Cơ sở khám chữa bệnh của bà Hoàng Thị Hiền |
Ngày 19/7, đoàn công tác của Bệnh viện (BV) Da liễu T.Ư cùng Sở Y tế tỉnh Hưng Yên đã kiểm tra cơ sở hành nghề của y sĩ Hoàng Thị Hiền (xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) nơi nghi ngờ là nguồn lây nhiễm sùi mào gà cho nhiều trẻ trên địa bàn sau khi thực hiện thủ thuật nong tách bao quy đầu.
2 tháng 5 lần đốt sùi mào gà vẫn chưa khỏi
Sáng 19/7, khi biết tin có cơ quan chức năng kiểm tra điểm khám bệnh của y sĩ Hoàng Thị Hiền, đông đảo người dân đã có mặt. Rất nhiều gia đình đưa con đến với mong muốn được các bác sĩ của BV Da liễu T.Ư tư vấn, khám xem con mình có nhiễm sùi mào gà hay không. Hầu hết các khuôn mặt đều thảng thốt, lo lắng trước hung tin nhiều trẻ từng nong bao quy đầu tại nhà bà Hiền đã nhiễm sùi mào gà.
Khá bức xúc, anh Nguyễn Văn Việt (Dạ Trạch, Khoái Châu, Hưng Yên) cho biết, con trai anh 5 tháng tuổi đã mắc sùi mào gà. Lúc con được 3 tháng tuổi, vợ anh đưa con đến nhà bà Hiền khám viêm da cơ địa. Tuy nhiên, sau khi khám viêm da cho trẻ, bà Hiền tự ý khám thêm bộ phận sinh dục cho bé. Sau đó, bà Hiền cho rằng, con trai anh Việt bị viêm 2/3 bao quy đầu, buộc phải nong tách nếu không dễ dẫn tới vô sinh hoặc ung thư. Quá hoảng hốt, gia đình đồng ý cho bà Hiền nong bao quy đầu cho con với giá 750.000 đồng. “Xót xa lắm, chỉ sau 2 tháng được bà Hiền nong bao quy đầu, thằng bé xuất hiện nhiều nốt sùi ở bộ phận sinh dục”, anh Việt chia sẻ. Sau đó, anh Việt lại đưa con trở lại phòng khám của bà Hiền để điều trị nhưng không khỏi, anh tiếp tục cho con lên BV Sản - Nhi Hưng Yên, rồi BV Nhi T.Ư nhưng lại được giới thiệu sang BV Da liễu T.Ư. Tới nay, sau 2 tháng với 5 lần đốt sùi mào gà, chi phí lên đến gần 20 triệu đồng nhưng bệnh của con vẫn chưa dứt hẳn.
"Ban lãnh đạo BV Da liễu T.Ư thống nhất miễn phí toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh cho tất cả trẻ mắc bệnh sùi mào gà đến từ huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, từ ngày 17/7 đến hết năm 2017. Sùi mào gà là bệnh nhiễm trùng do HPV gây nên. Khó khăn là trẻ không hợp tác, việc điều trị khó khăn. Các trẻ nhỏ, tổn thương lớn đều hội chẩn tại khoa và liên viện để tìm phác đồ điều trị tốt nhất cho bệnh nhi. Hiện tại, viện có 6 bệnh nhi đang nằm lại, trong đó 5 bệnh nhi ở huyện Khoái Châu. Đặc biệt, có cháu 6,5 tháng tuổi bị tổn thương rất nặng ở bao quy đầu. Sau hội chẩn với BV Nhi T.Ư, chiều 19/7, hai viện phối hợp tiến hành phẫu thuật cho trẻ”. PGS. TS. Lê Hữu Doanh |
“Sắp tới, gia đình lại chuẩn bị cho con tái khám điều trị đốt lần thứ 6. Sai lầm của cha mẹ khiến con cái khổ quá”, anh Việt ngậm ngùi và cho biết thêm, khi có kết quả xét nghiệm của con về bệnh sùi mào gà, anh có gặp y sĩ Hiền để hỏi cho rõ nhưng bà Hiền chối bay và đổ lỗi tại vợ chồng anh chăm sóc con không hợp vệ sinh, do địa phương đang có dịch “sùi mào gà”.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Thuấn (Dạ Trạch, Khoái Châu, Hưng Yên) cũng cho biết, cháu ngoại của bà 2 tháng trước phát hiện bị sùi mào gà sau khi đến nong tách bao quy đầu tại nhà bà Hiền. Tuy nhiên, khi gia đình đến hỏi, bà Hiền đổ lỗi tại đóng bỉm và cho dung dịch thuốc tím bôi chứ không điều trị. Lo sợ nên gia đình cho con lên BV Da liễu T.Ư khám.
Nhiều gia đình khác tại xã Dạ Trạch cùng chung tình cảnh đáng tiếc như vậy. Trong danh sách hiện do Trạm Y tế xã Dạ Quang thu thập, có trường hợp trẻ đã đi điều trị sùi mào gà 10-12 lần với chi phí lên đến 40-50 triệu đồng nhưng bệnh vẫn chưa dứt. Tất cả trẻ này đều đã từng khám và được bà Hiền chẩn đoán chít hẹp bao quy đầu, buộc phải nong.
Theo thống kê của BV Da liễu T.Ư, từ đầu năm tới nay, trên địa bàn Hưng Yên có 52 trẻ bị sùi mào gà, trong đó 48 ca ở huyện Khoái Châu, 4 ca còn lại ở Yên Mỹ.
Phòng khám “3 không” ngang nhiên tồn tại nhiều năm
Sáng 19/7, khi đoàn công tác của BV Da liễu T.Ư và Sở Y tế Hưng Yên tới thị sát, bà Hiền không có nhà. Phòng khám của bà Hiền rộng khoảng 10m2, chỉ còn trơ 1 chiếc giường và tủ thuốc trống không. Theo những người xung quanh, phòng khám này đã hoạt động công khai từ nhiều năm nay với lượng bệnh nhân rất đông. Cũng tại đây, bà Hiền điều trị tất cả các loại bệnh cho người lớn, trẻ con từ hô hấp, viêm da đến nong bao quy đầu… Theo người dân nơi đây, nếu là bé trai tới khám, bà Hiền đều khám bộ phận sinh dục, hầu hết trong số đó đều bảo phải nong tách bao quy đầu. Thậm chí, có trẻ hơn tháng tuổi, bà Hiền cũng nong tách bao quy đầu.
Kiến nghị phạt hành chính bà Hoàng Thị Hiền 110 triệu đồng Theo ông Lều Anh Quân, Chánh thanh tra Sở Y tế tỉnh Hưng Yên, sau kiểm tra cơ sở y tế của y sĩ Hoàng Thị Hiền, Sở Y tế tỉnh Hưng Yên đã lập biên bản vi phạm và kiến nghị mức xử phạt tối thiểu 110 triệu đồng cho 3 hành vi vi phạm: Cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh không có giấy phép hoạt động; Bán thuốc cho người bệnh tại cơ sở y tế khám, chữa bệnh; Hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn… Bên cạnh đó, sau khi điều tra kết luận vụ việc nhiều cháu mắc sùi mào gà ở địa bàn, nếu có liên quan đến bà Hoàng Thị Hiền, sở sẽ tiếp tục có xử lý bổ sung. |
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lều Văn Quân, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hưng Yên khẳng định: “Bà Hoàng Thị Hiền có chứng chỉ hành nghề, văn bằng chuyên môn y sĩ đa khoa, chuyên môn thực hiện kỹ thuật điều dưỡng. Cơ sở của bà Hiền chưa được cấp phép hoạt động. Cuối năm 2016, cơ sở này đã từng bị kiểm tra, có vi phạm nên đã buộc dừng hoạt động”.
Trước câu hỏi tại sao đã có quyết định dừng hoạt động nhưng bà Hiền vẫn ngang nhiên khám, chữa bệnh công khai trong suốt thời gian dài, ông Quân cho biết: Cơ sở của bà Hiền tại nhà riêng và không có biển hiệu, do vậy theo phân cấp, việc kiểm soát được ủy quyền cho xã. Xã đã kiểm tra và yêu cầu dừng hoạt động nhưng việc xử lý chưa triệt để (!?). “Trách nhiệm của sở là có công văn đôn đốc cấp xã, phường. Cấp xã, phường phải có trách nhiệm kiểm soát hoạt động y tế cơ sở, nếu có vấn đề phải báo cáo cấp trên…”, ông Quân cho hay.
Tiếp tục điều tra nguyên nhân
Theo PGS. TS. Lê Hữu Doanh, Phó giám đốc BV Da liễu T.Ư, do đoàn kiểm tra không gặp bà Hiền, phòng khám trong tình trạng trống không, nên không thể kết luận được nguyên nhân, mà cần tiếp tục phối hợp với Sở Y tế Hưng Yên để điều tra. “Hiện nay, cần tập trung việc ngăn chặn các trẻ mắc mới và vì bệnh có thể ủ bệnh một năm nên với những cháu đã nong tách bao quy đầu tại cơ sở bà Hiền, dù chưa có biểu hiện tổn thương sùi mào gà cũng nên đưa lên bệnh viện chuyên khoa để làm xét nghiệm chuyên sâu hơn”, ông Doanh khuyến cáo.
Sau khi có thông tin báo chí nêu, từ ngày 19/7, Trạm Y tế xã Dạ Trạch đã đi điều tra số trẻ đang bị sùi mào gà ở xã và kêu gọi bố mẹ các cháu đã nong tách bao quy đầu ở nhà bà Hiền theo dõi và lên trạm y tế khai báo để có hướng xử lý sớm. Theo bà Bùi Thị Tình, cán bộ trạm y tế xã, hiện có 8 cháu mắc sùi mào gà đã khai báo, đều sinh năm 2015 - 2016.
Ông Lều Văn Quân cho biết, ngoài thanh, kiểm tra, Phòng Nghiệp vụ của Sở Y tế Hưng Yên cũng đã truyền thông, khuyến cáo để người dân đưa các cháu nghi ngờ nhiễm bệnh đến khám tại các cơ sở y tế trong tỉnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận