Dân mất nước, sông Đà thừa 80.000m3/ngày đêm
Theo báo cáo của Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục, mùa hè năm 2014 được dự báo nắng nóng hơn trung bình nhiều năm, nhu cầu nước sạch dự kiến tăng thêm 7 - 10% so với năm 2013 (tổng lượng nước cấp cho TP xấp xỉ 900.000m3/ngày đêm). Việc cấp nước sạch sẽ khó khăn nếu tiếp tục xảy ra sự cố tại đường ống cấp nước Sông Đà. Không chỉ một số khu vực ở quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, TP còn có một số “điểm đen” mất nước khác như Thụy Khuê, ngoài đê phường Chương Dương, Phúc Tân, Đê La Thành…
Nước thất thoát bằng sản lượng nước của nhà máy Sông Đà
|
Tuy nhiên, đáng chú ý là trong khi người dân nhiều khu vực khốn đốn vì thiếu nước thì nhà máy nước Sông Đà vẫn còn dư 80.000m3/ngày đêm, do tuyến ống cấp nước hiện tại đường kính nhỏ, lại thường xuyên vỡ. Để khắc phục tình trạng này, Sở Xây dựng sẽ thực hiện một số biện pháp như: Chủ động liên kết, phối hợp giữa các công ty cấp nước để điều hòa, điều tiết nước khi có sự cố; Xây dựng gần 30km tuyến ống truyền dẫn từ Vành đai 3 đến nút giao Hòa Lạc, tăng cường 80.000m3/ngày đêm cho TP, dự kiến mức đầu tư khoảng 1.184 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư tuyến này cùng một số dự án đầu tư cấp nước sạch khác hiện đang khó khăn.
Đồng tình với kế hoạch đầu tư đường ống dẫn nước mới, song Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng lưu ý khâu chọn vật liệu để không lặp lại sự cố liên tiếp như của Viwasupco vừa qua. “Các nước thường dùng thép hoặc gang dẻo chứ không phải sợi thủy tinh như của ta”. Bộ trưởng cho rằng, phải tiếp tục đầu tư bằng cách xã hội hóa mọi nguồn lực kết hợp với lộ trình tăng giá nước hợp lý để đảm bảo kinh doanh hiệu quả mà người dân vẫn được mua nước giá phù hợp, nhất là phải ưu tiên người nghèo. Đồng thời, phải tiếp tục cải tạo, nâng cấp mạng lưới cấp nước hiện nay nhằm đảm bảo cung cấp đủ phụ tải đáp ứng từ đầu nguồn đến các điểm tiêu thụ. Kèm đó là phải chống thất thoát nước.
Không đảm bảo được là không còn vỡ…
Với tình trạng mất nước tại nhiều khu vực liên quan đến Viwasupco, Bộ trưởng cũng hỏi thẳng: “Các đồng chí cho biết luôn, liệu đường ống dẫn nước sạch từ Sông Đà về Hà Nội còn vỡ nữa không? Có cho được áp lực đúng thiết kế hay không?”. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Viwasupco Nguyễn Văn Tốn lại “đi vòng” khi cho biết: Ngay sau khi xảy ra sự cố, công ty đã thành lập ban chỉ đạo xử lý sự cố, đội phản ứng nhanh trực 24/24h để đảm bảo nếu xảy ra sự cố có thể xử lý trong thời gian sớm nhất. Cũng theo ông Tốn, áp lực nước theo thiết kế cung cấp 100.000m3/ngày đêm cho dọc tuyến Láng - Hòa Lạc và 200.000m3/ngày đêm cho khu vực nội thành. “Tuy nhiên, tuyến tự chảy nên khi áp lực tăng, cuối tuyến sẽ bị giảm”, ông Tốn bỏ lửng câu trả lời.
Bộ trưởng nhận định, đường ống dẫn nước từ Sông Đà - Hòa Bình về Hà Nội dài, song yếu, do kết cấu vật liệu là ống sợi thủy tinh, do vậy thường xuyên xảy ra sự cố. “Bởi vậy, việc kiểm soát sự cố là ngoài tầm tay. Do đó, các đồng chí phải khắc phục bằng cách xử lý nhanh sự cố”, Bộ trưởng nói và yêu cầu, Viwasupco phải kiểm tra, xử lý từng “điểm đen”, những khu vực áp lực nước yếu, thực hiện mọi biện pháp để không hộ dân nào không có nước sinh hoạt.
“Thiếu nước không chỉ gây bất tiện trong sinh hoạt, mà còn ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, dịch bệnh, nhất là trong thời tiết nắng nóng như những ngày qua. Tình trạng này phải được khắc phục ngay, bằng mọi cách. Về lâu dài, phải đảm bảo cấp nước ổn định, an toàn và liên tục cho người dân”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thảo Nguyên
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận