Loạt dự án bị điểm tên
Theo nguồn tin của Báo Giao thông, Kiểm toán nhà nước vừa có văn bản 641 gửi Bộ Công thương, liên quan đến kết quả kiểm toán chuyên đề đánh giá hiệu quả của chính sách ưu đãi và hỗ trợ về thuế, đất đai, bảo vệ môi trường cho phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo (NLTT).
Đợt kiểm toán này được thực hiện từ ngày 8/8/2022 đến ngày 21/9/2022. Tại 4 tỉnh, bao gồm: Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ninh Thuận và Phú Yên.
Qua kiểm tra, Kiểm toán nhà nước chỉ ra một loạt vấn đề tồn tại liên quan đến công tác quản lý của Bộ Công thương.
Phát triển bùng nổ điện mặt trời từ năm 2020
Về công tác quy hoạch, theo Kiểm toán nhà nước, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 4559 (ngày 7/12/2017) phê duyệt quy mô công suất của Dự án nhà máy điện mặt trời Thuận Nam 19 (Công ty Cổ phần Tasco Năng lượng) vào quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011-2015 là 49 MW (thay vì 49 MWp).
Điều này làm tăng quy mô công suất của dự án lên 25% so với đề xuất tại Văn bản số 3759 (ngày 13/9/2017) của UBND tỉnh Ninh Thuận.
Bên cạnh đó, có 4 dự án được Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch có ranh giới trùng với một số quy hoạch khác trên địa bàn tỉnh.
Bộ này còn phê duyệt vị trí quy hoạch thực hiện dự án nhà máy điện mặt trời Long Sơn và dự án nhà máy điện mặt trời Trung Sơn có một phần diện tích trùng với quy hoạch rừng sản xuất, với diện tích lần lượt là 54,51ha và 8,64ha.
Đặc biệt, Kiểm toán nhà nước còn chỉ ra, Bộ Công thương thẩm định, phê duyệt bổ sung nhà máy điện mặt trời Điện lực Miền Trung vào quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2011-2015, có xét đến năm 2020.
Song, tại thời điểm Bộ này phê duyệt năm 2017 thì quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2011-2015 đã hết chu kỳ thực hiện. Còn tại chu kỳ quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035, thì danh mục dự án nguồn điện không có nhà máy điện mặt trời Điện lực Miền Trung.
Ngoài ra, Bộ này cũng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung Dự án nhà máy điện gió và điện mặt trời xanh Sông Cầu vào quy hoạch điện VII điều chỉnh, khi một phần ranh giới quy hoạch dự án trùng với dự án trồng rừng phòng hộ ven biển tỉnh Phú Yên giai đoạn 2015-2020.
Một vấn đề nữa được Kiểm toán nhắc đến, đó là Bộ Công thương thẩm định, phê duyệt bổ sung quy hoạch các dự án thủy điện nhỏ, nhưng không nêu rõ tiến độ dự kiến hoặc thứ tự ưu tiên đầu tư xây dựng các dự án.
“Điều này chưa đúng quy định tại điểm khoản 3 Điều 8 Thông tư số 43 của Bộ Công thương.
Dẫn đến, không có cơ sở đánh giá sự phù hợp giữa kế hoạch thực hiện đầu tư xây dựng các công trình thủy điện với quy hoạch phát triển điện lực đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; sự phù hợp với tình hình phụ tải và công trình lưới điện có liên quan trong khu vực”, văn bản nêu rõ.
Còn về mặt quản lý nhà nước về vận hành các nhà máy NLTT giai đoạn 2015-2021, kết quả kiểm tra cho thấy, có 4 dự án điện mặt trời tại tỉnh Khánh Hòa thuộc thẩm quyền của Cục Điện lực và NLTT tại thời điểm đưa vào vận hành, hoạt động thương mại chưa có văn bản chấp thuận công tác nghiệm thu của cấp có thẩm quyền kiểm tra việc hoàn thành công trình xây dựng; song vẫn được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho đấu nối vào lưới điện Quốc gia.
Ở văn bản này cũng nêu lên những tồn tại trong Thực hiện chính sách bảo vệ môi trường. Đó là, chưa hướng dẫn cụ thể biện pháp xử lý chất thải nguy hại từ các tấm quang điện mặt trời khi hết tuổi thọ hoặc kết thúc vòng đời.
Do vậy, việc xử lý chất thải là các tầm quang điện mặt trời là một trong những vướng mắc trong bảo vệ môi trường cần giải pháp khắc phục trong thời gian tới...
Kiểm toán nhà nước cũng nhắc đến những hệ lụy về trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc thực hiện chiến lược phát triển NLTT liên quan đến việc phát triển Điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN).
Theo đó, quá trình thực hiện chính sách khuyến khích phát triển ĐMTMN cho thấy, các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện được Bộ Công thương và EVN ban hành chưa đồng bộ;
Còn có sự không đồng nhất giữa các quyết định có nội dung chưa phù hợp với Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 11 và Quyết định số 13) liên quan đến quy định của Luật Xây dựng và các quy định liên quan.
Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý theo quy định
Trước những vi phạm trên, Kiểm toán nhà nước đề nghị Bộ Công thương kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân và xử lý theo quy định những vụ việc như:
Phê duyệt quy mô công suất của Dự án nhà máy điện mặt trời Thuận Nam 19; phê duyệt quy hoạch 4 dự án tại tỉnh Ninh Thuận; ban hành văn bản số 7088 không phù hợp với quyết định số 13 của Thủ tướng Chính phủ; phê duyệt bổ sung quy hoạch vượt 14,5ha dự án nhà máy điện mặt trời Phước Ninh; phê duyệt quy hoạch dự án nhà máy điện mặt trời Long Sơn và dự án điện mặt trời Trung Sơn; bổ sung nhà máy điện mặt trời Miền Trung vào quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2011-2015.
Những vấn đề còn lại, được yêu cầu tổ chức rút kinh nghiệm tập thể, cá nhân liên quan.
Riêng với EVN, Kiểm toán nhà nước đề nghị chấn chỉnh rút kinh nghiệm trong việc ban hành Văn bản số 6948 (ngày 19/10/2020) chưa phù hợp trách nhiệm thực hiện của EVN, dẫn đến việc ký hợp đồng mua bán điện của hệ thống ĐMTMN khi chưa đầy đủ thủ tục pháp lý;
Và việc chấp nhận vận hành, nối lưới, mua điện đối với các dự án nhà máy điện mặt trời nhưng chưa được cấp có thẩm quyền ban hành thông báo kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu dự án.
Kiểm toán nhà nước cũng nhấn mạnh, cần có chính sách dài hạn để phát triển NLTT, trong đó lưu ý đến phát triển các dự án ĐMTMN để có lộ trình phát triển phù hợp, được quản lý đầy đủ bởi các cơ quan có thẩm quyền để góp phần giảm thiểu chi phí xã hội, tạo điều kiện tiếp cận nguồn năng lượng sạch...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận