khỏi nơi ẩn náu và tấn công, rồi lại kéo về sâu trong lòng núi chỉ trong vài phút.
Thực tế, địa hình núi non trùng điệp và thung lũng sâu tại đây là thách thức không nhỏ khi chiến đấu trên bộ. Cựu Thiếu tướng Hertling nhớ lại chuyến thăm ông thực hiện cách đây vài chục năm trên bán đảo Triều Tiên, dùng trực thăng di chuyển tới các địa điểm khác nhau, lần đầu tiên quan sát địa hình phía bên dưới. Lúc đó, ông phải thốt lên: “Trời ơi, quá khó!”.
Song, theo Đại tá thuộc Lực lượng Đặc nhiệm quân đội Mỹ đã nghỉ hưu, David Maxwell hiện đang Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu an ninh tại Đại học Georgetown, các trang thiết bị quân sự trên không sẽ tạo thuận lợi cho lực lượng liên minh của Mỹ đối phó với thách thức địa hình trên.
Chiến lược của Triều Tiên
Đại tá Maxwell nhận định rằng, mục tiêu của Triều Tiên sẽ là chiếm càng nhiều đất trên bán đảo càng tốt, trước khi Mỹ gửi quân tiếp viện tới. “Thay vì cố chiếm Thủ đô Seoul của Hàn Quốc, các lực lượng Triều Tiên gần như sẽ tìm cách để cô lập, đi vòng qua thành phố này và nhắm tới các căn cứ không quân của Mỹ và Hàn Quốc trong ngày đầu tiên xung trận”, ông Maxwell nói.
“Về phía Mỹ và Hàn Quốc, họ có thể dựa vào căn cứ không quân tại Nhật để tiếp tục chiến đấu. Các tàu Hải quân Mỹ đang neo đậu tại Nhật Bản, bao gồm nhiều tàu khu trục, tàu tuần dương được trang bị radar tinh vi và đủ khả năng bắn hạ tên lửa đạn đạo trong trường hợp Bình Nhưỡng sử dụng vũ khí này để tấn công các lực lượng Mỹ cũng như các nước đồng minh trong khu vực”, Tướng Không quân đã nghỉ hưu Herbert Carlisle nói.
Nếu các lực lượng Triều Tiên giành thắng lợi trên mặt đất, cuộc chiến sẽ diễn biến theo hướng tấn công đổ bộ mà lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ chưa bao giờ thực hiện trong thời chiến kể từ cuộc chiến gần đây nhất trên chính bán đảo Triều Tiên. Nếu vậy, chiến tranh có thể kéo dài và sức sẵn sàng của quân đội Mỹ trên toàn thế giới sẽ bắt đầu suy giảm.
Tất cả tàu sân bay sẵn có của Mỹ gần như đều trở thành trung tâm của cuộc chiến vì tên lửa Triều Tiên có thể bắn tới các tàu sân bay của Washington đang đồn trú tại khu vực này - Dan Goure, nhà phân tích đến từ Viện Nghiên cứu Lexington, bang Virginia, Mỹ nhận định.
Để chấm dứt làn sóng tấn công từ Triều Tiên, Mỹ có thể phải huy động Thủy quân lục chiến đang đóng tại căn cứ Okinawa cùng 30.000 binh lính Hải quân Hàn Quốc, thực hiện cuộc tấn công đổ bộ vào bờ biển phía Tây và phía Đông của Hàn Quốc - ông Maxwell nói và cho rằng: “Phần lớn cuộc chiến sẽ do đồng minh Hàn Quốc thực hiện”.
Để thực hiện một chiến dịch tấn công đổ bộ thành công, cần từ 10.000 - 17.000 binh lính Hải quân, trong đó, 4.000 - 5.000 lính sẽ lên bờ chiến đấu - Đại tá Hải quân David Fuquea, Giáo sư tại Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ chia sẻ. Cũng theo ông Fuquea, để vận chuyển được chừng đó quân, cần ít nhất 20 trong tổng số 31 tàu đổ bộ của Hải quân Mỹ và phải mất khoảng vài tuần để có thể tập hợp, di chuyển từ Mỹ tới địa điểm tấn công.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận