Món ăn gây "sốt" tại Mỹ
Sáng sớm, chị Nguyễn Thị Bích Phương (quê Quảng Trị, hiện ở ngõ 18 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội) dậy sớm chuẩn bị bữa sáng cho gia đình. Đồ ăn của gia đình chị không phải mì tôm, cháo thịt băm hay phở bò mà là cháo bột cá lóc (bánh canh cá lóc) Cà Mèn - đặc sản quê hương Quảng Trị được chị đặt mua online.
Bóc túi bột như gói mì tôm, chị Phương lấy ra từng gói nhỏ gồm: sợi bột gạo, cá lóc nguyên miếng, sa tế, nước sốt, hành lá sấy khô. Trong tiết trời se lạnh, nồi cháo bột bốc khói nghi ngút, cay xè.
Chị Phương chia sẻ đã hơn 4 năm chưa về Quảng Trị, cũng là từng ấy thời gian chị không được thưởng thức món cháo bột mẹ nấu. Vì thế, khi thấy quảng cáo cháo bột cá lóc Cà Mèn, chị đã đặt mua.
"Không biết có phải do quá nhớ nhà hay không nhưng ăn Cà Mèn tôi cảm nhận vị ngon của sợi bột gạo quê, mùi thơm nồng của ruốc biển, của củ ném và vị cay nồng của tiêu, ớt. Đặc biệt nhất là cá lóc nguyên miếng tươi, tẩm ướp đậm đà", chị Phương nói.
Anh Nguyễn Đức Nhật Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Cà Mèn kể: "Có hôm 1h sáng, tôi nhận được điện thoại gọi về từ Mỹ của cụ bà khoảng 80 tuổi. Bà khóc vì nhớ nhà, nhớ quê, nhớ mẹ khi nấu cháo bột cá lóc Cà Mèn. Đó là món ăn người phụ nữ này được mẹ nấu mấy chục năm trước".
Tháng 6/2023 đánh dấu bước ngoặt mới của sản phẩm cháo bột cá lóc đóng gói Cà Mèn khi trở thành món đặc sản đầu tiên của tỉnh Quảng Trị được xuất khẩu chính ngạch sang Mỹ.
Bà Nguyễn Thị Kim Huyền, Chủ tịch kiêm nhà sáng lập Công ty Cổ phần quốc tế LNS (LNS International Corporation, đối tác vừa ký hợp đồng 5 triệu USD với Cà Mèn) cho biết, nhu cầu tiêu dùng đặc sản của người Việt tại Mỹ rất cao. Họ không ngại chi tiền để mua những món ăn quê hương. Đầu năm nay, món cháo bột cá lóc của Cà Mèn đột nhiên "hot" tại thị trường Mỹ, nhất là ở Houston. Chính vì vậy LNS International Corporation đã tìm hiểu và đi đến hợp tác với Cà Mèn nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu khách hàng Việt tại Mỹ.
"Tôi tìm hiểu và thật bất ngờ sợi bột gạo, miếng cá lóc, nước sốt, tất cả đều đem lại cho tôi cảm giác đang thưởng thức một món ăn được chế biến trực tiếp không giống như sản phẩm đóng gói", bà Kim Huyền chia sẻ.
Khởi nghiệp từ quán ăn trong ngõ nhỏ
Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, anh Thuận kể, năm 2009 anh vào TP.HCM học đại học. Anh dễ dàng tìm thấy quán bún bò Huế, phở Hà Nội, cháo lươn Nghệ An nhưng tuyệt nhiên không có món ăn Quảng Trị. Từ đó, anh ước mơ một ngày mang ẩm thực Quảng Trị vào TP.HCM.
Sau khi ra trường, anh được nhận vào một công ty logistics với mức lương 20 triệu đồng. Thu nhập hàng tháng không phải nhỏ nhưng ước mơ từ thời đại học luôn thôi thúc anh phải làm một điều gì đó. Vì vậy, năm 2015, anh quyết định nghỉ việc để theo đuổi ước mơ.
Bước chân đầu tiên trong hành trình lập nghiệp là quán ăn nằm sâu trong con hẻm nhỏ ở quận Tân Phú. Gọi là quán nhưng nơi đây chỉ có vài bộ bàn ghế nhựa. May mắn là ngày nào khách cũng đến tấp nập. Tiếng lành đồn xa, 3 năm sau đó, anh đã mở 3 cửa hàng ở TP.HCM.
Thời điểm đó, anh phải nhờ bố mẹ gửi nguyên liệu từ quê nhằm giữ được hương vị ngon và chuẩn Quảng Trị nhất. Từ bó rau thơm, từ trái ớt chín đến bánh ướt, thịt heo cũng đều đưa vào bằng máy bay. Còn tại TP.HCM, một mình anh đảm nhận nhiều việc như thu ngân, kế toán rồi bồi bàn và cả shipper.
Anh nhận mình yếu về quản trị nên Tết 2018, sau khi trả lương nhân viên, vợ chồng anh chỉ còn 500.000 đồng trong túi. Hai vợ chồng ôm nhau khóc, cả Tết tắt điện thoại để rút kinh nghiệm, xốc lại tinh thần. Cuối cùng anh quyết định tập trung làm lại từ đầu.
"Mang Quảng Trị đi muôn phương"
Khi đại dịch Covid-19 ập đến, mọi hoạt động ngừng trệ, Cà Mèn không phải ngoại lệ. Một hôm, nửa đêm, anh Thuận nhận được tin nhắn từ khách quen: "Vợ anh đang bầu, mà thèm cháo bột cá lóc quá, làm sao giờ em nhỉ?".
Anh Thuận trăn trở, không biết làm cách nào để có thể giúp khách hàng. Thế là ý tưởng về sản phẩm đóng gói được nhen nhóm.
Cháo bột (hay còn gọi là bánh canh) cá lóc là món ăn đặc sản của vùng đất Hải Lăng - Quảng Trị. Món ăn gồm có các nguyên liệu cơ bản bột gạo (hoặc bột lọc, bột mì) cắt sợi; củ ném (nơi khác có nơi gọi là hành tăm, củ nén).
Cuối năm 2021, phiên bản đầu tiên của sản phẩm cháo bột cá lóc đóng gói ra đời. Nhưng túi cháo lúc đó to và nặng, khẩu phần dành cho nhiều người ăn nên khó mang đi xa. Anh lại tiếp tục cải tiến sản phẩm, cách đóng gói. Nửa năm sau, khi không còn giãn cách xã hội, anh cho ra đời cháo bột cá lóc Cà Mèn phiên bản một người ăn với trọng lượng 230gr, nhỏ gọn, tiện lợi.
Anh Thuận chia sẻ, công ty sản xuất 20.000 - 30.000 sản phẩm/ tháng. Đến nay, mặt hàng đã có mặt ở nhiều nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức… Còn trong nước, Cà Mèn có 10 đại lý phân phối.
Cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với chủ thương hiệu Cà Mèn khi mỗi thị trường lại có những tiêu chuẩn khác nhau về sản phẩm, đòi hỏi nhà cung cấp phải tuân thủ.
Muốn xuất khẩu đi Mỹ, sản phẩm phải đáp ứng các tiêu chuẩn về FDA (chứng nhận đáp ứng tiêu chuẩn lưu thông hàng hóa nhập xuất tại thị trường Hoa Kỳ), FSMA (Luật hiện đại hóa An toàn thực phẩm của Mỹ) và một số tiêu chuẩn khắt khe khác. Lúc này, đòi hỏi Cà Mèn giải 2 bài toán, đó là chất lượng sản phẩm và công nghệ đóng gói.
Nhận thấy tầm quan trọng của việc đầu tư máy móc, trang thiết bị công nghệ để sản xuất sản phẩm đáp ứng được yêu cầu, anh Thuận tìm đến Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị, tìm những nhà cung cấp nguyên liệu chất lượng, ổn định, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu.
Trong đó có các kỹ thuật nuôi bán tự nhiên, nghĩa là vừa kiểm soát được thức ăn đầu vào nhưng vẫn đảm bảo chất lượng cá thành phẩm dai ngọt như cá thả tự nhiên. Đồng thời, anh đầu tư dây truyền sản xuất hiện đại từ hệ thống sơ chế cho đến quy trình chiết rót, đóng gói sản phẩm để nâng cao chất lượng.
"Ban đầu số lượng nhỏ lẻ thì chúng tôi đóng gói thủ công với những máy đơn giản, nhưng khi có đơn hàng lớn, đối tác cũng yêu cầu khắt khe hơn, buộc Cà Mèn phải nâng cấp hệ thống dây chuyền đóng gói", anh Thuận kể.
Hiện nay, sản phẩm cháo bột cá lóc Cà Mèn đã được Hoa Kỳ cấp chứng nhận FDA, còn xưởng sản xuất đạt tiêu chuẩn HACCP theo tiêu chuẩn quốc tế. Nhờ đó, Cà Mèn có những chuyến vươn khơi thuận lợi.
Chia sẻ về những dự định tương lai, anh Thuận cho biết Cà Mèn sẽ tiếp tục đầu tư để phát triển chất lượng các sản phẩm có sẵn, đồng thời nghiên cứu, phát triển thêm nhiều sản phẩm mới, để thực hiện mục tiêu "mang Quảng Trị đi muôn phương", tiếp cận thêm các thị trường mới như Úc, New Zealand và châu Âu…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận