Quản lý

Kiểm soát quyền lực là yêu cầu cấp thiết

07/09/2017, 14:24

Đây là khẳng định của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TƯ Mai Trực tại buổi toạ đàm với BCS đảng Bộ GTVT.

20170907_081415

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Mai Trực phát biểu tại buổi toạ đàm về kiểm soát quyền lực với Ban cán sự Bộ GTVT

Sáng nay (7/9), Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Mai Trực dẫn đầu Tổ khảo sát của Uỷ ban Kiểm tra trung ương toạ đàm về kiểm soát quyền lực với Ban cán sự Đảng Bộ GTVT. 

Khẳng định nhà nước ta có đặc thù riêng là đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, không có sự phân chia quyền lực, song theo ông Mai Trực, Đảng, Nhà nước cũng có nhiều giải pháp để kiểm soát quyền lực. Tuy nhiên, việc lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực để trục lợi vẫn thường diễn ra ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Vì vậy, Đại hội XII đã đặt ra yêu cầu rất cao về kiểm soát quyền lực. “Khi trả lời báo chí sau Đại hội XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, không còn cách nào khác là phải kiểm soát quyền lực.

Cũng theo Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Mai Trực, trước khi toạ đàm với Ban cán sự Đảng bộ GTVT, Tổ khảo sát đã làm việc với nhiều Bộ, ngành địa phương khác để tổng hợp thông tin phục vụ cho việc nghiên cứu, tham mưu đề xuất Trung ương Đảng có những chủ trương, giải pháp đúng đắn, kịp thời và hiệu quả về kiểm soát quyền lực trong toàn hệ thống chính trị.

Ông Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương cũng gợi ý một số vấn đề cần tập trung thảo luận, liên quan đến việc quyền lực là gì? Cần kiểm soát quyền lực như thế nào? Ai là người kiểm soát được quyền lực? Cơ chế, chế tài nào để kiểm soát quyền lực? Nguyên nhân dẫn đến sự lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực để trục lợi cá nhân, phe nhóm? Nguyên nhân nào dẫn đến việc chưa thật sự kiểm soát được quyền lực hiện nay? Muốn kiểm soát được quyền lực cần giải pháp đột phá gì?…

Tại buổi toạ đàm, đại diện các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ GTVT đã trao đổi thẳng thắn, khách quan, khoa học về khái niệm kiểm soát quyền lực, thực trạng và nguyên nhân của việc lộng quyền, lạm quyền, lợi ích nhóm, những bất cập trong cơ chế quản lý và kiểm soát quyền lực hiện nay, phản ánh một số vấn đề còn bất cập từ thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo tại đơn vị và đề xuất một số giải pháp mang tính đột phá để thực hiện có hiệu quả việc kiểm soát quyền lực.

Đề xuất các giải pháp, Phó Bí thư Ban cán sự, Bí thư Đảng bộ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, giải pháp đầu tiên, quan trọng nhất là phải sắp xếp lại hệ thống kiểm soát quyền lực. Khi đánh giá nguyên nhân dẫn đến lạm quyền, tất cả đều xuất phát từ khâu tổ chức cán bộ nên giải pháp đột phá cũng phải xuất phát từ khâu quan trọng này.

Cũng theo Thứ trưởng Đông, việc kiểm soát quyền lực cần làm từ trên xuống. “Phương thức lãnh đạo của Bác Hồ là nêu gương. Nếu "tướng" nghiêm thì "quân" không không thể không nghiêm”, Thứ trưởng nói và cho rằng, không nên để quyền lực tập trung quá nhiều trong một cơ quan. Quyền lực càng nhiều, càng khó kiểm soát.

Kết luận buổi toạ đàm, Phó Chủ nhiệm Mai Trực khẳng định, kiểm soát quyền lực là đề tài rất lớn và rất khó. “Quan trọng nhất là con người. Kiểm soát ở đây là kiểm soát con người, trong đó người đứng đầu rất quan trọng, chi phối tất cả. Người đứng đầu khi tha hoá sẽ dựa vào tập thể, biến tập thể làm bình phong để đưa ra quyết định cá nhân”, ông Trực nói và cho rằng, mục tiêu tới đây là phải có giải pháp để cán bộ “không thể, không dám lạm quyền”.

“Muốn không thể lạm quyền, phải xây dựng được hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách đồng bộ, không có kẽ hở. Muốn cán bộ không dám lạm quyền, phải xử lý cực kỳ nghiêm khắc cả về chính trị, kinh tế”, ông Trực chỉ rõ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.