Ảnh minh họa: Ngọc Diệp |
Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 85 về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc Bộ Chính trị, Ban bí thư quản lý với khoảng 1.000 người, bao gồm cả Ủy viên Bộ Chính trị. Nhiều ĐBQH đánh giá rất cao quyết tâm mạnh mẽ này, đồng thời cho rằng, quan trọng nhất là cần công khai sau khi kiểm tra, giám sát.
Vợ, con cũng phải kê khai tài sản?
Trao đổi với Báo Giao thông, ĐBQH Vũ Trọng Kim, nguyên Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký T.Ư MTTQ Việt Nam đánh giá, cả chục năm qua, tác dụng trong thực tế của việc kiểm tra kê khai tài sản cán bộ là không có. Bởi thế lần này, Đảng coi 1.000 cán bộ cấp cao, chủ chốt là đối tượng của việc kiểm tra, giám sát tài sản là quyết tâm rất lớn. “Về cách thức tổ chức thực hiện Ủy ban Kiểm tra T.Ư chưa họp nên chưa có kế hoạch cụ thể. Nhưng tôi cho rằng, khi kiểm tra, giám sát trường hợp nào xong cần công khai tới đó, tránh để tình trạng kết quả cất ngăn kéo, đóng dấu mật. Việc công khai càng rộng rãi càng tốt”, ông Kim nói và cho rằng, mặt khác các cơ quan chức năng cũng nên điều chỉnh những luật liên quan để thực hiện việc này không còn vướng mắc.
ĐB Mai Sỹ Diễn, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, trong những năm qua, việc thực hiện quy định của Đảng cũng như Thông tư 08 của Thanh tra Chính phủ về kê khai tài sản còn khó khăn trong xác định minh bạch tài sản đứng tên vợ, chồng, con có liên quan đến tham nhũng của người có chức vụ, quyền hạn. Bởi vậy, việc xác minh tài sản, thu nhập của đối tượng phải kê khai là không thực chất, không có cơ sở để tố cáo, đối chứng xác định đó là dấu hiệu vi phạm để thanh, kiểm tra. Do vậy, trong tổ chức thấy đúng “quy trình, quy định”, nhưng người dân, nhiều người trong cuộc thấy không đúng lại không thể làm gì khác.
“Bộ Chính trị đã thấy và đã hành động. Đây là tư tưởng chỉ đạo để việc xây dựng Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) tới đây phải rõ ràng hơn, tăng cường minh bạch tài sản, quy định cụ thể hơn nữa. Chẳng hạn như quy định đối tượng nào thì vợ, chồng, con cũng phải kê khai tài sản, quy định xử lý đối với những người đứng tên hộ tài sản của người phải kê khai”, ông Diễn đề xuất.
Người ngay không sợ
Là đối tượng bị tác động trực tiếp từ quy định này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Thị Dung chia sẻ quan điểm, tài sản của những cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý phải được công khai. Còn công khai đến mức nào phải đảm bảo đúng theo quy định. “Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương mới này và không có gì băn khoăn và tôi sẵn sàng chấp hành”, bà Dung nói.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, TS. Nguyễn Đình Quyền cũng chia sẻ: “Hồi tôi làm Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (đối tượng thuộc diện Ban Bí thư quản lý - PV), lương 14 triệu đồng. Ngoài khoản thu nhập này tôi có đi giảng dạy thêm, viết bài trên các tạp chí khoa học..., cũng kiếm thêm chút ít. Việc Bộ Chính trị ra quy định này theo tôi có tác dụng rất lớn. Nếu kết quả kiểm tra, giám sát được công khai, sẽ tránh được việc đánh đồng chung các cán bộ đều “thế nọ, thế kia”. Bởi không ít cán bộ dù thuộc diện T.Ư quản lý cũng có thu nhập và đời sống không cao”.
Theo TS. Quyền, việc tổ chức thực hiện quy định của Bộ Chính trị trong thực tế có thể có những khó khăn nhất định nhưng nhất thiết phải làm, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, tổng kết mặt được và chưa được, chỉ rõ khó khăn điểm nào, nguyên nhân vì sao để từ đó thực hiện tốt hơn.
Trong khi đó, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nhắc lại mong muốn của cử tri, nhân dân rằng, “cứ làm từ trên xuống đi thì xã hội sẽ chuyển biến tích cực ngay. Phải nghiêm khắc từ trên xuống”: “Bây giờ anh có 1-2 cái nhà, vợ con lại có tài sản vài trăm tỷ đồng thì phải làm rõ, tất cả những cái này từ đâu ra? Trước hết phải kiểm tra người thân trong gia đình, chưa kể nhiều người tham nhũng tẩu tán cho những người khác, nhờ người này, người kia nữa”, ông Nghĩa kiến nghị và cho rằng trong việc này, chỉ những người “có vấn đề” mới ngại, còn những người trong sạch, đàng hoàng chắc chắn họ rất ủng hộ.
Theo Quy định 85 của Bộ Chính trị, chỉ cần có một trong ba căn cứ sau đây là đã có thể tiến hành kiểm tra tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, kể cả các Ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Ban Bí thư: Khi có kế hoạch, yêu cầu của cơ quan tổ chức có thẩm quyền; có đơn thư tố cáo hoặc khi có dấu hiệu vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước về kê khai tài sản. Cơ quan trực tiếp được giao nhiệm vụ kiểm tra là Ủy ban Kiểm tra T.Ư. Trao đổi với Báo Giao thông, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ Phạm Trọng Đạt cho biết, lâu nay, việc giám sát kê khai tài sản của cán bộ vẫn còn nhiều hạn chế bởi chưa có những quy định cụ thể với đối tượng thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Bên cạnh đó, cơ chế và mô hình tổ chức thực hiện còn thiếu, không tập trung, bị phân tán. Vì thế, lần này cần xây dựng mô hình cụ thể, còn quy định này mới chỉ là bước ban đầu. “Việc kê khai tài sản lâu nay dựa trên nguyên tắc tự nguyện, tự giác của cán bộ, đảng viên. Do đó, quy định xác minh rõ việc kê khai tài sản sẽ giảm tối đa hiện tượng cán bộ kê khai không trung thực. Thêm nữa, Luật Phòng chống tham nhũng đang được góp ý sửa đổi. Chắc chắn sẽ có nhiều nội dung phải sửa để kiểm soát tốt hơn vấn đề này”, ông Đạt nói. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận