Các nghĩa trang phần lớn nằm quanh đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM và thường chỉ trên dưới 1 giờ chạy xe, giao thông thuận lợi.
Mua một, lãi ba, bốn lần
Bất động sản nghĩa trang được gọi dưới nhiều tên gọi khác nhau như: Đất sinh phần, bất động sản an táng, bất động sản tâm linh... Trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa nhanh, quỹ đất nghĩa trang địa phương ngày càng thu hẹp, các dự án bất động sản nghĩa trang được đầu tư ồ ạt. Thậm chí, nhiều người kiếm được bạc tỷ từ việc mua đi bán lại mộ phần.
Chị Nguyễn Thị Chi (ở Hà Nội) có ông bà ngoại mai táng ở nghĩa trang Yên Kỳ, Ba Vì, Hà Nội. Năm 2010, khi đi thăm mộ, chị tình cờ ghé nghĩa trang tư nhân Vĩnh Hằng. Cách nghĩa trang Yên Kỳ không xa nhưng nghĩa trang Vĩnh Hằng được quy hoạch gọn gàng, bài bản.
Khuôn viên mộ được thiết kế khá đa dạng. Có những lăng mộ nguy nga, tráng lệ với họa tiết khắc đá chìm nổi hoặc nhiều cây xanh, hoa cỏ; Cũng có cả mô hình nhà vườn truyền thống với cây đa, sân đình. Vì vậy, chị quyết định mua hơn 30m2 đất ở Vĩnh Hằng làm nơi yên nghỉ cho bố mẹ và vợ chồng mình sau này.
Đến nay, số đất chưa sử dụng tới bởi người thân của chị đều còn khỏe mạnh. Do vậy, chị Chi quyết định chuyển nhượng cho chủ mới và thu được khoản tiền khá lớn ngoài dự tính: "Chủ phần mộ ngay cạnh đã sử dụng hết đất, muốn mua thêm nhưng chủ đầu tư không còn. Thấy tôi chưa sử dụng nên ông đặt vấn đề mua để gộp thành một cho tiện bề thăm nom. Tôi không có ý định bán nhưng ông năn nỉ quá. Lúc tôi mua khoảng 5 triệu đồng/m2, nay bán lại 18 triệu đồng/m2", chị Chi nói.
Công viên Tưởng niệm Thiên Đức Vĩnh Hằng (còn gọi là nghĩa trang Thiên Đức) cũng là nơi có nhiều người mua đi bán lại. Anh L, một nhân viên chăm sóc khách hàng ở đây cho biết, mỗi năm có khoảng 2-3 khách hàng chuyển nhượng lại đất sinh phần do chưa sử dụng tới. Việc chuyển nhượng được thực hiện như với bất động sản, phải trả phí công chứng, nộp thuế cá nhân (2%).
Chị Nguyễn Thị Phương (một nhà đầu tư ở Hà Nội) cho biết, khoảng năm 2015 trở về trước, khái niệm bất động sản nghĩa trang khá lạ lẫm, thậm chí khiến nhiều nhà đầu tư e ngại. Nhưng chị cảm nhận được xu hướng dịch chuyển của văn hóa an táng, sự thu hẹp dần các nghĩa trang ở khu dân cư nên chọn đây là kênh đầu tư.
Chị mua đất ở nhiều nghĩa trang quanh Hà Nội. Nhưng sản phẩm chị nhắc nhiều là mảnh đất tận Long Thành, Đồng Nai.
Một lần đi lễ, chị cùng nhóm bạn ghé nghĩa trang Sala Gaden (Long Thành, Đồng Nai). Trước sự tĩnh lặng ở đây, chị đã xuống tiền 3 tỷ đồng mua khu hơn 200m2, gần một ngôi chùa. Đến nay, có người trả hơn 5 tỷ đồng nhưng chị chưa bán.
"Tôi thuộc nhóm nhà đầu tư xuống tiền đầu tiên ở đây. Đã có người trả giá gần gấp đôi tiền đầu tư nhưng tôi vẫn để đó. Khu đó an yên, có tiền cũng khó tìm", chị Phương cho hay.
Lãi lớn nếu vượng phong thủy
Anh Nguyễn Văn Tuấn, tư vấn dự án Sala Gaden, cho biết hàng bán của chủ đầu tư đã hết từ năm 2017. Hiện nay, đơn vị bán hàng của chủ đầu tư đang hỗ trợ bán hàng chuyển nhượng.
Theo anh Tuấn, tỷ suất lợi nhuận khi đầu tư tại nghĩa trang khoảng 9-13%/năm. Những lô gia tộc 200m2, vị trí đắc địa gần chùa mua khoảng 3 tỷ đồng/lô đều đã tăng lên 5-7 tỷ đồng/lô.
Một nhân viên tư vấn dự án nghĩa trang Thiên Đức cũng cho biết khoảng 2010, giá bán chỉ khoảng 3 triệu/m2. Đến năm 2020, giá tăng lên khoảng 20 triệu/m2, hiện nay là 30 triệu/m2. Giá đất sinh phần ở nghĩa trang Vĩnh Hằng cũng tăng tương tự.
Ông Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Công ty Nhà Ở Ngay, cho biết có những lô bất động sản an táng tăng giá vài ba lần bởi yếu tố phong thủy. Lô đất đẹp, vượng phong thủy không căn cứ giá theo thị trường, giao dịch phụ thuộc vào ý chí bên bán và bên mua.
Ông Huy nhận định, bất động sản an táng sẽ là một xu hướng trong thời gian tới, bởi lượng cầu lớn, cả chục nghìn trường hợp hạ huyệt mỗi năm. Trong khi đó, nguồn cung phục vụ nhu cầu này thiếu, các nghĩa trang gần Hà Nội như: Văn Điển, Thanh Thước, Yên Kỳ, Vĩnh Hằng đã hết hàng, chỉ còn lại đất chuyển nhượng.
"Sản phẩm này cũng đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư bởi vừa túi tiền. Nếu đầu tư nhà ở hiện nay tối thiểu phải có vốn tầm 2 tỷ, thì bất động sản an táng chỉ cần vài chục đến vài trăm triệu tùy theo nhu cầu đầu tư. Tỷ suất sinh lợi không thu kém bất động sản khác, quan trọng nhất là nhu cầu thực", ông Huy nói.
Hiện nay, đất nghĩa trang được nhiều địa phương chú trọng đưa vào quy hoạch để thu hút đầu tư, chẳng hạn như: Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng giai đoạn 2 (Ba Vì, Hà Nội), Công viên nghĩa trang Tuyên Quang (nghĩa trang Thiên Đường), huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang; Nghĩa trang An Lạc, Quảng Ninh; Lạc Hồng Viên, Hòa Bình...
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Mạnh Thản, chủ nghĩa trang Vĩnh Hằng ở Ba Vì cho rằng, nhu cầu về chỗ an táng không ngừng tăng lên. Vì thế, chắc chắn bất động sản nghĩa trang sẽ còn sôi động hơn nữa thời gian tới.
Nghĩa trang Thiên Đức Vĩnh Hằng tổng diện tích hơn 90ha. Dự án nằm tại 2 xã Trung Giáp và Bảo Thanh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, giá bán 23-40 triệu đồng/m2. Từ Hà Nội đến dự án khoảng hơn 1 giờ theo đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai.
Nghĩa trang Công viên Vĩnh Hằng đang đền bù mở rộng giai đoạn 3 với diện tích khoảng 38ha, chưa có giá bán.
Công viên Nghĩa trang Tuyên Quang (nhĩa trang Thiên Đường), huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Dự án diện tích 24ha, cách Hà Nội khoảng 75km. Sau khi hoàn thành tuyến cao tốc Hà Nội - Hà Giang, thời gian di chuyển từ Hà Nội đến dự án khoảng 1 giờ. Hiện, dự án đang triển khai, chưa có giá bán.
Nghĩa trang Sala Gaden (Long Thành, Đồng Nai) cách TP.HCM khoảng 1 giờ đi xe theo hướng QL1 theo đường Biên Hòa - quốc lộ 51 hoặc khoảng 40 phút đi cao tốc TP.HCM - Long Thành.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận