Giảm giá hàng chục nghìn mặt hàng
Theo đại diện chuỗi siêu thị VinMart/VinMart+ cho biết, đơn vị sẽ tổ chức các chương trình khuyến mãi trên nhiều ngành hàng. Đặc biệt, dịp Tết Nguyên đán 2022 trùng với thời điểm thay đổi tên thương hiệu của VinMart và VinMart+ (chuyển thành WinMart và WinMart+) nên các chương trình ưu đãi sẽ có quy mô lớn và nhiều hơn so với mọi năm.
Các chương trình khuyến mãi của chuỗi siêu thị này dự kiến sẽ thực hiện 2 kỳ/tháng, mỗi kỳ kéo dài 15 ngày để thu hút người tiêu dùng mua sắm và được triển khai toàn quốc.
Người tiêu dùng mong muốn được giảm giá mặt hàng thiết yếu
Tương tự, đại diện Saigon Co.op cũng cho biết, hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food sẽ áp dụng chương trình khuyến mãi, kích cầu, giảm giá tới 53% đang được áp dụng cho cho trên 5.000 sản phẩm, chủ yếu đồ dùng gia đình, thực phẩm, kéo dài từ ngày 24/11 đến ngày 31/12/2021.
“Mùa mua sắm Tết Nguyên đán năm nay dự báo người tiêu dùng sẽ rất khó khăn bởi ảnh hưởng của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, khiến nhiều doanh nghiệp bị gián đoạn sản xuất, thu nhập của người lao động bị giảm sút. Saigon Co.op sẽ tiếp tục triển khai chương trình khuyến mãi kéo dài trong 8 tuần, giảm giá cho hàng chục nghìn sản phẩm, bao gồm thực phẩm, hàng tiêu dùng…
Từ nay đến cuối năm, Co.opmart Hà Nội sẽ áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá nhiều mặt hàng để người dân yên tâm mua sắm", bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Co.opmart Hà Nội, thông tin.
Sở Công thương Hà Nội cũng cho biết, trong hai tháng cao điểm dịp cuối năm, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện hấp dẫn, ưu đãi khuyến mại lên tới 100% tại trên 30 trung tâm mua sắm tập trung và khoảng gần 2.000 điểm bán hàng khuyến mãi của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
Giảm giá phải thiết thực
Người tiêu dùng bày tỏ quan điểm, khuyến mãi phải thực chất, nhất là trong bối cảnh này, cần nhà nước có chương trình thiết thực.
Chị Huyền Dịu (Long Biên, Hà Nội) mong muốn, đây là chương trình quốc gia để hỗ trợ người dân. “Các siêu thị giảm giá đối với những mặt hàng tươi mới, chứ không đơn thuần áp dụng đối với hàng cũ, cận date hoặc các mặt hàng không nhiều thiết thực, khó bán”.
Chị Lê Na (Nghĩa Tân, Cầu Giấy) thì cho rằng, cần được bình ổn giá các mặt hàng thiếu yếu như thịt, trứng, sữa, rau xanh...khi hiện tại giá các mặt hàng này đã quá cao. Chưa kể, dự báo mặt hàng này sẽ tăng giá mạnh dịp Tết do giá xăng lên cao.
"Một năm nhiều mất mát, kinh tế suy giảm, siêu thị nên chia sẻ khó khăn với người dân bằng việc giảm giá", một chuyên gia ngành hàng bán lẻ nói và cho rằng, nguồn lực có thể từ doanh nghiệp hoặc từ chương trình của nhà nước thông qua các đề án kích cầu tiêu dùng cuối năm gói hỗ trợ Covid-19...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận