Vận tải

Kịch bản tổ chức vận tải sau giãn cách

20/09/2021, 06:17

Khi nhiều địa phương dần nới lỏng giãn cách, việc xây dựng kịch bản hoạt động vận tải để áp dụng trên cả nước đang được tiến hành khẩn trương.

Kịch bản này sẽ giúp đưa vận tải hoạt động trở lại một cách an toàn nhất, đảm bảo ở cấp độ dịch thế nào cũng sẽ có các biện pháp tương ứng, phù hợp.

img

Doanh nghiệp vận tải mong muốn có chủ trương thống nhất, đồng bộ về cách kiểm soát dịch giữa các địa phương. Trong ảnh: Xe khách liên tỉnh trong bến xe Mỹ Đình, Hà Nội chờ ngày hoạt động trở lại (Chụp chiều 19/9). Ảnh: Tạ Hải

Doanh nghiệp lo mỗi nơi kiểm dịch một kiểu

Là doanh nghiệp có hơn 300 lái xe đã nghỉ việc sau thời gian dài giãn cách xã hội, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Vận tải thương mại và Dịch vụ Đất Cảng (Hải Phòng) chia sẻ, hiện đơn vị chỉ còn lại 100 lái xe, hàng trăm lái xe đã xin nghỉ việc.

Hầu hết doanh nghiệp vận tải khách tuyến cố định cũng rơi vào tình trạng tương tự khi lái xe nghỉ việc hàng loạt, tìm việc khác để mưu sinh do vận tải nghỉ quá lâu.

“Khi hoạt động lại, chúng tôi phải làm lại từ đầu, tuyển mới gần như toàn bộ lái xe. Tuy nhiên nếu nới lỏng giãn cách mà mỗi địa phương lại có cách kiểm soát dịch khác nhau, vận tải khách sẽ không thể vận hành được.

Chẳng hạn Hà Nội nới lỏng nhưng Hải Phòng không cho người từ tỉnh khác vào, hoặc bắt buộc các điều kiện kiểm soát dịch khắt khe thì cũng không khách nào dám đi”, ông Hải nói.

Cũng theo ông Hải, vận tải hành khách có số lượng người trên xe lớn nên các địa phương phải thống nhất biện pháp phòng, chống dịch, quy định rõ các đối tượng được phép đi lại.

Chẳng hạn, người đã tiêm 2 mũi vaccine có “thẻ xanh” có thể cho phép đi lại bình thường.

Cùng quan điểm, ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Công ty TNHH X.E Việt Nam cho hay, doanh nghiệp có 180 lái xe, nhưng 1/3 trong số này đã nghỉ việc.

Nhân lực và phương tiện doanh nghiệp có thể lo được nhưng quan trọng nhất là điều kiện được phép hoạt động trở lại chưa rõ ràng.

Đối với tài xế phải tiêm vaccine hay chỉ cần giấy xét nghiệm; tỷ lệ cho phép vận chuyển khách là bao nhiêu… là những nội dung cần có hướng dẫn cụ thể.

“Cần có chủ trương thống nhất, đồng bộ về cách kiểm soát dịch giữa các địa phương. Nhiều địa phương áp dụng biện pháp kiểm soát dịch tiêu cực khiến ùn tắc vận tải hàng hóa.

Vận tải hành khách phức tạp hơn rất nhiều, nếu không thống nhất, dù có nới lỏng giãn cách, doanh nghiệp cũng khó hoạt động được”, ông Nam nói.

Ông Nguyễn Công Hùng, Giám đốc Taxi Mai Linh vùng I cho hay, doanh nghiệp đã xây dựng chiến lược, bố trí nhân lực phù hợp khi chính thức chuyển dần trạng thái giãn cách xã hội từ Chỉ thị 16 xuống Chỉ thị 15.

“Hà Nội đã tiêm vaccine mũi 1 cho hơn 80% dân số. Tương tự, Bình Dương, Đà Nẵng, khi nới lỏng giãn cách, Hà Nội cũng đang áp dụng mã QR Code để kiểm soát người và phương tiện vận tải.

Tuy nhiên, cần thông thoáng thủ tục hành chính, sử dụng giải pháp công nghệ để kiểm soát lái xe như kiểm soát lái xe qua mã QR Code”, ông Hùng nói.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, trường hợp người lái xe đã tiêm 2 mũi vaccine nhưng vẫn yêu cầu phải có giấy xét nghiệm, cần nghiên cứu tăng thời hạn của giấy xét nghiệm.

Bên cạnh đó, từng bước thiết lập hệ thống công nghệ kiểm soát trên đường để giảm lực lượng kiểm soát thủ công, tránh gấy ùn tắc.

Nói về cách kiểm soát tại các điểm dừng đỗ, ông Phạm Thái Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển công nghệ Điện tử Bình Anh cho biết, phần mềm giám sát hành trình so sánh nếu tọa độ dừng đỗ không đúng các địa điểm đã được quy định thì trích xuất ra vi phạm.

“Nếu xe mất tín hiệu nhưng xe lại đi qua trạm thu phí, hệ thống giám sát hành trình sẽ báo cáo vi phạm để Sở GTVT xử lý. Để làm được điều này, hệ thống máy chủ của trạm thu phí và máy chủ giám sát hành trình phải liên thông dữ liệu với nhau”, ông Hòa nói.

Kịch bản mở lại vận tải thế nào?

Liên quan đến việc tổ chức vận tải tới đây, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho hay, đối với địa phương thực hiện Chỉ thị 15, tạm dừng hoặc tổ chức lại giao thông công cộng để hạn chế đi lại từ vùng có dịch đến các địa phương khác.

Tùy theo loại hình vận tải, địa phương cho phép mở lại hoạt động vận chuyển hành khách công cộng với chuyến xe, số lượng xe không vượt quá 30% so với bình thường và bắt buộc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Đối với vùng thực hiện Chỉ thị 19, bà Hiền cho biết, sẽ tổ chức lại giao thông công cộng. Tùy theo loại hình vận tải, địa phương cho phép mở lại hoạt động vận chuyển hành khách công cộng với chuyến xe, số lượng xe không vượt quá 50% so với bình thường, bắt buộc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Với trạng thái bình thường mới, cho phép hoạt động vận tải hành khách công cộng trở lại trạng thái hoạt động bình thường, khuyến khích lái xe, hành khách áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch.

“Việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa các địa phương thực hiện Chỉ thị 15, Chỉ thị 19 sẽ theo hướng tập trung thực hiện tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch để tránh đứt gãy chuỗi sản xuất ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, nhu cầu thiết yếu của người dân.

Hoạt động vận chuyển hàng hóa bình thường, khuyến khích lái xe, người xếp dỡ trên xe áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế”, bà Hiền cho biết.

Ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết thêm, hiện Bộ GTVT đang chỉ đạo Tổng cục, các Cục chuyên ngành xây dựng kịch bản vận tải khi các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội.

Kịch bản vận tải sẽ có tính kết nối giữa các phương thức và có những nguyên tắc nhất định, đảm bảo việc đi lại, chống ùn tắc, thuận lợi cho người dân, theo quy định phòng, chống dịch của địa phương.

Theo ông Thủy, đối với vận tải hàng hóa có thể xây dựng kịch bản cho từng lĩnh vực, nhưng đối với vận tải hành khách mỗi lĩnh vực có đặc thù vận chuyển riêng. Khi hành khách xuống máy bay, tàu hỏa phải có phương án đường bộ kết nối cụ thể.

“Ví dụ Hà Nội thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 nhưng các địa phương khác không áp dụng và ngược lại cũng sẽ được tính toán cụ thể để trung chuyển hành khách. Các tình huống đều có phương án lưu thông cụ thể từ vùng áp dụng Chỉ thị 16 sang Chỉ thị 15, Chỉ thị 19 và ngược lại đều được đặt ra và có phương án phù hợp, đảm bảo hành khách được lưu thông thuận lợi vừa đảm bảo chống dịch”, ông Thủy nói.

Xử nghiêm xe lợi dụng “luồng xanh” để vi phạm

Để đảm bảo lưu thông hàng hóa, cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp tháo gỡ, trong đó, cấp mã QR Code “luồng xanh” vận tải cho doanh nghiệp, lái xe. Tuy nhiên, thời gian qua, một số đối tượng đã lợi dụng vận chuyển hàng, người trái phép.

Ông Đỗ Công Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ VN) cho hay, tài xế chở hàng lậu sẽ xử lý theo quy định về vận chuyển hàng lậu. Trường hợp chở người trái phép là vi phạm về phòng, chống dịch và được xử lý theo các quy định về phòng chống dịch.

Luật sư Đặng Văn Cường, văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, doanh nghiệp, lái xe vi phạm vận chuyển hàng, người trái phép không vi phạm về kinh doanh vận tải mà vi phạm về phòng, chống dịch bệnh.

Hiện đã có chế tài xử lý tước giấy nhận diện “luồng xanh” vận tải và doanh nghiệp không được tiếp tục thực hiện vận chuyển hàng hóa. Bên cạnh đó, xử phạt 20 - 40 triệu đồng tùy thuộc vào hành vi theo Nghị định 117 của Chính phủ. Trong trường hợp làm lây lan dịch bệnh có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Luật sư Cường cho rằng, khó đưa vi phạm phòng, chống dịch vào quy định điều kiện kinh doanh vận tải để xử lý vì quy định phòng, chống dịch thường ngắn hạn thể hiện ở các chỉ thị, công văn, còn quy định điều kiện kinh doanh vận tải có tính chất ổn định, dài hạn ở các Nghị định. Hành vi vi phạm nào thì xử lý theo quy định của vi phạm đó, nếu chạy sai luồng tuyến, đón trả khách không đúng quy định thì xử lý theo chế tài Nghị định 100/2019.

“Về lâu dài, biện pháp tối ưu nhất là tuyên truyền, giáo dục để tài xế nhận thức và chấp hành đúng quy định pháp luật. Bên cạnh đó tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm”, luật sư Cường nói.

Trần Duy

Hàng không, đường sắt lên kế hoạch thế nào?

Kế hoạch thiết lập “hành lang xanh” do Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) phát động nhận được sự đồng tình của các DN kinh doanh vận tải hàng không.

Theo đó, ACV mong muốn xây dựng một “hành lang xanh” cấu thành từ “con người xanh” (nhân viên hàng không, hành khách), “phương tiện, hạ tầng xanh” (sân bay, máy bay và các phương tiện chuyên chở hành khách) và “quy trình xanh” (giảm thiểu tối đa hạn chế tiếp xúc, tuân thủ quy trình phòng dịch).

“Dự kiến đầu tuần này, việc xây dựng “hành lang xanh” sẽ hoàn tất. Đây sẽ là cơ sở cụ thể để đề xuất xem xét khôi phục khai thác nội địa trên toàn mạng và từng bước mở các chuyến bay quốc tế”, lãnh đạo ACV thông tin.

Trước đó, Cục Hàng không VN đã trình Bộ GTVT kế hoạch tái khởi động đường bay nội địa, được chia làm 3 giai đoạn. Điều kiện để khách được bay là phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ.

Đối với lĩnh vực đường thủy nội địa, ông Lê Minh Đạo, Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, đã hoàn thành dự thảo quy định tạm thời về tổ chức giao thông, khôi phục vận tải hàng hóa, hành khách bằng đường thủy để thực hiện ngay sau khi cảng, bến thủy ở hai đầu tuyến được địa phương cho phép hoạt động trở lại.

Đối với lĩnh vực vận tải hành khách đường sắt, ông Phan Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, ngành Đường sắt chưa có kế hoạch cụ thể chạy tàu lại trên các tuyến. Tàu chạy qua và đón, trả khách tại nhiều ga, nhưng nhiều địa phương vẫn quy định quá chặt chẽ về phòng dịch nên nếu có tổ chức chạy tàu lại sẽ rất ít khách đi, không hiệu quả.

“Ngành Đường sắt đã chuẩn bị sẵn sàng để tổ chức chạy lại tàu khách. Phương tiện, đầu máy, toa xe đã được chỉnh bị. Nhân viên phục vụ trên tàu được tiêm vaccine đầy đủ. Biểu đồ chạy tàu cũng đã lập sẵn”, ông Quốc Anh nói.

T. Bình - H. Lộc - T. Thúy

img

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.